Tình hình kinh doanh của PVFI 2 năm trước và 2 năm sau khi bổ nhiệm con ông Vũ Huy Hoàng làm TGĐ khác nhau thế nào?

(Kinhdoanhnet) – Vai trò của ông Vũ Quang Hải – con nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng – tại PVFI là khá mờ nhạt trong 2 năm đầu nắm quyền. Điều này được thể hiện khá rõ ràng khi so sánh tình hình kinh doanh của PVFI 2 năm trước và 2 năm sau khi bổ nhiệm ông Hải chức TGĐ PVFI.

Lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 2 năm sau khi bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải – con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng – làm Tổng Giám đốc giảm mạnh so với 2 năm trước khi bổ nhiệm ông này.

 

Tình hình kinh doanh của PVFI 2 năm trước và 2 năm sau khi bổ nhiệm con ông Vũ Huy Hoàng làm TGĐ khác nhau thế nào? - Ảnh 1

Lợi nhuận gộp của PVFI 2 năm sau khi bổ nhiệm ông Hải giảm mạnh so với 2 năm trước đó. Nguồn: BCTC kiểm toán 2009, 2010, 2011, 2012 của PVFI

Cụ thể, lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) năm 2009 và năm 2010 lần lượt là 10,89 tỷ đồng và 13,19 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này năm 2011 và năm 2012 chỉ là vỏn vẹn 2,69 tỷ đồng và 4,2 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tiếp tục bào mòn doanh thu tài chính

Đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính như PVFI thì doanh thu tài chính và chi phí tài chính mới là thước đo quan trọng nhất khi nhìn nhận và đánh giá thực trạng doanh thu của doanh nghiệp chứ không phải là doanh thu và giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Năm 2009, hoạt động tài chính của PVFI vẫn đem về lợi nhuận lên đến 30 tỷ đồng khi chi phí tài chính năm 2009 của PVFI chỉ là 207 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính lên đến 237 tỷ đồng.

 

Tình hình kinh doanh của PVFI 2 năm trước và 2 năm sau khi bổ nhiệm con ông Vũ Huy Hoàng làm TGĐ khác nhau thế nào? - Ảnh 2

Lỗ từ hoạt động tài chính của PVFI 2 năm sau khi bổ nhiệm ông Hải lớn hơn nhiều 2 năm trước khi bổ nhiệm ông Hải. Nguồn: BCTC kiểm toán 2009, 2010, 2011, 2012 của PVFI

Sang năm 2010, doanh thu tài chính của PVFI đạt 206 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại là 224 tỷ đồng. Như vậy, năm 2010, PVFI lỗ tài chính 18 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ 42,5 tỷ đồng của PVFI trong năm 2010 khi doanh nghiệp này vẫn luôn phải “cõng” khoản chi thường xuyên quản lý doanh nghiệp trên dưới 30 tỷ đồng.

Bước sang năm 2011, năm đầu tiên ông Vũ Quang Hải được bổ nhiệm làm TGĐ PVFI, chi phí tài chính tiếp tục bào mòn doanh thu tài chính khi doanh thu tài chính năm 2011 của PVFI giảm mạnh xuống còn 85,7 tỷ đồng, còn chi phí tài chính lại tăng lên mức 222 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc PVFI đột ngột lỗ tài chính tới hơn 137 tỷ đồng trong năm 2011 là do việc doanh nghiệp này trích lập khoản dự phòng giảm giá đầu tư gần 200 tỷ đồng từ khoản đầu tư vào 2 công ty chứng khoán là SMES và Phố Wall.

Năm 2012, mặc dù đã trích lập dự phòng gần 200 tỷ đồng trong năm 2011 cho khoản đầu tư với Chứng khoán SMES và Chứng khoán Phố Wall nhưng chi phí tài chính của PVFI vẫn lớn hơn doanh thu tài chính tới 51 tỷ đồng. Hơn một nửa chi phí tài chính 2012 của PVFI là khoản chi phí lãi vay 88 tỷ đồng, gấp tới 2,7 lần con số của năm 2011.

Việc doanh thu tài chính và chi phí tài chính có xu hướng giảm dần có thể coi là động thái thu hẹp hoạt động kinh doanh cốt lõi của ông Hải nhằm giảm thiểu khả năng tiếp tục lỗ từ hoạt động tài chính. Tuy nhiên, động thái này chưa mang đến hiệu quả rõ rệt bởi mặc dù năm 2011, PVFI đã ghi nhận khoản dự phòng giảm giá đầu tư gần 200 tỷ đồng mà ông Hải luôn nói là “không phải do mình” nhưng đến năm 2012, chi phí tài chính của PVFI vẫn lớn hơn doanh thu tài chính tới 51 tỷ đồng.

Bán thanh lý tài sản

Ngay năm đầu tiên làm việc tại PVFI – năm 2011, ông Hải đã tiến hành bán thanh lý tài sản cố định và nhiều tài sản dài hạn khác của PVFI để thu về số tiền 72,8 tỷ đồng. Trừ đi chi phí thanh lý 59,1 tỷ đồng thì PVFI đã thu về tổng cộng 13,7 tỷ đồng. Số tiền này giúp cải thiện phần nào tình trạng thua lỗ mà PVFI phải hứng chịu năm 2010 và năm 2011.

 

Tình hình kinh doanh của PVFI 2 năm trước và 2 năm sau khi bổ nhiệm con ông Vũ Huy Hoàng làm TGĐ khác nhau thế nào? - Ảnh 3

Năm 2011, ông Hải đã bán thanh lý nhiều tài sản của PVFI. Nguồn: BCTC kiểm toán 2009, 2010, 2011, 2012 của PVFI

Năm 2009, 2010 và cả năm 2012 không thấy PVFI ghi nhận thêm khoản tiền đáng kể từ bán thanh lý tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.

Giảm dần chi phí quản lý doanh nghiệp

2 năm trước khi ông Hải làm TGĐ PVFI, chi phí quản lý doanh nghiệp của PVFI là 23,8 tỷ đồng (năm 2009) và 37,5 tỷ đồng (năm 2010). Đến năm 2011, con số này giảm nhẹ xuống còn 30,8 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống còn 18,6 tỷ đồng trong năm 2012.

 

Tình hình kinh doanh của PVFI 2 năm trước và 2 năm sau khi bổ nhiệm con ông Vũ Huy Hoàng làm TGĐ khác nhau thế nào? - Ảnh 4

 Chi phí quản lý doanh nghiệp của PVFI đã giảm khá rõ rệt trong 2 năm đầu thời ông Hải điều hành. Nguồn: BCTC kiểm toán 2009, 2010, 2011, 2012

Nhờ nhiều động thái như cắt giảm nhân sự, giảm lương, bán tài sản…, ông Hải đã khá thành công khi giảm được một lượng đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp.

Kết quả là vẫn lỗ nhiều hơn

2 năm sau khi ông Hải được bổ nhiệm làm TGĐ PVFI cũng là 2 năm doanh nghiệp này lỗ kỷ lục và lỗ nhiều hơn nhiều 2 năm trước khi ông Hải vào vị trí này.

Năm 2009, PVFI thậm chí vẫn có lãi sau thuế lên đến 15,5 tỷ đồng. Đến năm 2010, PVFI mới lỗ và mức lỗ là 42,5 tỷ đồng.

 

Tình hình kinh doanh của PVFI 2 năm trước và 2 năm sau khi bổ nhiệm con ông Vũ Huy Hoàng làm TGĐ khác nhau thế nào? - Ảnh 5

Năm 2011 và năm 2012 là 2 năm đầu ông Hải điều hành PVFI cũng là 2 năm mà PVFI thua lỗ nặng. Nguồn: BCTC kiểm toán 2009, 2010, 2011, 2012 của PVFI

Tuy nhiên, sang đến năm 2011 – năm ông Hải bắt đầu được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc PVFI thì doanh nghiệp này lỗ tới 155 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của khoản lỗ này đến từ việc PVFI phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng. Ông Hải cho rằng, khoản lỗ này không phải do ông tạo ra mà do thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm tạo ra.

Sang năm 2012, PVFI vẫn tiếp tục lỗ tới 67,5 tỷ đồng. Không rõ là việc PVFI tiếp tục lỗ nặng trong năm 2012 có còn liên quan đến khoản trích lập dự phòng các khoản đầu tư cùng với SMES hay Chứng khoán Phố Wall hay không.

Tuy nhiên, nếu năm 2012, PVFI không phải trích lập dự phòng đáng kể cho 2 khoản đầu tư này mà PVFI vẫn lỗ tới 67,5 tỷ đồng thì dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, rằng vai trò của ông Hải trong việc xử lý các vấn đề của PVFI liệu có quá mờ nhạt hay không?

Thanh Long

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục