Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ỳ ạch do đâu?

Câu chuyện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn giống như câu chuyện cũ được kể nhiều lần. Nhưng một khi đã chỉ rõ được nguyên nhân, cần phải có giải pháp để xử lý vấn đề.

Doanh nghiệp càng lớn, thủ tục càng phức tạp

Báo cáo gần đây của Bộ Tài chính cho thấy, việc CPH và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước nửa đầu năm 2017 vẫn chậm chạp. Trong tổng số 14.842 tỉ đồng thu về từ việc thoái vốn, Vinamilk đã đóng góp tới 11.286,4 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCty Nhà nước giai đoạn 2016-2020” đòi hỏi số tiền thu về sau thoái vốn và CPH cần ít nhất 250.000 tỉ đồng. Như vậy, với tốc độ như hiện nay, khả năng không hoàn thành tiến độ và định mức đề ra sẽ không thể tránh khỏi.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, năm 2017 sẽ tiến hành CPH những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu lớn, lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng là một khó khăn cho công tác CPH, thoái vốn nhà nước. Bởi với những doanh nghiệp lớn như trên, việc CPH đòi hỏi đối tác có tiềm lực lớn nên cũng không dễ dàng đáp ứng được.

Với những doanh nghiệp lớn phải thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp, thời gian để tìm kiếm cổ đông chiến lược khi xây dựng phương án CPH còn rất ít gây nên hạn chế lớn cho các nhà đầu tư chiến lược cả trong nước và nước ngoài có cơ hội đánh giá và đàm phán. Đó là chưa kể việc CPH đòi hỏi tính minh bạch tài chính, dễ dẫn tới việc quy trách nhiệm của các cá nhân trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp nên tâm lý e ngại tác động khá nhiều tới việc đốc thúc tiến độ.

Trong khi đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới các tập đoàn, TCty lớn, được coi là “gà đẻ trứng vàng” của các ngành như Sabeco, Habeco… hay các tập đoàn kinh tế khác để tranh thủ sớm nhất cơ hội đầu tư. Song vì những doanh nghiệp này đều có thương hiệu và tài sản rất lớn, địa bàn hoạt động rộng với nhiều dự án còn đang đầu tư nên thời gian để xác định giá trị doanh nghiệp không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.

Một nguyên nhân khác của sự chậm trễ này là do các cơ chế, chính sách ban hành chậm cũng khiến cho công tác CPH, thoái vốn nhà nước bị chậm theo. Ví dụ như nghị định thay thế Nghị định 59 năm 2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Cty cổ phần chậm được ban hành nên các doanh nghiệp lúng túng không xác định được phương án cụ thể.

Doanh nghiệp trây ỳ gây hệ lụy xấu

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, mới chỉ có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị là 31.331 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 7.942 tỉ đồng. Theo phương án CPH được phê duyệt thì vốn điều lệ của 19 đơn vị là 8.820 tỉ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 4.035 tỉ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 3.073 tỉ đồng, bán cho người lao động 69 tỉ đồng, tổ chức công đoàn 12 tỉ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 1.630 tỉ đồng. Nhưng xem ra kế hoạch này cũng khá khó khăn bởi những nguyên nhân đã nêu ở trên.

Tiến độ CPH và thoái vốn chậm chạp tại các tập đoàn, TCty Nhà nước kéo theo hàng loạt các hệ lụy khác. Ví dụ như tại Habeco và Sabeco, dù đã CPH nhưng nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần lớn, trong khi việc thoái vốn tại hai đơn vị này chưa diễn ra khiến thị trường chứng khoán thiếu đi những sản phẩm chất lượng, cơ hội của các nhà đầu tư không được mở rộng, nhà nước không thu được tiền. Đặc biệt, việc chưa thoát khỏi yếu tố “nhà nước” ít mang lại niềm tin về tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp đối với nhiều nhà đầu tư, nhất là sau bối cảnh một loạt các đơn vị bị bêu tên do bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực làm quản lý.

Dẫn chứng tiêu biểu nhất về hệ lụy của việc chậm CPH hoặc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (ViFa) Nguyễn Hoàng Hải lấy vụ Mobifone mua lại AVG với giá “trên trời” làm ví dụ.

Ông Hải cho rằng: “Ngay từ năm 2004, Mobifone đã được Chính phủ lựa chọn nằm trong 10 doanh nghiệp CPH lên sàn chứng khoán. Nhưng nhiều năm qua kế hoạch ấy vẫn không thể thành công. Hai lần định giá, thuê đối tác tư vấn định giá, tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng việc CPH đều thất bại. Thời điểm đó nếu CPH kịp thời sẽ giúp thị trường có sản phẩm chất lượng, nhà đầu tư có cơ hội tốt, điều đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng do Mobifone cố tình trốn tránh CPH dẫn tới sự thiếu minh bạch và chất lượng bổ nhiệm cán bộ chủ chốt kém, quản trị doanh nghiệp kém nên có thể làm giảm lãi thực tế của doanh nghiệp trong suốt nhiều năm. Nếu Mobifone CPH và lên sàn đúng tiến độ, thì lúc này mọi việc ở doanh nghiệp đều đã được minh bạch hóa”.

Theo Đức Thành/Lao động

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục