Bộ Tài chính lý giải thế nào về đề xuất tăng thuế xăng lên 8.000 đồng/lít?

(Kinhdoanhnet) - Bộ Tài chính đã khẳng định, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được đề xuất tăng lên tới tối đa 8.000 đồng/lít.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, cơ sở để tăng mức thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên tối đa 3.000 - 8.000đồng/lít là do: Thứ nhất, mức thuế của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với các nước như Hàn Quốc, Campuchia, Lào. Thứ hai, việc tăng thuế sẽ giúp chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới và nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu. Thứ ba, tăng thuế sẽ đồng thời tránh chênh lệch về giá bán xăng dầu giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Bộ Tài chính lý giải thế nào về đề xuất tăng thuế xăng lên 8.000 đồng/lít? - Ảnh 1
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên tới 8.000 đồng/lít xăng. Ảnh minh họa

Ông Thi dẫn chứng theo bảng xếp hạng của Global Petrol Prices, tính đến 3/4, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang xếp thứ 137 trên 180 nước (từ cao xuống thấp), đồng nghĩa với việc thấp hơn 136 nước khác. Cũng theo bảng xếp hạng này, Philippines đang đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88 và Lào đứng thứ 97. 

Đại diện Bộ Tài chính cũng ước tính giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 tại Việt Nam đang thấp hơn Lào khoảng 4.800 đồng, Campuchia 2.800 đồng, Singapore 16.000 đồng và Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 26.500 đồng. Trong đó, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của xăng tại Việt Nam (37,24%) cũng đứng sau nhiều nước trong khu vực (Hàn Quốc là 70,3%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%).

"Để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi", ông Phạm Đình Thi nhận định.

Ông Thi cũng thừa nhận, việc mức thuế hiện hành đã gần kịch khung (nhiên liệu bay đã kịch khung) khiến dư địa điều chỉnh là rất ít. Đây là lý do Bộ này đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế bảo vệ môi trường từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít. 

Trước câu hỏi liệu giá xăng tới đây có thể sẽ tăng mạnh, khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, Bộ Tài chinh khẳng định: Việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ Môi trường đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh.

Đối với việc sử dụng khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường, đại diện Bộ Tài chính cho rằng nguồn tiền này được xác định là một khoản thu của ngân sách Nhà nước và được sử dụng các nhiệm vụ chi theo Luật (trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo xã hội...). Căn cứ theo các quy định này thì hiện tỷ lệ chi cho môi trường hiện chiếm "không ít hơn 1%" và "đang phấn đấu đạt 2%" tổng chi. Trong khi đó, theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong tổng thu hơn 1 triệu tỷ đồng của ngân sách thì thu từ thuế bảo vệ môi trường đóng góp gần 38.500 tỷ, tương đương gần 4%.

"Không phải thuế bảo vệ môi trường là phải chi hoàn toàn cho các dự án trực tiếp về bảo vệ môi trường. Việc chi như thế nào phụ thuộc vào Luật ngân sách, trong đó có những dự án trực tiếp, có dự án tác động gián tiếp bảo vệ môi trường", ông Phạm Đình Thi cho biết.

Mai Anh

(

Tổng hợp

)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục