Nguyện vọng lưu giữ ký ức về cụ Bùi Bằng Đoàn

(Kinhdoanhnet) – Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên toàn dân nô nức tham gia bầu cử Quốc hội khóa I (ngày 6/1/1946), hình ảnh cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, yêu nước thương dân mãi mãi khắc ghi trong lòng nhiều người dân Việt Nam thời ấy.

Năm 2016 nhân dân cả nước ta, cùng với Quốc hội long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày toàn dân Việt Nam đi bầu cử Quốc hội khóa I: ngày 6/1/1946. Kể từ đó Quốc hội nước ta đã liên tục hoạt động trong suốt 70 năm qua góp phần lãnh đạo đất nước kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giành độc lập tự do thống nhất đất nước và ngày nay đưa nước ta vững vàng tiến vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nhà nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguyện vọng lưu giữ ký ức về cụ Bùi Bằng Đoàn - Ảnh 1
Cụ Bùi Bằng Đoàn

Đứng đầu Quốc hội từ khóa I đến nay là những vị lãnh đạo tài năng và đức độ. Những tấm gương “tận trung với nước, tận hiếu với dân” như Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Trường Chính … đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tiến trình xây dựng nhà nước dân chủ, do dân, vì dân.

Cụ Bùi Bằng Đoàn (1889- 1955) sinh ra trong một gia đình nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ. Cụ Đoàn nổi tiếng là người học rộng, hiểu sâu, mới 17 tuổi đã đỗ cử nhân dưới triều vua Thành Thái, sau được bổ nhiệm làm quan Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Trải qua nhiều thăng trầm biến cố lịch sử cùng đất nước, ngày 2 tháng 3 năm 1946, cụ được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, tham gia thành lập Hội liên hiệp quốc dân. Ngày 8 tháng 11 năm 1946, ông được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội thay cho ông Nguyễn Văn Tố. dấn thân vào con đường cách mạng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước như Cố vấn Chủ tịch nước, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, Đại biểu Quốc hội khóa I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội từ tháng 11.1946 cho đến khi tạ thế.

Quãng thời gian làm việc tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn không chỉ là những người đồng chí cùng chung chiến hào chiến đấu mà giữa hai người còn gắn kết bởi mối thâm giao của những người bạn tri ân. Sự tham gia của cụ Bùi Bằng Đoàn vào Quốc hội đã khẳng định tinh thần dân tộc của một nhân sĩ, nho sĩ một vị quan của chế độ cũ góp phần củng cố Nhà nước Việt Nam dân chủ. Qua đó cũng thể hiện tài năng của Hồ Chủ tịch trong việc thu phục những nhân sĩ trí thức thuộc các lực lượng yêu nước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong những năm tháng cách mạng gặp đầy gian khó.

Theo văn bản Kết luận của Bộ chính trị số 88-KL/TW ngày 19/4/2014, cụ Bùi Bằng Đoàn được vinh danh trong danh sách 19 vị tiền bối được “tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh, xây dựng Khu lưu niệm, Nhà lưu niệm” các vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đã hy sinh hay từ trần. Đây là vinh dự lớn đối với không chỉ gia đình cụ Bùi Bằng Đoàn mà còn đối với cả dòng họ Bùi toàn quốc và Hải ngoại.

Và cho đến nay, người con trai của cụ - Bác sỹ Y Khoa Bùi Nghĩa vẫn đau đáu một tâm niệm được thực hiện theo chỉ thị của Bộ chính trị, tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn. Những người con trong gia đình và dòng họ Bùi mong mỏi được tổ chức lễ dâng hương cho cụ Bùi Bằng Đoàn dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.  

Nguyện vọng lưu giữ ký ức về cụ Bùi Bằng Đoàn - Ảnh 2
Ông Bùi Nghĩa, con trai Cụ Bùi Bằng Đoàn

Tìm về thôn Liên Bặt Chùa, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, một ngôi nhà ba gian, hai trái, bằng gỗ lim, cột kèo đen bóng. Gian chính là bàn thờ, hai bên là các tủ để đầy các hiện vật, trên tường rất nhiều tranh ảnh. Nơi đây tưởng như một “nhà lưu niệm mini” với những trang sách, vật dụng… ghi dấu lịch sử bậc tài danh Bùi Bằng Đoàn.

Đã nhiều lần con cháu dòng họ Bùi họp bàn, cùng nhau quyết tâm thực hiện chỉ thị của Bộ chính trị, cùng nhau xây dựng khu lưu niệm và nhà lưu niệm ông Bùi Bằng Đoàn. Nguyện vọng của những người con họ Bùi, xin được đặt Khu lưu niệm tại nhà thờ Triệu Đức Đường, thôn Liên Bạt Chùa, huyện Ứng Hòa, HN bởi nơi đây là Nhà thờ tổ tiên của dòng họ Bùi, có di tích gốc của các danh nhân văn hóa, đang xin nhà nước công nhận di tích Văn hóa. Đặc biệt nơi đây trước ngày 19/12/1946 đã từng là nơi ở của đồng chí Trường Chinh, là trụ sở của Ban thường trực Quốc hội và là nơi ở của Phó Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng.

Chính tại nơi đây, cuối tháng 12/1946, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã ra lời hiệu triệu toàn dân đoàn kết một lòng đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh đuổi giặc Pháp dành độc lập tự do hạnh phúc. ….

Về khu vực Nhà lưu niệm, con cháu dòng họ Bùi có nguyện vọng xin được đặt tại biệt thự số 5 phố Hồ Ba Mẫu, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Bởi tại nơi này, cách đây hơn 30 năm, Bác Tôn Đức Thắng đã đưa ra gợi ý: bàn thờ cụ Bùi Bằng Đoàn trước đây phải sơ tán về quê Liên Bạt để tránh giặc Mỹ phá hoại, nay nên rước cụ lại nhà tại Hồ Ba Mẫu để các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Nhà nước có thể thường xuyên đến thắp hương tưởng niệm. Gia đình thực hiện chỉ thị của Bác Tôn, đã lập bàn thờ của Cụ Đoàn tại ngôi nhà số 5 Hồ Ba Mẫu suốt hơn 30 năm qua.

Theo thông tin chúng tôi được biết, gia đình, dòng họ Bùi tình nguyện trang trải tất cả kinh phí, đất đai cho việc tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Cụ, xây dựng Khu, nhà lưu niệm …. Để cùng gánh vác trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng, nghiêm trang chủ trương, chỉ đạo của Bộ chính trị.

Bảo Ngân 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục