Ai cấp phép cho Quốc ca?

Thời gian qua, dư luận liên tục chỉ trích, phê phán gay gắt, thậm chí phẫn nộ về việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép phổ biến cho các ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong đó có ca khúc "Tiến quân ca" (Quốc ca).

Ngay nội dung trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện ngày 13/6/2017 cũng như nội dung trả lời báo chí của ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn chính thức của Bộ VH-TT&DL: “Cục NTBD không hề cấp phép cho hơn 300 bài hát được phép phổ biến rộng rãi (trong đó có Tiến quân ca) mà chỉ cập nhật danh sách này”. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây: “Ai đã cấp phép cho ca khúc "Tiến quân ca" (Quốc ca) làm cho dư luận xã hội hiểu lầm và phẫn nộ”?

Ngày 23/5/2017, trả lời trên báo Đất Việt, ông Nguyễn Thái Bình Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL khẳng định “Cục NTBD không hề cấp phép cho hơn 300 bài hát được phép phổ biến rộng rãi (trong đó có Tiến quân ca) mà chỉ cập nhật danh sách này”.

Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 13/6/2017, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Văn Phương nhắc lại nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “ Bộ trưởng vừa trả lời là Cục NTBD không hề có bất kỳ một văn bản hành chính nào thể hiện là cấp phép cho 324 bài hát, trong đó có bài Quốc ca và đây chỉ là cập nhật danh sách các bài hát lên website...”

Ai cấp phép cho Quốc ca? - Ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

Cũng tại buổi chất vấn này, báo cáo của Bộ VHTT&DL cho biết, hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.

Tại Khoản 3, Điều 29 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ "Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu" nêu rõ: "Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD" để xin phép phổ biến.

Ngày 15/3/2016 Chính phủ ký ban hành Nghị định số15/2016/NĐ-CP về "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP", trong đó sửa lại Khoản 3, Điều 29 như sau: "Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD" để xin phép.

Như vậy, Nghị định 15/2016/NĐ-CP đã bỏ cụm từ "tại các tỉnh phía Nam", do đó phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Nghị định đã được mở rộng, vì thế tất cả các ca khúc được sáng tác trên lãnh thổ Việt Nam trước năm 1975; bất kể dòng nhạc gì (bao gồm cả dòng nhạc cách mạng…), đều phải nộp 1 bộ hồ sơ để Cục NTBD cấp phép phổ biến.

Như vậy, nếu căn cứ theo theo các điều khoản quy định tại 02 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP thì đến năm 2016, Cục NTBD đã phải ban hành các văn bản cấp phép phổ biến cho tất cả các ca khúc của các dòng nhạc, được sáng tác trên lãnh thổ Việt Nam trước năm 1975 (trong đó có cả Quốc ca).

Song nếu căn cứ vào khẳng định của ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn chính thức của Bộ VH-TT&DL và của chính Bộ Trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, thì cho đến thời điểm này, toàn bộ các ca khúc thuộc phạm vi điều chỉnh của 02 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP vẫn chưa được Cục NTBD thực hiện việc cấp phép.

Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi ở đây là: “Ai đã cấp phép cho Quốc ca”? và “Ai là người tuyên truyền, phổ biến trong xã hội là Quốc ca được Cục NTBD cấp phép”? làm dư luận xã hội bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu?

Giả sử nếu Cục NTBD đã thực hiện chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước mà cấp phép phổ biến cho Quốc ca theo quy định của pháp luật hiện hành thì có sai không?

Thiết nghĩ, vấn đề này thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà người đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cần thiết phải chủ động trả lời câu hỏi này, không thể cứ im hơi lặng tiếng, phó mặc cho cấp dưới chịu trận oan sai như vậy.

Theo Đào Lưu/ GĐ&XH

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục