Muốn an toàn rất cần trật tự kỷ cương…

(KDPL) - Khoảng nửa tháng gần đây, tuyến đò ngang vượt sông Hậu, từ bến Đường Đức thuộc huyện Cầu Kè (Trà Vinh) qua bến Trà Ếch thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng) xảy ra tình trạng đi lại khó khăn cho người dân hai bên bờ. Nguyên nhân được dư luận tập trung sự chú ý là do quyết định “Chấm dứt hoạt động đối với bến khách ngang sông bến Đường Đức” của Sở GTVT Trà Vinh (Quyết định số 62/QĐ-SGTVT ngày 03/5/2017 của Giám đốc Sở GTVT Trà Vinh).

Trên thực tế, bến khách ngang sông này do người dân hai bên bờ hợp tác mở ra và được chính quyền và ngành chức năng cho phép hoạt động từ hơn 10 năm qua và trở thành tuyến giao thông thuận tiện của hàng ngàn khách qua lại mỗi ngày. Người dân hai bên bờ có nhu cầu đi lại nhiều năm đã quen sử dụng bến khách ngang sông này, do một bên không hoạt động, bà con phải kéo dài khoảng cách vượt sông hơn 20km từ phà Cầu Quan qua phà Cù Lao Dung và Cù Lao Dung - Đại Ngãi…

Muốn an toàn rất cần trật tự kỷ cương… - Ảnh 1
Đường dẫn vào bến khách ngang song Bến phà Đường Đức.

Để rộng đường dư luận Báo Kinh doanh & Pháp luật đã tìm gặp Giám đốc Sở GTVT Trà Vinh, ông Phan Anh Quốc để trực tiếp nghe của cơ quan chuyên môn nơi được coi là nguyên nhân gây ra bất cập này.

Phóng viên:Thưa ông, trong vài tuần qua, chắc ông đã có ghi nhận về dư luận xã hội về việcđình chỉ hoạt động bến thủy nội địađối với bến khách ngang sông bến Đường Đức do Sở GTVT Trà Vinh ban hành. Xin ông nói rõ về việc này?

Đ/c Phan Anh Quốc:Lời đầu tiên, thay mặt ngành GTVT tỉnh Trà Vinh, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Báo Kinh doanh & Pháp luật đã quan tâm đến tìm hiểu thêm về dư luận xã hội có liên quan đến ngành GTVT tỉnh Trà Vinh.

Trong vài ngày vừa qua, tôi đã có nghe và ghi nhận về dư luận xã hội về Quyết định đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa (đối với bến khách ngang sông bến Đường Đức) do Sở GTVT Trà Vinh ban hành, để giúp cho Báo Kinh doanh & Pháp luật và dư luận xã hội có thêm nguồn thông tin chính xác, khách quan đến sự việc, tôi xin cung cấp thêm một số nội dung cụ thể như sau:

Vào năm 2005 bến khách ngang sông Đường Đức tại ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh được UBND huyện Cầu Kè cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông để đưa rước khách sang bến Trà Ếch, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Phía bến Đường Đức do ông Ngô Văn Chót (cư ngụ tại ấp An Hòa, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) đứng tên chủ bến. Phía  bến Trà Ếchdo ông Hứa Văn Lến (cư ngụ tại ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) đứng tên chủ bến. Hai bến khách hoạt động đến năm 2011, hợp đồng thuê đất tại bến Trà Ếch, xã Nhơn Mỹ hết hạn nên ông Lến thuê đất của ông Lê Công Dũng với thời hạn 10 năm (từ năm 2011 đến năm 2020) để thành lập bến mới cách bến cũ khoảng 50m và được UBND huyện Kế Sách cấp Giấy phép hoạt động. Riêng ông Ngô Văn Chót vẫn tiếp tục hợp đồng thuê đất bến cũ (thời hạn từ năm 2012 đến năm 2018) và tiếp tục hoạt động.

Từ đó, tại ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách có 02 bến khách của ông Ngô Văn Chót và ông Hứa Văn Lến đều do UBND huyện Kế Sách cấp Giấy phép hoạt động đưa rước khách ngang sông.

Đến ngày 24/4/2013,Giấy phép hoạt động bến khách của ông Ngô Văn Chót hết hạn, UBND huyện Kế Sách không cấp lại (lý do sẽ sáp nhập bến). Ngày 20/6/2013, UBND huyện Kế Sách và Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng có chủ trương sáp nhập bến khách của ông Ngô Văn Chót (bến cũ) vào bến của ông Hứa Văn Lến (bến mới).

Kể từ khi sáp nhập bến từ năm 2013 đến nay, phương tiện của ông Ngô Văn Chót không cập được bến của ông Hứa Văn Lến (do chủ cho thuê đất Lê Công Dũng không cho cập bến, vì ông Dũng chỉ hợp đồng cho thuê đất với ông Hứa Văn Lến).Vụ việc nêu trên đã được các ngành, cơ quan có liên quan của hai tỉnh phối hợp giải quyết nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc.

Để giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp, với mục đích là đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa và trực tiếp là đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân hai tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng được an toàn, thuận lợi…ngày 21/4/2017, UBND huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh ban hành Giấy mời số 43/GM-UBND về tổ chức cuộc họp để trao đổi, thống nhất hướng giải quyết việc tranh chấp bến khách ngang sông Đường Đức ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và bến Trà Ếch, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.Tham dự cuộc họp gồm có đại diện Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, đại diện UBND huyện Kế Sách, đại diện Sở GTVT tỉnh Trà Vinh và lãnh đạo UBND huyện Cầu Kè cùng các đơn vị chuyên môn trực thuộc các đơn vị. Cuộc họp hai bên đã đi đến thống nhất hướng giải quyết cụ thể như sau: Thống nhất phía bên Kế Sách và ông Lến tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện của ông Chót cập bến Trà Ếch kể từ ngày 27/4/2017. Nếu chủ đất không cho cập bến thì 02 ông tự thỏa thuận với chủ đất. Nếu thỏa thuận không được sẽ đóng 02 bến Đường Đức và Trà Ếch. Về hướng lâu dài nhà nước sẽ mở bến mới bên Trà Ếch, Nhơn Mỹ, Kế Sách. Đề nghị ông Chót và ông Lến không có những hành vi gây rối trật tự tại địa phương.

Tuy nhiên, vào ngày 27/4/2017, phương tiện của ông Ngô Văn Chót hoạt động gồm tất cả 04 chuyến, nhưng 03 chuyến đầu không cập được bến Trà Ếch, xã Nhơn Mỹ (do chủ đất có hành vi ngăn cản), đến chuyến thứ 04 nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của lực lượng chức năng bên phía Sóc Trăng nên phương tiện của ông Ngô Văn Chót mới cập được qua bến cũ (bến đã đóng) gây bức xúc cho hành khách đi trên phà và kể từ đó ông Ngô Văn Chót cho phương tiện ngừng hoạt động.

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng ngừa sự xung đột xảy ra giữa hai chủ phương tiện làm ảnh hưởng đến tính mạng của hành khách trên phà; đồng thời căn cứ biên bản cuộc họp vào ngày 26/4/2017 tại UBND huyện Cầu Kè về việc giải quyết tranh chấp bến khách ngang sông trên địa bàn 02 huyện (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng); Báo cáo số 110/BC-UBND ngày 29/4/2017 của UBND huyện Cầu Kè về việc tranh chấp bến khách ngang sông bến Đường Đức ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và bến Trà Ếch, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng); Văn bản đề nghị ngày 28/4/2017 của ông Ngô Văn Chót. Ngày 03/5/2017 Giám đốc Sở GTVT tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 62/QĐ-SGTVT về việc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa (do ông Ngô Văn Chót đứng tên chủ bến).

Phóng viên:Tập quán, thói quen sinh hoạt hàng ngày của đời sống dân sinh trong con mắt nhà quản lý chuyên ngành của Sở GTVT Trà Vinh được quan niệm như thế nào, thưa ông?

Đ/c Phan Anh Quốc:Theo tập quán, thói quen sinh hoạt hàng ngày của đời sống dân sinh với vai trò quản lý nhà nước về chuyên ngành GTVT chúng tôi luôn luôn thấy được trọng trách của ngành Giao thông vận tải là giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội.Bởi vì, vai trò trọng trách của ngành GTVT rất nặng nề, là phải xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi trước một bước tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh nhà. Với nhiệm vụ chủ yếu của mình, ngành GTVT đáp ứng mọi nhu cầu đi lại, giao lưu của nhân dân và vận chuyển hàng hoá trong quá trình lưu thông, đáp ứng mọi nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Do đó, từ việc nhỏ cho đến những việc lớn theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, chúng tôi đều làm hết tinh thần trách nhiệmnhằm phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Trong những ngày qua dư luận xã hội về Quyết định đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa (đối với bến khách ngang sông bến Đường Đức) do Sở GTVT Trà Vinh ban hành, chúng tôi cũng rất buồn vì nguồn thông tin phản ánh chưa toàn diện, khách quan của nội dung sự việc, làm cho quần chúng nhân dân hiểu nhầm là Sở GTVT tỉnh Trà Vinh “làm khó” hàng ngàn khách qua phà, thông tin này đã trái ngược lại với nội dung của tôi đã nói về cái nhìn của nhà quản lý chuyên ngành Sở GTVT Trà Vinh đối với tập quán, thói quen sinh hoạt hàng ngày của đời sống dân sinh. Nhưng, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng ngừa sự xung đột xảy ra giữa hai chủ phương tiện làm ảnh hưởng đến tính mạng của hành khách trên phà“Với mục tiêu tính mạng con người là trên hết”, do đó Sở GTVT Trà Vinh chọn giải pháp ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa (đối với bến khách ngang sông bến Đường Đức).

Phóng viên:Thưa ông, đã xuất hiện hiện tượng tự phát, dùng đò nhỏ, thiếu trang bị công cụ bảo đảm an toàn để vượt sông, vậy theo ông, đâu là giải pháp để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân trong mùa mưa gió?

Đ/c Phan Anh Quốc:Từ khi có Quyết định đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với bến khách ngang sông bến Đường Đức qua bến Trà Ếch thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng), đã xuất hiện hiện tượng tự phát, dùng đò nhỏ, thiếu trang bị công cụ bảo đảm an toàn để vượt sông, để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Cảnh sát đường thủy và lực lượng chức năng của huyện Cầu Kè thường xuyên tuần tra, kiểm tra để xử lý nghiêm hiện tượng dùng đò ngang không đảm bảo an toàn để đưa khách ngang sông.

Trước mắt, Sở GTVT Trà Vinh kính mong nhân dân nên sử dụng các bến phà Hòa Tân, bến phà Bến Cát, bến phà bà Bảy ở Ninh Thới (cách bến Đường Đức khoảng 04 km) để đi qua Sóc Trăng, tránh trường hợp đi đò bao tự phát không đảm bảo an toàn.

Để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân trong mùa mưa gió, giải pháp mà Sở GTVT tỉnh Trà Vinh mong muốn nhất là đề nghị Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Kế Sách và các ngành có liên quan của tỉnh giải quyết nhanh chóng, dứt điểm việc tranh chấp tại bến khách ngang sông bến Trà Ếch. Về phía Sở GTVT tỉnh Trà Vinh sẽ phối hợp với UBND huyện Cầu Kè, tạo điều kiện thuận lợi để bến khách ngang sông Đường Đức được tiếp tục hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân hai tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng được đảm bảo trật tự, an toàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Hồng Ân

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục