Từ tháng 7 tới, cơ sở kinh doanh karaoke phải nộp phí 2.000 đồng/bài hát

(Kinhdoanhnet) - Mức thu phí được đưa ra là 2.000 đồng một bài, tính trên mỗi đầu máy karaoke, được áp dụng từ ngày 14/7/2016.

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết, đơn vị này sẽ tiến hành thu phí tác quyền đối với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu và quản lý của RIAV tại các tụ điểm ca nhạc trên cả nước. Tụ điểm ca nhạc ở đây bao gồm các trung tâm kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke.

Từ tháng 7 tới, cơ sở kinh doanh karaoke phải nộp phí 2.000 đồng/bài hát - Ảnh 1
Từ tháng 7 tới, cơ sở kinh doanh karaoke phải nộp phí 2.000 đồng/bài hát. Ảnh minh họa

Mức thu phí được đưa ra là 2.000 đồng một bài, tính trên mỗi đầu máy karaoke, được áp dụng từ ngày 14/7/2016. Các điểm kinh doanh karaoke sẽ có thời hạn một năm sử dụng các sản phẩm âm nhạc sau khi đóng phí, và RIAV sẽ không truy thu thời gian sử dụng trước đây. Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (trực thuộc RIAV) sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thu khoản phí này.

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm cấp phép và quản lý quyền RIAV cho biết, hiện tại chưa thể gửi hết ngay văn bản về việc thu phí bản quyền liên quan này tới 63 tỉnh thành cùng một lúc. “Cùng một lúc thì không thể làm được hết ngay. Nhưng chúng tôi sẽ chọn các địa phương sử dụng nhiều để gửi trước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Mỗi tỉnh hiện có khoảng 400-600 trung tâm karaoke”, ông Dũng cho biết.

Mặc dù vậy, ông Dũng cũng đánh giá việc thu bản quyền này sẽ rất khó khăn. Trung tâm cũng chấp nhận phải có bước đầu tuyên truyền để các chủ kinh doanh hiểu quyền liên quan là gì. Vì thế, cũng sẽ chưa có việc yêu cầu phạt ngay.

Theo ông Dũng, việc thu tiền bản quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả cũng là một trong những tiền đề để tạo nhận thức đầy đủ về việc trả tiền bản quyền.

Sở dĩ hiệp hội đưa ra mức thu trên là do thực tế các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke hiện sử dụng các sản phẩm bản ghi (gồm ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh nhằm thu lợi nhuận, trong khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của chủ sở hữu. 

Hiệp hội này cho rằng, hành vi xâm hại bản quyền trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của RIAV và hội viên. Cụ thể, việc này đã vi phạm các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi và bổ sung năm 2009) và các quy định khác có liên quan.

Cùng với đề xuất mức thu phí, RIAV cũng khuyến cáo các điểm kinh doanh karaoke chấm dứt ngay hành vi xâm phạm bản quyền, tuân thủ quy định pháp luật về việc thanh toán phí bản quyền, quyền liên quan khi sử dụng, khai thác sản phẩm bản ghi thuộc quản lý và sở hữu của hiệp hội này.

Mai Anh (TH theo Thanh niên, Vnexpress)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục