ĐBSCL: Đất nhiễm mặn nặng, dân chần chừ cấy lúa

(Kinhdoanhnet) - Đến thời điểm này hầu hết nông dân trong vùng vẫn chưa ai dám tỉa mạ để chuẩn bị đưa xuống cấy mà phải chờ trời mưa nhiều hơn. Trong khi đó, mọi năm thời điểm này nông dân đã cấy mạ được từ 15 - 20 ngày.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nào cũng bị khô hạn trầm trọng, diện tích nhiễm mặn có thể lên tới gấp hai lần. Do đó, các vùng trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là năng suất, sản lượng sẽ bị giảm do cây lúa dễ bị nhạy cảm với độ mặn trong đất và nước.

Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT Kiên Giang, đến thời điểm này vụ nuôi tôm quảng canh trên nền đất lúa đã kết thúc, nông dân cần thu hoạch dứt điểm để xả bỏ nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn mặt ruộng. Nhưng do năm nay lượng mưa ít nên nhiều nơi nông dân vẫn chưa thể rửa hết mặn để gieo cấy lúa.

ĐBSCL: Đất nhiễm mặn nặng, dân chần chừ cấy lúa - Ảnh 1
Dân chưa dám cấy lúa vì đất nhiễm mặn

Sở dĩ năm nay độ mặn cao là do nắng nóng kéo dài, nước trong vuông nuôi tôm bị sắc lại. Nước mặn thấm sâu vào mặt đất, phải có nước mưa nhiều mới có thể rửa hết được. Thế nhưng, chờ hoài mà không thấy mưa lớn.

Vì vậy, đến thời điểm này hầu hết nông dân trong vùng vẫn chưa ai dám tỉa mạ để chuẩn bị đưa xuống cấy mà phải chờ trời mưa nhiều hơn. Trong khi đó, mọi năm thời điểm này nông dân đã cấy mạ được từ 15 - 20 ngày.

Dự kiến, vụ lúa - tôm năm nay toàn huyện An Minh sẽ gieo cấy khoảng 31.550 ha. Riêng đối với những khu vực bị nhiễm mặn quá nặng, không thể làm lúa được, huyện khuyến cáo nông dân trồng một số loại cỏ nước mặn để cải tạo đất trước khi thả nuôi lại vụ tôm năm sau.

Liên Danh (TH theo NN)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục