Lập đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh thành

(Kinhdoanhnet) - Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương giao các Bộ liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành từ 15/4 - 15/5/2017.

Ngày 15/3, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quyết định triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, nhằm tuyên truyền sâu rộng để các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, từng bước hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thực phẩm rượu, rau, thịt, thủy sản không an toàn có thể mang đến.

Lập đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh thành - Ảnh 1
Lập đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh thành. Ảnh minh họa

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP Trung ương giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh/ TP: Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Lào Cai, Lai Châu, Đắc Lắc, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Phú Yên.

Mục tiêu của Tháng hành động vì ATTP” năm 2017 nhằm giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo ATTP tươi sống (rau, thịt, thủy sản), trọng tâm giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản. Qua đó,  nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi, sống (rau, thịt, thủy sản). Giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu; đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.

Khuyến khích người dân tham gia tố giác các vi phạm về an toàn thực phẩm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thu Hà (TH theo Báo Thanh tra, Bnews)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục