Cái nôi 55 đào tạo, rèn nghề báo chí chuyên nghiệp

(Kinhdoanhnet) - Trong quá trình 55 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Báo chí -Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HVBC&TT) đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế được hơn 13.000 nhà báo. Trong đội ngũ nhà báo tốt nghiệp tại Khoa Báo chí, nhiều người đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của cả nước và ở các nước bạn. Trong đó, nhiều nhà báo, nhà khoa học trưởng thành từ Khoa Báo chí có uy tín, làm nòng cốt trong giới học thuật về báo chí - truyền thông cũng như đoạt nhiều giải thưởng cao quý về nghiên cứu khoa học, báo chí, văn học - nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế.

Cái nôi đào tạo nhà báo chuyên nghiệp

Khoa Báo chí được thành lập vào ngày 16/1/1962, cùng với sự ra đời của Trường Đại học Tuyên giáo, tiền thân của HVBC&TT hiện nay. Chặng đường 55 năm qua, các thế hệ thầy - trò Khoa Báo chí cùng với toàn thể HVBC&TT cùng nhịp bước đi lên với nền báo chí cách mạng Việt Nam phấn đấu không mệt mỏi, trưởng thành liên tục và đạt được những thành công tuyệt vời, không chỉ cung cấp cho hệ thống chính trị chúng ta hơn 13 ngàn cán bộ báo chí - truyền thông, mà còn tạo nên những dấu ấn nổi bật và những dấu mốc quan trọng, cũng như đúc kết được những kinh nghiệm hết sức quý báu.

Giai đoạn từ 1962 đến 1995, ở những năm 1962 đến năm 1968 chủ yếu được giao nhiệm vụ mở các lớp từ 3 tháng đến 27 tháng, đối tượng đào tạo là những cán bộ trong biên chế các cơ quan báo chí, tuyên huấn ở miền Bắc, một phần được đưa vào miền Nam trực tiếp phục vụ công cuộc vận động đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Từ năm 1968 trở đi, Khoa Báo chí được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và chiêu sinh đào tạo khóa đại học đầu tiên, Khóa 1 (1969 -1973) với chương trình đào hệ chính quy tập trung tạo 4 năm. Đối tượng gần 200 học viên, chủ yếu là các cán bộ, phóng viên trẻ ở các cơ quan báo chí, cán bộ nhân viên các cơ quan tuyên huấn trong các cơ quan dân sự, lực lượng vũ trang và lực lượng thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nghĩa vụ hoặc lập thành tích xuất sắc; bao gồm cả một số ít những sinh viên mới tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) được các cơ quan gửi đi đào tạo dự nguồn. Năm cuối trước khi tốt nghiệp, 53 anh chị em học viên (bao gồm 31 học viên lớp báo chí và 22 học viên lớp xuất bản Khóa 1 đã được gọi lên đường nhập ngũ, vào Nam tham gia chiến dịch Quảng Trị năm 1972 cho tới giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Nhiều người đã lập công xuất sắc, góp phần viết nên những trang sử vàng của Khoa Báo chí, của Nhà trường và truyền thống nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Đến cuối năm 1974, thực hiện chủ trương của Đảng, chuẩn bị nguồn nhân lực cho đội ngũ báo chí miền Nam trong vùng tạm chiếm và vùng giải phóng, lớp Đại học báo chí Khóa 2, lớp Báo B được chuẩn bị và chiêu sinh vào đầu năm 1975, sau khi đã khai giảng lớp Báo A. Với mục đích cung cấp nhân lực cho báo chí miền Nam, phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lớp Báo B có 127 sinh viên, gồm 3 nhóm đối tượng: một là, con em cán bộ tập kết được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc; hai là, các cán bộ miền Nam, chủ yếu là thương bệnh binh đang được điều trị, điều dưỡng và học tập ở các trung tâm điều dưỡng cán bộ; ba là, con em vùng giải phóng đã tham gia phong trào cách mạng địa phương. 

Từ năm 1980, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường cán bộ có trình độ đại học cho lĩnh vực tư tưởng - báo chí, lần đầu tiên Khoa Báo chí được giao nhiệm vụ đào tạo hệ Đại học bằng hai, học chính quy tập trung. Đặc biệt, ở giai đoạn này, ngoài việc đảm nhận các khóa đào tạo tại trường, khoa báo chí còn được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và đảm trách khâu giảng viên giảng dạy cho các lớp đào tạo báo chí cho nước bạn Lào.

Phương thức đào tạo giai đoạn này tiếp tục kết hợp trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản và hệ thống với rèn cặp nghề nghiệp trong thực tế báo chí, tăng cường thực hành môn học kết hợp thực tập nghề nghiệp dài ngày. Ngoài việc đưa sinh viên đi thực tế theo môn học để viết báo, mỗi năm Khoa Báo chí tổ chức một đợt thực tập nghề nghiệp cho sinh viên về làm việc ở các cơ quan báo chí. Riêng đợt thực tập tốt nghiệp 4 tháng lấy điểm độc lập đánh giá kết quả tốt nghiệp. Cũng giai đoạn này, Khoa Báo chí bắt đầu được giao nhiệm vụ đào tạo hệ đại học tại chức, trước hết là cho nhóm đối tượng đã tốt nghiệp đại học, lấy bằng Đại học thứ 2; sau đó là các lớp cho người học nghề và lấy bằng thứ nhất. 

Đặc biệt trong thời gian này, được sự quan tâm của Ban giám đốc Học viện, cơ sở vật chất kỹ thuật của Khoa Báo chí được tăng cường. Cùng với Phòng học thực hành ảnh báo chí; Phòng học tổ chức sản xuất sản phẩm báo in; các studio phát thanh, studio truyền hình... được trang bị rất hiện đại. Máy vi tính, máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình,.... được mua sắm, trang bị đủ cho sinh viên thực tập. Khoa Báo chí đã có một đội ngũ cán bộ giỏi về kỹ thuật - nghiệp vụ hướng dẫn sinh viên thực hành môn học chuyên ngành về báo chí - truyền thông.

Giai đoạn từ 1995  đến nay, Khoa Báo chí được Bộ GD-ĐT cho phép mở chiêu sinh đào tạo Tiến sĩ báo chí, chuyên ngành Báo chí học. Giai đoạn này, mạng internet cùng với hoạt động truyền thông - quan hệ công chúng (public relations - PR) bùng nổ, ngoài việc ổn định quy mô đào tạo đại học hệ chính quy tập trung, Khoa Báo chí không chủ trương mở rộng đào tạo hệ tại chức, mà nắm và đón bắt các vấn đề mới, nhu cầu mới với phương pháp tiếp cận mới theo hướng “đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội”; từ đó phát triển năng lực đào tạo của khoa đáp ứng tình hình và yêu cầu mới của sự phát triển. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị bên ngoài mở hàng chục lớp đào tạo nhân lực truyền thông - PR; từ lớp cập nhật kiến thức và kỹ năng truyền thông - PR, quản lý truyền thông trong khủng hoảng, tổ chức sự kiện, thiết kế và quản trị dự án, cho đến các lớp xây dựng và quản trị chiến lược và kế hoạch truyền thông - PR,...; đồng thời, tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn ngắn ngày để cập nhật kiến thức và kỹ năng làm báo hiện đại cho các nhà báo…

Tập trung đào tạo báo chí trong kỷ nguyên truyền thông số

Trong kỷ nguyên truyền thông số, môi trường truyền thông số nền báo chí - truyền thông của Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Trước hết và chủ yếu là thách thức về nhận thức và kỹ năng làm việc của nhà báo, nhà truyền thông vận động xã hội; thứ hai là thách thức về mô hình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí - truyền thông; thứ ba là thách thức về hoạt động quản lý - bao gồm quản lý cấp vĩ mô và quản lý cấp vi mô - quản lý tòa soạn và cơ quan báo chí cũng như quản lý chiến dịch và kế hoạch truyền thông; thứ tư là thách thức về cách thức ứng xử với công chúng - xã hội....

PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc HVBC&TT đánh giá: Trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và trình độ dân trí ngày càng cao, các trường đào tạo báo chí buộc phải tư duy lại mô hình đào tạo của mình, phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo.

Bởi vậy, chủ trương, mục tiêu của Học viện nói chung và Khoa Báo chí nói riêng là: “Lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội”, có nghĩa là, nhà trường chỉ dạy cho sinh viên cái họ cần để hành nghề, chứ không phải cái nhà trường có, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, họ có thể tìm được việc làm và sống được bằng nghề đã được đào tạo. Chính vì vậy, chương trình đào tạo phải sát với thực tế, có tính thực hành và ứng dụng cao, giảm thiểu lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành, chỉ cung cấp cho sinh viên khối lượng kiến thức tinh gọn, căn bản và thiết yếu để làm được nghề báo (70 - 80% thực hành, 20 - 30% lý thuyết).

Cũng theo PGS.TS Trương Ngọc Nam: Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông của HVBC&TT đã có những đổi mới quan trọng theo cả chiều rộng và chiều sâu, có thể khái quát thành các hướng đi căn bản sau đây:

Thứ nhất, hoạt động đào tạo báo chí truyền thông phát triển theo hướng vừa chuyên biệt hoá các loại hình, như: Báo in, Ảnh báo chí, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử... theo hướng tích hợp đa phương tiện. Xu hướng này đem lại cho người học các lựa chọn khác nhau, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về một loại hình báo chí, mà còn có thể làm việc được trong môi trường truyền thông đa phương tiện hiện nay.

Thứ hai, Học viện đã và đang xây dựng, triển khai một số chương trình đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích hợp, có tính thực hành cao, trên cơ sở kế thừa các chương trình đào tạo quốc tế, nhằm nâng cao trải nghiệm học tập của sinh viên. Đây là sự thích ứng mau lẹ của Học viện trước những thay đổi của nền báo chí, trước nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực chất lượng cao ngành báo chí - truyền thông của các cơ quan báo chí, doanh nghiệp truyền thông.

Thứ ba, chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế. Đây là con đường để Học viện đổi mới mô hình đào tạo, tiếp cận phương pháp đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến. Hiện nay, Học viện hợp tác với Đại học Middlesex, Vương quốc Anh để triển khai chương trình cử nhân Quảng cáo -  Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Học viện theo phương thức nhượng quyền. Chương trình này là đòn bẩy và động lực để triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, lấy sinh viên làm trung tâm.

Thứ tư, chương trình đào tạo đang chuyển dần từ phương thức đào tạo chuyên sâu có tích hợp đa phương tiện, sang hoàn toàn tích hợp đa phương tiện. Đây là sự chuyển đổi cần thiết trước xu hướng tích hợp truyền thông đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tất nhiên, bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng cần có lộ trình và những giải pháp hợp lý để tránh gây ra những xáo trộn đột ngột, đồng thời bảo đảm sự toàn vẹn của hệ thống.

Trong 55 năm qua, Khoa Báo chí đào tạo được 4.680 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy; hơn 5.500 sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức (vừa làm vừa học); hơn 3.000 người được đào tạo, tập huấn qua các lớp ngắn ngày theo chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội; đào tạo cho Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành hàng ngàn lượt học viên, sinh viên các bậc học về báo chí - truyền thông

Khoa Báo chí đào tạo hơn 700 học viên cao học (từ Khóa 1 đến Khóa 22) theo hai chuyên ngành Báo chí và chuyên ngành Quản lý Báo chí - Truyền thông; hiện còn hơn 130 học viên đang học; đã có 13 lớp nghiên cứu sinh (NCS) với tổng số hơn 70 NCS chuyên ngành báo chí học đang tu nghiệp, đã có gần 30 người đã bảo vệ thành công luận án và nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Báo chí học.

 

Ngô Xuân Lộc 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục