Nghịch lý thị trường trái cây Việt Nam

(KDPL) - Có một thực tế không thể phủ nhận trong khi các doanh nghiệp trái cây ở trong nước đang nỗ lực thúc đẩy trái cây của Việt Nam ra thị trường các nước trong khu vực và trên thị trường quốc tế thì người tiêu dùng Việt lại quay lưng với trái cây trong nước.

Do nằm ở nước nhiệt đới, nên trái cây của Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Trong nhiều năm qua, trái cây của Việt Nam cũng đang dần từng bước và đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận trong khi các doanh nghiệp trái cây ở trong nước đang nỗ lực thúc đẩy trái cây của Việt Nam ra thị trường các nước trong khu vực và trên thị trường quốc tế thì người tiêu dùng Việt lại quay lưng với trái cây trong nước. Theo nhiều chuyên gia, ngoài yếu tố tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt còn có nguyên nhân của nội tại trong việc sản xuất, quảng bá thương hiệu trái cây….

Tràn lan trái cây ngoại nhập

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ tính trong năm 2016, các doanh nghiệp của Việt Nam đã chi hơn 700 triệu USD để nhập khẩu trái cây, còn 2 tháng đầu năm 2017 cả nước đã chi khoảng 164 triệu USD (khoảng 3.720 tỷ đồng) để nhập khẩu trái cây, rau củ quả khiến kim ngạch nhập khẩu trái cây cũng đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các con đường chính ngạch, hoa quả ngoại cũng đã được nhập vào nước ta theo con đường tiểu ngạch, xách tay và chiếm một số lượng không hề nhỏ. Chỉ tính riêng việc nhập khẩu trái cây từ Thái Lan, trong 2 đầu năm là 82 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu trái cây, tiếp đó là thị trường Trung Quốc, Myanma, Mỹ...

Nghịch lý thị trường trái cây Việt Nam - Ảnh 1
Ở các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, số lượng trái cây ngoại nhập luôn áp đảo trái cây trong nước cả về chất lượng cũng như mẫu mã.

Dạo qua một số hệ thống các siêu thị lớn như Metro, Big C, Coopmart, Vinmart, các cửa hàng tiện lợi hay tại các chợ truyền thống hay trên các diễn đàn mạng xã hội chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều các chủng loại trái cây ngoại cũng được bày bán khá nhiều với hình thức đa dạng, mẫu mã phong phú từ hàng bình dân cho đến hàng cao cấp với nhiều loại trái cây mới lạ như dưa Sapo, táo Rubi, lê Nashi với giá giao động từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng/kg.

Tại cửa hàng bán hoa quả trên đường Xuân La, quận Tây Hồ, các loại trái cây nhập khẩu như táo Gala của Pháp được bán với giá 115.000 đồng/kg, cam Australia có giá 120.000/kg, nho đen không hạt Nam Phi giá 180.000 đồng/kg. Còn tại hệ thống Big C, các loại táo ngoại ở đây được bán với giá từ 70.000 đồng-105.000 đồng/kg, tại cửa hàng tiện lợi trên đường Cầu Giấy, giá của 1kg Táo hữu cơ của Pháp được bán là 300.000/kg, lê Hàn Quốc là 250.000 đồng/kg, Cam Australia 200.000/kg, táo đỏ Mỹ được bán với giá 149.000 đồng/kg, nho móng tay của Mỹ được bán với giá 380.000 đồng/kg…

Theo chị Bùi Thị Yến, nhà ở đường Nguyễn Hoàng Tôn cho biết, trước đây nhà mình vẫn mua và sử dụng trái cây nội, tuy nhiên thời gian gần đây mình đi cửa hàng này thấy trái cây ngoại có giá bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn nội đôi chút nhưng chất lượng và xuất xứ rõ ràng nên nhà mình chuyển hẳn sang dùng các loại trái cây ngoại. Lý giải về tại sao lại chọn hoa quả ngoại, chị Yến cho biết, so với cam ở trong nước, quả cam Mỹ thường to, màu đẹp, mọng nước, vỏ vàng tươi rất bắt mắt hơn rất nhiều so với cam trong nước, về trái nho, so với nho trong nước các loại nho nhập khẩu thường to, mịn lại rất ngọt, trong khi đó nho Việt thường nhỏ, có vị chua nên không hợp với nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trái cây ngoại ngoài ưu điểm mẫu mã đẹp thì thời gian bảo quản cũng khá dài, trong khi đó lại không phải lo sợ nhiều về chất bảo quản vì quy trình kiểm soát của nước ngoài vẫn tốt hơn nhiều so với Việt Nam.

Còn chị Vũ Hoài Thu, chủ một sạp bán trái cây trên đường Hồ Tùng Mậu cho rằng, trước đây khách hàng của chị chủ yếu vẫn mua về sử dụng hàng trái cây trong nước nhưng vài năm trở lại đây hầu hết khách hàng đến cửa hàng chị đều chọn và tìm mua các sản phẩm là trái cây ngoại, nên những sản phẩm trái cây Việt của cửa hàng hiện cũng đang rất khó bán. Lý giải cho việc này, chị cho biết, mặc dù các loại trái cây của Việt Nam dù rẻ hơn nhưng chất lượng không có quá nhiều chênh lệch so với trái cây ngoại, người Việt bây giờ chuộng hàng ngoại hơn nên khách hàng vẫn chấp nhận bỏ chi phí cao để mua hoa quả nhập khẩu.

Có thể thấy rõ, mặc dù trái cây Việt Nam rất phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu trái cây của nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, New Zealand… với các loại trái cây phổ biến như: nho, táo, Kiwi, Xoài… Theo nhiều chuyên gia nguyên nhân chính của việc người dân quay lưng lại với trái cây trong nước là người tiêu dùng Việt còn rất e ngại về chất lượng trái cây, bên cạnh đó, về công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn rất nhiều hạn chế dẫn đến trái cây Việt vẫn chưa đến được tay người tiêu dùng. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hơn rất nhiều so với trái cây trong nước nên được người tiêu dùng lựa chọn. Chỉ tính riêng năm 2016 vừa qua, chúng ta đã chi hơn 700 triệu USD để nhập khẩu trái cây ngoại, cứ đà này từ nay đến cuối năm có thể chúng ta sẽ phải chi nhiều triệu USD để nhập khẩu trái cây.

 Cần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh tại thị trường trong nước

Lý giải về việc trái cây ngoại nhập lấn chiếm thị trường như hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhung, Hội làm vườn Việt Nam cho hay, nhìn một cách tổng thể, trái cây Việt Nam còn hạn chế rất nhiều ngay từ khâu chăm bón, thu hoạch, vận chuyển, tiếp thị và quảng bá. Nếu như trái cây ngoại được bảo quản kỹ lưỡng, đóng thùng và được bảo quản ở môi trường lạnh để giữ độ tươi thì trái cây nội sau khi thu hái xong chủ đựng trong các sọt tre, bảo quản sơ sài, khi đến tay người tiêu dùng thì đa phần đã bị dập nát, trong khi đó trái cây ngoại thường được bảo quản tốt, chiếm những vị trí đắc địa trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thì việc trái cây nội bị “đẩy” ra lề đường đổ thành sọt, thành đống được bán với giá rẻ mạt là điều dễ hiểu. Chính vì thế, việc trái cây ngoại “lấn lướt” trái cây nội trên thị trường là điều dễ hiểu.

Với dân số 90 triệu dân, nếu biết khai thác tốt mạng lưới tiêu thụ thì đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ vì xét về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt còn nổi trội hơn trái cây ngoại. Thiệt thòi lớn cho trái cây trong nước chính là khâu quảng bá chưa được quan tâm đầu tư; bên cạnh đó, quy trình sản xuất còn nhiều hạn chế. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp, sinh học Việt Nam thì cho rằng tại các quốc gia như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,… hầu hết trái cây đều được sử dụng chất bảo quản trong quá trình trồng hoặc sau thu hoạch. Điều quan trọng chính là chất bảo quản đó đều có nguồn gốc sinh học, an toàn với người sử dụng. Đặc biệt, nông dân ở các nước đó tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và sản phẩm được kiểm nghiệm chặt chẽ ở tất cả các khâu...

Để nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định lại vị thế tại thị trường trong nước, ngành sản xuất trái cây cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây chia sẻ, để có một dự án phát triển công nghệ bảo quản trái cây, cần đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với mức đầu tư này sẽ có rất ít doanh nghiệp có nguồn lực để triển khai. Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác khiến nhà đầu tư "chùn bước" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trái cây. Bởi vậy, mong Nhà nước, các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản; cùng với đó, có sự bảo trợ cho các hoạt động: Tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới người tiêu dùng nhằm trước hết khai thác tiềm năng thị trường trong nước và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu...

Tuấn Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục