Hà Đông - Hà Nội: Cần quy hoạch chợ đồ cũ ở Vạn Phúc để tạo nên phong cách mới trong kinh doanh

(KDPL) - Nói đến nơi buôn bán đồ cũ ở Hà Nội hiện nay thì có không ít các địa điểm như: chợ Đông Tác, chợ Kim Liên, Hoàng Cầu hay xa hơi chút là chợ đồ cũ Thưởng Thưởng ở xã Hải Bối - huyện Đông Anh. Nhưng có một ngôi chợ bán đồ cũ khá đặc biệt ngay trong nội đô Hà Nội là chợ đồ cũ ở Vạn Phúc - Hà Đông.

Ở Hà Nội, hiện còn rất ít những chợ họp theo phiên, có chăng lác đác điển hình như chợ Bưởi họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng và chợ cây cảnh, đồ xưa ở Vạn Phúc - Hà Đông (có tên chính thức là "Trung tâm giao lưu sinh vật cảnh, đồ cổ, đồ xưa Vạn Phúc") này. Tại đây chợ cây cảnh họp vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch theo phiên chợ Hà Đông, còn chợ đồ xưa thì ngày nào cũng họp nhưng phiên chính thì trước chợ cây cảnh một ngày bất kể trời mưa nắng. Nơi này được mở cửa nhằm là nơi giao lưu giữa những người có cùng chung niềm đam mê với sinh vật cảnh hay các đồ cổ, xưa. Có cả các tay thợ sửa chữa, người buôn đồng nát gặp gỡ, trao đổi buôn bán các món đồ đủ loại.

Hà Đông - Hà Nội: Cần quy hoạch chợ đồ cũ ở Vạn Phúc để tạo nên phong cách mới trong kinh doanh - Ảnh 1
Chợ đồ cũ ở Vạn Phúc - Hà Đông

Nói là chợ nhưng trong khu chợ chính, có rất ít người bày bán đồ mà mọi người thường bày bán đồ trên các đoạn phố nhỏ xung quanh chợ. Một số dân buôn bán đồ cũ ở đây có xuất xứ từ các chợ đồ điện tử cũ như ở Đê La Thành - sau được di dời nên chuyển về chợ đồ cũ Vạn Phúc tập trung lại. Theo dân địa phương thì khoảng 3 năm trước thì lác đác một vài gian bán đồ, sau đó khoảng hơn một năm thì các tay buôn, tay chơi đồ cũ, đồ cổ mới tụ tập về đây nhiều. Ở đây, có thể gặp các loại đồ cũ như đồ dùng cá nhân, quần áo, đồ mỹ nghệ, đồng hồ, dao kéo... đồ chơi dành cho trẻ em… 

Có thể bắt gặp rất nhiều loại đồ cũ, từ những chiếc đồng hồ báo thức "con gà" của Trung Quốc cũ tới những bức tranh, ảnh nghệ thuật… cái bát, cái đĩa, bộ ấm chén, lư hương... thậm chí có cả những thiệt bị y tế (đo tim mạch, thử tiểu đường…) từ cũ đến cổ cũng đều có mặt tại nơi đây. Đặc biệt là có rất nhiều loại đồ điện tử như điện thoại, máy tính, máy tính xách tay, loa đài... Đa phần các loại đồ điện tử ở đây được thu mua từ những hàng đồng nát nhưng còn khá mới và có thể còn sử dụng được, nhưng phải là thợ thật sành sỏi mới mua được đồ ở đây vì đa phần là các loại đồ đã hoặc rất dễ hỏng hóc. Có lẽ vì thế, người mua hàng loại này cũng đã phần là những người am hiểu kỹ thuật hoặc là thợ sửa chữa đang cần tìm kiếm linh kiện và cũng có thể đơn giản là những người có nhu cầu, đam mê sưu tập đồ cổ, đồ cũ. Nói là khu chợ "đặc biệt" vì ở đây, người ta có thể tìm thấy những món đồ thực sự là khó tìm.

Hà Đông - Hà Nội: Cần quy hoạch chợ đồ cũ ở Vạn Phúc để tạo nên phong cách mới trong kinh doanh - Ảnh 2
Cần quy hoạch chợ đồ cũ ở Vạn Phúc để tạo nên phong cách mới trong kinh doanh

Giá cả ở đây cũng rất vô cùng, từ dây sạc điện thoại 2 ngàn, 5 ngàn đồng đến những món đồ cổ như cây quạt trần có từ thời trước giải phóng cũng có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Nhưng về nguồn gốc thật sự có từ thời nào thì không ai có thể khẳng định được! Người mua hay bán hàng ở đây theo kiểu "hên xui" vì giá cả các món hàng ở đây không có ai có thể định giá được và cũng một phần vì được gắn thương hiệu "đồ cổ - đồ sưu tầm". Người bán có thể hét giá trên trời và người mua có thể trả giá tuỳ theo ý thích. Có những người vừa mua món đồ ở quầy hàng bên này, trên đường dạo chợ, gặp người khác thích thì có thể bán lại ngay món đồ mình vừa mua với cái giá cũng trên trời hoặc thêm chút đỉnh... Chính vì thế, để không bị hớ khi mua đồ ở đây, người mua phải là "người tiêu dùng thông minh" thực sự mới có thể mua được một món đồ tốt, hay cổ, có thể dùng được hay có chút giá trị sưu tầm mà không mất quá nhiều tiền cho giá trị thực của nó.

Nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng ở đây cũng đa dạng, ngoài đồ cũ đồ, đồ cổ được sưu tầm bày bán có từ gia đình hay thu gom qua người buôn đồng nát thì vẫn có nhưng mặt hàng mới có xuất xứ trôi nổi từ Trung Quốc được bày bán. Cũng không loại trừ những mặt hàng mới nhưng được làm "giả cổ". Nhưng không sao, ở đây, bất cứ mặt hàng nào có người muốn mua là được bày bán hết, thật giả không quan trọng, quan trọng là có ra tiền không. Hàng gì người bán cũng có thể nhập và người mua có thể mua là được bày bán.

Hiện tại, các gian bán hàng đa phần được dân buôn bán thuê kiot hay tự căng bạt, trải chiếu phía ngoài chợ, trên vỉa hè, cổng nhà dân xung quanh chợ chứ không tập trung phía trong khu chợ được quy hoạch nên tương đối lộn xộn. Mặc dù chính quyền địa phương liên tục nhắc nhở hay thậm chí phạt rất nhiều lần nhưng cũng chưa khắc phục dứt điểm được tình trạng lộn xộn trên. Rất mong bà con buôn bán, chính quyền địa phương cùng góp sức để khu chợ thực sự là chỗ giao lưu, buôn bán có văn hoá và có nét đặc trưng riêng ngày càng phát triển, tránh gây bức xúc, phiền toái cho bà con quanh vùng.

Vũ Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục