Khoảng cách quá xa giữa mức lương thực tế và lương đủ sống

Theo một nhóm nghiên cứu, khái niệm lương đủ sống khác với khái niệm lương tối thiểu đang được áp dụng để làm căn cứ trả lương cho người lao động hiện nay. Lương đủ sống phải là mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường đủ để duy trì mức sống đàng hoàng cho bản thân và gia đình.

Mức tăng cao, nhưng...

Bắt đầu từ ngày 1/7/2017, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng từ mức 1.210.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.300.000 đồng/tháng. Trước đó từ ngày 1/1/2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp cũng đã tăng cao hơn mức lương trước đó từ 180.000-250.000 đồng/tháng.

 

Khoảng cách quá xa giữa mức lương thực tế và lương đủ sống - Ảnh 1
Sản xuất hàng dệt may XK tại Công ty May Sài Gòn 3. Ảnh: Nguyễn Huế

 

Đánh giá về mức tăng lương hiện nay, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mỗi năm, Chính phủ đều có mức tăng lương tối thiểu nhằm cải thiện đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, với mức tăng lương như hiện nay, lương tối thiểu vùng chỉ mới đáp ứng dưới 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Với những doanh nghiệp trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 4-5 triệu đồng/tháng thì với mức thu nhập này người lao động vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, có đến 97% người lao động khi được hỏi đều trả lời tuy không muốn nhưng vẫn phải làm thêm giờ mới đảm bảo được nhu cầu sống”.

Tính từ năm 2014 đến hết năm 2016, của Việt Nam có mức tăng lương tối thiểu cao nhất khu vực với gần 14%, trong khi đó Indonesia là 7% và Trung Quốc là 10%. Với mức tăng này, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, tại sao người lao động vẫn không đủ sống. Nguyên nhân là do hiện mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Trung Quốc.

Mức tăng cao nhưng thực tế lương của người lao động vẫn rất thấp, đời sống của người lao động vẫn cứ khốn khó, bởi cứ mỗi khi lương tối thiểu tăng thì kéo theo đó hàng loạt các dịch vụ đi kèm tăng theo. Cá biiejt, ở một số doanh nghiệp còn xảy ra tình trạng lương tối thiểu tuy tăng nhưng thu nhập của người lao động bị giảm đi.

Theo một nghiên cứu về tiền lương vừa được nhóm nghiên cứu thuộc hai tổ chức ISEAL Alliance và SAI công bố tại Hội thảo Lương đủ sống thành thị và nông thôn theo phương pháp Anker vừa được tổ chức, để có “mức sống đàng hoàng tối thiểu” tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, một người lao động cần phải được trả mức lương đủ sống là 6,435 triệu đồng. Mức lương này được nhóm nghiên cứu tính toán trên cơ sở nhu cầu chi tiêu của một hộ gia đình điển hình với hai người lớn và hai trẻ em.

Với mức bình quân mỗi gia đình có 1,78 lao động làm toàn thời gian, thu nhập của cả gia đình hàng tháng sẽ được phân chia theo năm mục chính: Dành cho thực phẩm là khoảng 3,77 triệu đồng, chi phí cho nhà cửa (thuê nhà) của cả gia đình bình quân là khoảng 2 triệu đồng, cho các khoản chi tiêu khác ngoài tiền ăn và nhà ở là xấp xỉ 4 triệu đồng, các loại bảo hiểm và phí trừ vào lương là 675.000 đồng. Sau khi trừ đi các khoản kể trên, phần dành cho tích lũy và các khoản chi bất thường của mỗi gia đình người lao động chỉ còn khoảng 488.000 đồng/tháng, chiếm 5% thu nhập.

Còn ở khu vực nông thôn với hai địa bàn khảo sát là Thái Bình và Sóc Trăng, mức lương đủ sống đàng hoàng tối thiểu đối với người lao động là 3,99 triệu đồng. Phần dành cho tích lũy, dự phòng của người lao động ở nông thôn về con số tuyệt đối chỉ có 318.000 đồng/tháng.

Với mức tích lũy chưa đến 500 nghìn đồng/tháng, mỗi năm các hộ gia đình  chỉ tích lũy được khoảng 5.856.000 đồng (tại TP. Hồ Chí Minh) và khoảng 3.816.000 đồng (tại Sóc Trăng và Thái Bình) thì cuộc sống của người công nhân sẽ rất chật vật, chưa kể khi gia đình có người ốm đau đột xuất thì không có chi phí để trang trải.

...cách biệt quá xa

Theo kết quả nghiên cứu với 80 công nhân ngành may của 4 nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh và 40 công nhân chế biến tôm của hai nhà máy ở Thái Bình và Sóc Trăng cho thấy, mức lương thực không tính lương tăng ca, trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng đột xuất có khoảng cách xa với mức lương đủ sống (mà nhóm nghiên cứu đưa ra).

Tổng lương người lao động ngành may TP. Hồ Chí Minh là 4.812.000 đồng, bao gồm lương cơ bản, trợ cấp chuyên cần, trợ cấp chi phí sinh hoạt, thưởng tết, thưởng cuối năm, bữa ăn ca 15.000 đồng/ngày. So với mức lương đủ sống là 6.435.864 đồng, tổng lương của công nhân ngành may TP. Hồ Chí Minh thấp hơn 1.623.864 đồng.

Tương tự, tổng lương của công nhân chế biến tôm ở tỉnh Sóc Trăng/Thái Bình là 3.207.133 đồng, gồm lương cơ bản, trợ cấp trách nhiệm, thưởng cuối năm, thưởng Tết, trợ cấp hiện vật. Trong khi mức lương đủ sống là 3.991.841 đồng, lương công nhân tại Sóc Trăng/Thái Bình nhận được thấp hơn 784.711 đồng.

Chính vì vậy, nếu không làm thêm, tăng ca, thì mức lương của hai người lớn đi làm nuôi hai trẻ em, ở TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng và Thái Bình không đủ để trả cho các khoản chi thiết yếu hàng tháng trong gia đình.

Đáng chú ý, theo TS. Đỗ Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động, nhóm nghiên cứu phân biệt rõ mức lương đủ sống khác với lương tối thiểu hiện nay. Cụ thể, mức lương đủ sống được các chuyên gia nghiên cứu cho là mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường đủ để duy trì mức sống đàng hoàng cho bản thân và gia đình gồm thực phẩm, nước, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo, và các nhu cầu thiết yếu khác cũng như chi phí dự trù cho các sự việc phát sinh ngoài.

Vậy câu hỏi đặt ra là đến bao giờ mức lương tối thiểu mới bằng được mức lương đủ sống để việc tăng lương tối thiểu hàng năm sẽ không còn là để đáp ứng được cuộc sống cho người lao động mà để người lao động sẽ có thêm tích lũy.   

Theo Xuân Thảo/Báo Hải quan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục