Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết

Ông Lê Văn Tuấn cho biết, giá bán các loại hoa năm nay không hơn năm ngoái bao nhiêu. Nhờ làm nhiều nên ông cũng đủ tiền trả lương cho 20 nhân công và còn thừa chút ít cho gia đình vui Tết.

Chị lầm lũi nhổ từng cây vạn thọ, giũ sạch đất dồn vào một đống. Được chừng 20 cây chị bó lại thành bó. Cứ thế, chị lầm lũi làm việc. Ánh nắng yếu ớt ngày cuối năm nhắc cho chị biết Tết đang đến rất gần...

Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 1
Chị Nam thu hoạch hoa giao cho khách.
Sáng 7/2 chúng tôi ghé vào một điểm trồng hoa trên đường Trịnh Thị Đối (Hương lộ 80B - xã Đông Thạnh H. Hóc Môn TP.HCM). Nơi đây chỉ trồng toàn hoa vạn thọ. Tại điểm trồng hoa này đã có rất đông người đến mua.

Hoa được bó kỹ để tránh dập được nhiều người dồn lại thành đống chờ xe đến mang đi. Dưới ruộng, một phụ nữ đầu đội nón lá say sưa nhổ từng cây hoa dồn lại... Chị là Phạm Thị Nam, 44 tuổi.
Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 2
Khu trồng vạn thọ của gia đình chị Nam.

Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 3
Thương lái gom hoa chuyển đi.
"Vợ chồng em từ Nam Định vào đây từ hơn 20 năm nay thuê đất trồng rau xanh. Đầu năm, chúng em trồng cải đến tháng 9 bắt đầu trồng hoa. Hai vợ chồng cứ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hết bắt sâu lặt lá đến tưới nước bón phân. Nhờ tằn tiện chúng em mới nuôi được 3 đứa con. Giờ chúng đã lớn và học hành khá tốt". Chị Nam kể lại cho chúng tôi nghe về quá trình gầy dựng cơ ngơi của anh chị.

Chị kể tiếp: "Mảnh đất này rộng hơn 2000m2 được thuê với giá 20 triệu/năm. Nhưng vừa rồi, chủ đất thông báo hết vụ này họ lấy đất lại. Chúng em cũng chưa biết phải đi về đâu...".

Chị Nam tiếp tục nhổ hoa. Đã có người đến bó mà mang hoa đi. Liếp hoa cũng đã gần hết. Cứ 3000đ một cây vạn thọ nhân với con số trồng sẽ có được con số thu vào của người nông dân. Mấy ai biết được những gì họ đã bỏ ra, công lao, mồ hôi và sức lực...

Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 4
Thu hoạch vạn thọ trên đất của anh Trọng.
Đến một điểm trồng hoa khác gần đó. Một thửa đất khá rộng với nhiều loại hoa đang khoe sắc. Ở một góc, hoa vạn thọ đang được giao cho khách. Ở đây, người bán lẫn người mua cùng xúm vào nhổ hoa.

Hoa ở đây được trồng theo từng chủng loại. Hướng dương, mồng gà đỏ, vàng. Vạn thọ tương đối nhiều đang có khả năng sẽ bán hết. Khu vực Hương lộ 80B này nổi tiếng về trồng hoa nhưng mấy ai biết được 90% người trồng có nguồn gốc là người ở quê hương Nam Định. Bà con tha hương vào đây hàng chục năm trước và đã tạo cho mình một sản nghiệp nhất định.

Chủ điểm trồng hoa này là anh Đinh Văn Trọng, 40 tuổi. Anh kể lại, anh thuê miếng đất này đã 8 năm rồi với diện tích 3700m2 với giá 50 triệu/năm. Với diện tích khá lớn như thế nhưng vợ chồng anh bỏ công sức ra làm không thuê mướn nhân công. Đầu năm trồng rau, cuối năm trồng hoa.

Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 5
Điểm trồng hoa trên đường Lê Thị Riêng Q. 12

Cuộc sống rất vất vả - anh Trọng tâm sự với chúng tôi. Anh kể, nhiều đêm, sau khi dỗ con ngủ rồi vợ chồng cùng nhau ra làm đến 23 giờ đêm mới vào nghỉ. Nhờ vậy mới có đồng ra đồng vào nuôi mẹ già và con thơ.

Vụ mùa năm nay, anh Trọng cho biết thất thu hoa hướng dương. Đến giờ này chưa ra hoa thì khả năng không kịp Tết là chắc rồi. Theo dự tính với 400 gốc hướng dương này để ra Giêng thì chỉ còn lại 1/5 giá trị.

Trong khuôn viên Trung tâm huấn luyện và đào tạo lái xe quận 12 trên đường Lê Thị Riêng một bãi đất trống hơn 3000m2 đầy hoa. Cách đó không xa một khu đất khác khoảng 5000m2 cũng tràn ngập hoa. Ở đây có đủ loại hoa chậu và hoa treo. Cúc các loại, mồng gà, dừa cạn, hướng dương. Những chậu hoa hướng dương tại đây khoe sắc vang rực rỡ...

Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 6
Các chậu hoa khoe sắc, chuẩn bị giao cho khách hàng.
Rất đông người ra vào. Khách tham quan, người mua bán đều có và ông chủ Lê Văn Tuấn đang tất bật. Ở giữa khu đất, một nhóm người đang bó từng chậu soi nhái để chuyển đi Cần Thơ.

Theo lời ông Tuấn, hàng năm cứ đến tháng 9 âm lịch là xuống giống, sau 4 tháng các loại hoa đều nở. Ở khu của ông, riêng hướng dương năm nay nở đều và kip Tết nên có khả năng thu hoạch tốt. Riêng chỉ có loại hoa dừa cạn bị thất bại nặng, hơn 80% hoa bị chết. Nguyên nhân có lẽ do thời tiết. Ông Tuấn cho biết thêm, giá bán các loại hoa năm nay không hơn năm ngoái bao nhiêu. Nhờ làm nhiều nên ông cũng đủ tiền trả lương cho 20 nhân công và còn thừa chút ít cho gia đình vui Tết.
Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 7
Hoa hướng dương

Làng hoa ở Sài Gòn hối hả ngày cận Tết - Ảnh 8
Hoa dừa cạn bị chết nhiều do thời tiết thất thường.
Hoa Tết được bán tại TP.HCM có từ nhiều nguồn. Thường thì ở Sa Đéc, Chợ Lách đưa lên. Riêng với hoa Tết được sản xuất tại thành phố, theo nhận xét của nhiều người, năm nay ảm đạm hơn những năm trước. Với đà phát triển của thành phố, đất dành cho trồng hoa sẽ cạn. Lúc đó, những người trồng hoa sẽ ra sao?

Trần Chánh Nghĩa/ Vietnamnet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục