Nhớ lần tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm ba nước Đông Âu

(Kinhdoanhnet) - Mấy ngày nay, mỗi lần mở mạng là đọc được thông tin về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời, theo đó là những bài viết xúc động về chú Sáu Khải – người con của đất thép Củ Chi anh hùng.

Với tôi, trong 5 lần tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm nhiều quốc gia ở các châu lục đã để lại trong tôi những cảm xúc khó quên. Một trong những chuyến đi để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất là tháp tùng Thủ tướng thăm ba nước Đông Âu vào mùa thu năm Canh Thìn.

Nhớ lần tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm ba nước Đông Âu - Ảnh 1

Ấn tượng mạnh mẽ và xúc động nhất mà tôi ghi nhận được trong chuyến đi là khi Thủ tướng cùng phu nhân đến thăm Học viện Kinh tế Plêkhanov ở Thủ đô Matxcơva, nơi mà Thủ tướng đã từng theo học trong những năm 1960 – 1965. Buổi sáng hôm đó, sau lễ trao Huân chương hữu nghị của nhà nước Việt Nam cho Viện sĩ, Giáo sư Giám đốc Học viện, cả hội trường lặng đi khi nghe các giáo sư đầu ngành ở đây phát biểu về cảm nghĩ của mình về nước Nga và Việt Nam. Chúng tôi, những người Việt Nam và cả người Nga ngạc nhiên khi giáo sư mở đầu bài bài phát biểu của mình bằng một cụm từ tiếng Việt: “Chào các đồng chí Việt Nam”. Ông nói trong nấc nghẹn và những xúc động ngập tràn bởi tình cảm đằm thắm mà ông đã dành cho Việt Nam.

Dường như phát hiện thấy mọi người ngạc nhiên khi mình nói cụm từ ấy, ông giải thích: “Sở dĩ tôi muốn dùng từ đồng chí là để mong sao những người bạn Việt Nam có mặt tại diễn đàn này thấu hiểu cho nỗi lòng của chúng tôi. Thế giới, nước Nga dù thay đổi thế nào, song trái tim chúng tôi vẫn coi Việt Nam là người bạn thân thiết. Chúng ta đã có với nhau hơn nửa thế kỉ chia ngọt sẻ bùi; gian khổ có nhau, vậy thì tại sao lại phải xa nhau”.

Được biết trong những năm qua tại Học viện này đã có hơn 2.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam đã tốt nghiệp. Nhiều người đang giữ những trọng trách quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Và cũng trong thời gian đó, nhiều giáo sư của Học viện đã lần lượt sang công tác tại Việt Nam, đọc giờ giảng ở nhiều diễn đàn khác nhau, ăn bữa cơm Việt Nam và chia sẻ với Việt Nam trong những lúc khó khăn hoạn nạn và bây giờ khi họ theo dõi tiến trình đổi mới của Việt Nam, họ mới hiểu ra rằng: Tại sao ban lãnh đạo Việt Nam lại không đi theo con đường cải tổ của Liên Xô trước đây? Tại sao từ một nước bị bao vây cấm vận, bị chiến tranh tàn phá nặng nề mà Việt Nam vẫn đứng vững và vươn lên giành được vị thế chính trị có uy tín trên trường quốc tế. Từ một nước vẫn phải xin viện trợ lương thực hàng năm từ Liên Xô trước đây, nay đã là một nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới? Một quốc gia có tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh nhất?

Rồi ông lại nói: “Dẫu thời gian có trôi đi những tôi nghĩ rằng hai tiếng “Liên Xô” ngày nào vẫn là biểu tượng tốt đẹp luôn bên cạnh mỗi người Việt Nam”.

Nhớ lần tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm ba nước Đông Âu - Ảnh 2
Thủ tướng Phan Văn Khải và phu nhân trên chuyến bay về nước kết thúc chuyến thăm hữu nghị ba nước Đông Âu (tác giả người đầu tiên hàng thứ 2).

Đến phần phát biểu những cảm nghĩ của mình sau khi được nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Học viện coi đây là phần thưởng không chỉ dành riêng cho cá nhân ông mà cho cả Học viện, nơi đã đào tạo nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có cá nhân đồng chí Phan Văn Khải nay đã trở thành Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Là một nhà báo, lúc này, từ hàng ghế bên, tôi đưa mắt nhìn về phía bà Nguyễn Thị Sáu – phu nhân Thủ tướng, tôi có cảm giác bà đang trong tâm trạng khó tả. Trong cuộc đời bà, giờ đây đã là phu nhân của Thủ tướng, nhưng có lẽ với bà đây mới là giây phút hạnh phúc nhất. Bởi theo bà, trong suốt gần 5 năm (1960 – 1965) người chồng của bà đã theo học tại Học viện Kinh tế Plêkhanov, cũng là khoảng thời gian ở quê nhà, đất nước bộn bề khó khăn, bà sẻ chia và được trao trách nhiệm nặng nề nhất – trách nhiệm của người con đối với bố mẹ hai bên, người vợ, người mẹ nuôi dạy con khi chồng đi vắng.

Ngày ấy bà đâu có biết: Sau khi tốt nghiệp trường này, hơn 30 năm sau, chồng bà sẽ trở thành Thủ tướng. Nay đồng chí Phan Văn Khải lại được Học viện trao bằng “Tiến sĩ danh dự”; thử hỏi làm sao bà không xúc động được. Và nhất là khi ông Viện sĩ, Giám đốc Học viện cho biết: “Qua những năm đổi mới thành công ở Việt Nam, chúng tôi đang nghiên cứu và học tập. Rồi đây, theo kế hoạch đã đề ra, Học viện sẽ mời các chuyên gia kinh tế Việt Nam, trong đó có cả cá nhân Thủ tướng Phan Văn Khải sang đọc bài giảng và trao đổi kinh nghiệm với Học viện.

Những tình cảm sâu đậm ấy ở Học viện Plêkhanov khiến chúng tôi liên tưởng đến sự đón tiếp cởi mở, chân tình của Tổng thống Nga Putin dành cho Thủ tướng nước ta. Hàng ngày người dân ở đất nước chiếm 7 múi giờ thế giới rất ít thấy ông cười vậy mà khi tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải ông nở nụ cười rất tươi. Dự kiến ghi trong chương trình đã in sẵn phát cho các thành viên trong đoàn và các nhà báo đã ghi rõ: Tổng thống Nga Putin sẽ tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải từ 17 giờ đến 17h30’ ngày 12/9/2000, nhưng buổi tiếp đã diễn ra đến gần 1 giờ.

Tại buổi tiếp, Tổng thống Putin khẳng định: “Dù thể chế chính trị ở Liên bang Nga có sự thay đổi, song chính sách đối với Việt Nam của Ban lãnh đạo Nga vẫn không hề thay đổi. Trên thực tế chúng tôi vẫn coi Việt Nam là những người bạn truyền thống, một đối tác tin cậy ở Đông Nam châu Á”.

Tương tự như vậy, khi Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu Chính phủ ta đến thăm nước Cộng hòa Belarus, hai từ “đồng chí” ở đây tuy không thể hiện trên bàn Hội đàm, trong các cuộc tiếp xúc tay đôi, song bỏ qua những thủ tục, lễ nghi mà Bộ Ngoại giao hai nước đã đệ trình, Tổng thống Lukashenko đã làm một việc khá bất ngờ so với chương trình đã được chuẩn bị sẵn từ nhà là tiếp và hội kiến với Thủ tướng Phan Văn Khải trước khi diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa hai Thủ tướng hai nước. Điều thú vị là khi tiếp Thủ tướng nước ta, Tổng thống Lukashenko thổ lộ: “Trên nghi thức ngoại giao, chúng ta gọi nhau là ngài, nhưng thực chất trong lòng chúng tôi vẫn coi Việt Nam là những đồng chí, là người anh em”.

Một ấn tượng nữa mà tôi ghi nhận được trong chuyến đi khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành một giờ để gặp mặt và nói chuyện với các cán bộ Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria, không khí làm việc ở Sứ quán Việt Nam tại Sofia (thủ đô của Bulgaria) đã sôi động hẳn lên. Ngoài các công việc thường nhật là một loạt các công việc đột xuất cần phải xúc tiến để đón Thủ tướng cùng đoàn đại biểu Chính phủ ta. Anh chị em trong cộng đồng người Việt làm ăn tại các địa phương ở xứ sở hoa hồng coi đây là dịp để tụ họp và gặp mặt Thủ tướng cũng như những thành viên khác trong đoàn từ trong nước sang.

Người Việt Nam xem ra ở đâu cũng vậy, xa quê lâu ngày rất mong được gặp lại người cùng quê. Ai cũng nghẹn ngào và cảm động. Nhất là đối với Bulgaria thì là lần đầu tiên kể từ năm 1975 mới có đoàn cao cấp của Chính phủ ta đến thăm. Vì Sứ quán ta ở Bulgaria chỉ có gần chục người nên đã huy động hàng chục người trong cộng đồng người Việt tại Bulgaria triển khai các công việc để đón Thủ tướng và Đoàn.

Mặc dù ăn cơm nhà, làm những việc miễn phí nhưng ai cũng thấy vui. Gặp được Thủ tướng và mọi người ở trong nước sang là sung sướng rồi. Từ ngày các nước XHCN Đông Âu tan rã, các tin tức về Việt Nam rất ít, còn báo chí ở trong nước đưa sang thường chậm từ 2 – 3 tháng. Thỉnh thoảng có ai về nước là lại ôm một đống báo sang phân phát cho mọi người.

Có lẽ vì thế mà khi nghe Thủ tướng nói chuyện tình hình ở trong nước, từ đồng chí đại sứ đến bà con người Việt trong cộng đồng đều rất phấn khởi. Đặc biệt khi Thủ tướng khẳng định: “Qua chuyến thăm 3 nước Đông Âu lần này, tôi xin nói để mọi người Việt Nam có mặt tại đây biết với chúng ta, dân tộc ta có được như ngày nay là một diễm phúc lớn”.

Rồi Thủ tướng giải thích: “Khi đến thăm Cộng hòa Belarus và qua các buổi tiếp xúc, hội đàm, hội kiến với Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Tổng thống cũng như tại cuộc gặp các nhà doanh nghiệp nước bạn, sau khi nghe tôi thông báo: Trong hơn một nửa thập kỷ qua, Việt Nam đã tiếp nhận 2.500 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 36 tỷ đô-la nguồn vốn ODA, Việt Nam hiện đang đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng quan trọng khác, quả thật bạn rất ngạc nhiên và thán phục. Lúc đầu nhắc đến Việt Nam là bạn nghĩ ngay đến một đất nước còn bộn bề khó khăn, nợ chồng chất, hậu quả chiến tranh còn chưa khắc phục và đói nghèo vẫn là căn bệnh kinh niên v.v…

Vậy mà ai ngờ, chỉ sau hơn một thập niên thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, dân tộc ta vẫn đứng vững và kiên định đi theo con đường XHCN; tăng trưởng kinh tế được xếp vào loại cao trên thế giới. Chúng ta đã vượt qua cửa ải của đói nghèo và vươn lên tạo dựng một quốc gia phát triển. Điều cần nhấn mạnh là tại các cuộc gặp gỡ ấy, lãnh đạo các nước đều đặt vấn đề đẩy mạnh và nâng cao sự hợp tác song phương giữa ta và bạn.

Đến phần phát biểu cảm nghĩ của mình, nhiều bà con Việt kiều, anh chị em trong cộng đồng người Việt tại Bulgaria đều xúc động nói lên cảm nghĩ, những khát vọng đối với đất nước và quê hương. Ai cũng thổ lộ lòng mong mỏi trong những ngày sống ở đất bạn sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để xây dựng tình cảm hữu nghị giữa hai dân tộc và góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng Tổ quốc.

Lưu Vinh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục