Grab tăng chiết khấu, tài xế đồng loạt tắt ứng dụng, đình công phản đối

Trong ngày 14/8, các tài xế Grabbike kêu gọi cùng nhau đồng loạt tắt ứng dụng, đặt chuyến đi ảo để phản đối chính sách tăng chiết khấu thêm 5% từ hãng.

Tăng chiết khấu, Tài xế đồng loạt đình công

Trong 2 ngày 12-13/8, trong buổi họp định kỳ của Grab với các đối tác GrabBike tại TP Hà Nội, một nội dung gây chú ý là mức chiết khấu cho hãng được nâng từ 15% lên tới mức 20% từ ngày 5/9.

Ngoài việc thay đổi mức chiết khấu, Grab đã âm thầm thay đổi nhiều chính sách với tài xế.

Grab tăng chiết khấu, tài xế đồng loạt tắt ứng dụng, đình công phản đối - Ảnh 1

Nhiều tài xế Grab Bike quyết định tắt ứng dụng, đình công trong ngày 14/8.

Trước chính sách mới của hãng, các tài xế Grab đã có những động thái để phản ứng lại. Cụ thể, ghi nhận trong ngày 14/8, rất nhiều tài xế Grabbike vẫn ra đường nhưng lại đồng loạt tắt ứng dụng để đình công, phản đối về chính sách tăng chiết khấu. Ngoài ra, các tài xế còn có một hình thức phản đối khác là đặt các chuyến đi ảo. Theo đó, tài xế GrabBike đồng loạt mở cả ứng dụng đặt xe dành cho khách hàng, đồng thời vẫn mở ứng dụng riêng để nhận cuốc xe. Các tài xế sẽ đặt các quãng đường ảo để “đồng nghiệp” của mình nhận. Ngay sau đó, các tài xế sẽ hủy cuốc kèm theo những lời nhắn kêu gọi như “chung tay vì ngày off app” hay “Đây là chuyến đi ảo, hãy tắt app đình công”…
Grab tăng chiết khấu, tài xế đồng loạt tắt ứng dụng, đình công phản đối - Ảnh 2
Các tài xế cùng tắt ứng dụng như một cách phản đối chính sách mới của Grab.

 

Theo các tài xế Grabbike, việc đặt các chuyến đi ảo sẽ khiến cho khách hàng thật gặp khó.

Nguyễn Sỹ Nguyên (Grab Bike tại khu vực đường Phan Trọng Tuệ) cho biết: “Mình thấy bên Grab tăng chiết khấu như vậy là không thể chấp nhận được. Từ chiều 13/8, trong buổi gặp gỡ đối tác của Grab, khi nhận được thông tin thì chúng tôi đồng loạt kêu gọi nhau tắt app, đình công. Hôm nay tôi cũng tắt ứng dụng 1 ngày chung tay với mọi người”.

Tài xế Đỗ Văn Quý (Grabbike bến xe Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết : "Giá xe bên Grab là 3.800.đồng/km là quá rẻ rồi, mà họ chiết khấu quá cao. Một ngày mình chi tiền điện thoại, tiền mạng khá tốn, chi phí khấu hao bọn mình cũng phải chịu như như hỏng xe, thay dầu, bảo trì xe… chưa kể chi phí ăn uống hàng ngày. Hiện tại, nhiều tài xế Grab đang kêu gọi, nếu tăng thêm 5% chiết khấu thì phải tăng giá cước lên 5000 đồng/km.

Grab tăng chiết khấu, tài xế đồng loạt tắt ứng dụng, đình công phản đối - Ảnh 3
Để chứng minh, các tài xế đăng tải hình ảnh ví grab với thu nhập trống rỗng trong ngày.

Ghi nhận lúc 15h tại Hà Nội, mật độ tài xế hoạt động theo đánh giá của các tài xế đông hơn ngày thường. Tuy nhiên, tài xế cho rằng, đây hầu hết là các cuốc ảo. Hầu hết các tài xế đều tắt ứng dụng, nhận chuyến để mở ứng dụng đặt chuyến lên đặt các cuốc đi ảo nhằm gây thiệt hại cho hãng.Nguyễn Văn Ngọc (Bắc Ninh – Chạy Grabbike tại Bến xe Mỹ Đình) cho hay: Hôm nay mình cũng đình công, nghỉ ngơi. Nhiều anh em còn đặt các cuốc đi ảo như 1 phần của việc phản đối chính sách mới này. Thực chất, việc đình công như thế này là chuyện không ai mong muốn, nhưng hãng đã gây sức ép quá nhiều cho tài xế, từ việc áp dụng mức “sao” đến phạt khi không mặc đồng phục, cắt hỗ trợ, giờ là tăng chiết khấu khi giá đi đã quá rẻ.”.

Bên cạnh các tài xế đang tắt ứng dụng đình công, nhiều tài xế GrabBike vẫn đi làm bình thường vì phải lo cơm áo gạo tiền và cảm thấy vẫn có thể chấp nhận được với mức chiết khấu 20%. Trên các trang mạng xã hội, diễn đàn của các tài xế Grabbkie, chính các tài xế cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng mình vẫn phải lo cơm áo, gạo tiền, nên không chạy xe không được. Một số bạn sinh viên nói mình chỉ làm thêm nên phần thu nhập thấp hơn 1 chút không quá đặt nặng. Người khác lại nêu ý kiến nếu đồng ý mức chiết khấu mới thì làm việc, còn không có thể chuyển sang nghề khác.

Grab tăng chiết khấu, tài xế đồng loạt tắt ứng dụng, đình công phản đối - Ảnh 4
Nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn dành cho anh em Grab Bike.

Anh Lương Tuấn Nghĩa (một tài xế Grab tại Trần Duy Hưng) cho biết: “Đầu tuần đi làm, chưa mở hàng. Gặp mấy anh em đình công. bị hủy 2 cuốc xong khỏi nổ luôn. Đứng cả tiếng rồi, ngồi lướt facebook hết 40% pin cũng ko thấy động tĩnh gì. Theo tôi thấy 20% đã là rẻ hơn so hơn với uber rồi. Chỉ riêng có cắt hỗ trợ cao điểm thôi, chạy hại xe tốn xăng gấp 2 3 lần bình thường mà giá cuốc xe vẫn vậy”.Nguyễn Trọng Hiếu (Một tài xế Grab) cho biết: “Đồng ý rằng mức chiết khấu như hiện nay là hơi cao, tuy nhiên đối với nhiều người thì họ vẫn có thể đồng ý với mức này được bởi họ có gánh nặng khác. Còn như mình chỉ là sinh viên, mình kiếm thêm một chút gọi là bù cho khoản tiền thuê nhà trọ nên không đặt nặng quá việc này. Có thể, nhiều tài xế Grab đã quen với việc nhận nhiều hỗ trợ từ đầu nên khi thấy chính sách thay đổi thì đồng loạt phản đối”.

Grab âm thầm cắt hỗ trợ cho đối tác

Ngoài việc tăng mức chiết khấu, nhiều tài xế và khách hàng phản ánh Grab đã giảm đi nhiều chính sách hỗ trợ và tăng giá dịch vụ.

Anh Sơn, một tài xế Grab khu vực Hoàng Mai, cho biết các chính sách hỗ trợ tài xế vào giờ cao điểm đang ngày càng giảm dần. Theo anh Sơn, trước đây, các tài xế chỉ cần chạy đủ số cuốc quy định là sẽ được nhận hỗ trợ theo ngày. Bên cạnh đó, Grab từng có hỗ trợ cho các cuốc xe trong giờ cao điểm, hay thời tiết xấu. Đến nay chính sách này không còn nữa, nhiều tài xế cũng thường bỏ qua các cuốc xe trong giờ cao điểm hay mưa gió vì không chịu nổi áp lực về chi phí, tắc đường, mưa gió…

Grab tăng chiết khấu, tài xế đồng loạt tắt ứng dụng, đình công phản đối - Ảnh 5
Bên cạnh những người định công, nhiều tài xế Grab Bike vẫn đi làm bình thường vì áp lực và cảm thấy chấp nhận được với mức chiết khấu mới.

Theo anh Sơn, hiện lái xe được áp dụng thưởng cũng thu hẹp rất nhiều. Chỉ một nhóm nhỏ tài xế có mức doanh thu cao nhất mới có thưởng với mức 5%, bằng đúng mức tăng chiết khấu mà Grab mới áp dụng.“Trước đây, hãng có hỗ trợ cho tài xế trong khung giờ cao điểm hay thời tiết mưa gió. Đầu tiên, chúng tôi được hỗ trợ 35%, sau giảm xuống 20% và giờ là không có gì. Đúng lúc này lại áp dụng tăng thêm 5% chiết khấu. Trong giờ cao điểm, chỉ cần tắc đường là coi như cuốc xe đó tiền xăng bù giá cước, gần như chúng tôi chạy không công” – Anh Sơn cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Sỹ (Tài xế Grab Bike tại Thanh Trì), cho biết việc hãng thưởng bằng 5% coi như áp dụng mức chiết khấu cũ là 15% (mức hiện tại là 20%). Tức tài xế gần như không được thưởng nhiều như trước nữa. “Tài xế đang ngày càng phụ thuộc vào hãng. Giờ đây nếu hãng có nâng lên mức 20%, thậm chí là 25% thì tài xế phải chấp nhận, không có cách nào khác. Với mức chiết khấu này, tài xế chỉ còn cách phải làm việc chăm chỉ hơn”.

Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có không ít những ý kiến lạc quan hơn khi so sánh mức giá này với đối thủ khác. Đức Sơn (Tài xế Grabbike tại bến Mỹ Đình) cho hay: ““Hiện nay, các tài xế Grabbike làm toàn thời gian chăm chỉ thì doanh thu khoảng 200.000-300.0000 đồng/ ngày, với mức này mà phải chiết khấu thêm 10.000-15.000 đồng thì cũng không phải quá lớn. Tuy nhiên, hãng cần nhanh chóng thông báo các chính sách thưởng cho xứng đáng hoặc hỗ trợ tài xế tốt hơn”.

Theo Huy Phạm/Infonet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục