Tăng thuế VAT- bất hợp lý ngay cả so với khu vực

Không nên so sánh đâu xa, mà chỉ cần so sánh với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, có cùng khu vực địa lí, cùng ràng buộc trong khuôn khổ AFTA, thì hầu hết đều có mức thuế suất VAT bằng hoặc thấp hơn Việt Nam.

Đơn cử, Indonesia có mức thuế suất VAT 10%, Malaysia phát triển hơn Việt Nam nhiều nhưng mức thuế suất chỉ 6%, Myanmar 5%, Singapore là đảo quốc phát triển hơn Việt Nam rất rất nhiều lần nhưng thuế suất VAT cũng chỉ 7%, Thái Lan cũng thế chỉ 7%.

Tăng thuế VAT- bất hợp lý ngay cả so với khu vực - Ảnh 1
Hàng chục triệu người lao động Việt Nam sẽ chịu hệ lụy nếu tăng thuế VAT lên 12%. Ảnh minh họa, nguồn: Indiatimes

Nhìn rộng ra hơn, Hàn Quốc – 1 trong 10 nền kinh tế phát triển nhất thế giới thì thuế suất VAT cũng bằng Việt Nam là 10%, trong khi đó Đài Loan (Trung Quốc) có nền kinh tế phát triển ngang ngửa với Hàn Quốc thì mức thuế suất VAT chỉ có 5%.

Chúng ta so sánh với những đâu nếu không lấy tham chiếu từ khu vực Asean? Tại sao chúng ta phải so sánh với các quốc gia khu vực Bắc Mỹ hay Châu Âu được xem là những khu vực có nền kinh tế hùng mạnh, thu nhập bình quân của người dân cao hơn Việt Nam hàng chục lần; trong khi đó, người lao động Việt trong các nhà xưởng, xí nghiệp mài mòn sức cả đời chưa chắc mua nổi một căn hộ trung bình để ở. Mà ở Việt Nam, có đến hàng chục triệu người lao động như vậy.

Xin thưa, mức thuế suất VAT ở Việt Nam hiện nay không hề thấp. Các con số trên đã nói lên một sự thật, là mức thuế suất VAT ở Việt Nam cao hơn mặt bằng bình quân khu vực Asean, trong khi thu nhập bình quân/đầu người của Việt Nam chỉ hơn được Lào, Campuchia, Myanmar, trong khi kém xa Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và cả Philippines.

Xin thưa, nợ công tăng là do đâu? Do phải đầu tư nhiều chỉ là một lí do. Còn lí do lớn hơn, là đầu tư không hiệu quả. Cứ lấy cái vỉa hè ra xét thì thấy, lát gạch mới 1, 2 tháng là bong tróc, lún sụt. Cứ lấy con đường ra xét thì thấy, nhiều tuyến quốc lộ chính thức thông xe chưa được bao lâu thì xuống cấp lở lói, sạt sụt. Và còn bao nhiêu tập đoàn, tổng công ty nhà nước, với các dự án đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, nợ nần chồng chất… Bây giờ, hậu quả là đây, thuế suất VAT được đề xuất tăng từ 10% lên 12%.

Bộ Tài chính muốn tăng thuế, thì ắt nhiên sẽ lập luận là thuế suất VAT của nước ta còn thấp. Nhưng bằng những con số, chúng ta có thể chứng minh là ngược lại. Và bằng những con số, những bóng dáng người lao động mệt mỏi trong nhà xưởng mà cuộc sống chưa được sung túc, có thể nói rằng dân ta nhìn chung còn nghèo, người lao động Việt Nam còn rất nghèo. Mà tăng thuế VAT, thực ra là thuế tiêu dùng, là đánh trực tiếp vào hàng chục triệu người dân bất cứ ai có nhu cầu ăn, mặc, chi tiêu, hít thở… Doanh nghiệp là trung gian phân phối các sản phẩm, bị “vạ lây”.

Nếu cứ theo logic hầu hết nước giàu/người giàu thì chịu thuế cao, thì dân ta chắc hẳn đang giàu và sẽ giàu vì thuế VAT đang được đề xuất tăng (?). Nhưng thực tế thì, nước ta đang ở ngưỡng đầu của thu nhập trung bình, song dân ta thì còn nghèo, thậm chí nhiều nơi rất nghèo.

Theo Thế Lâm/Báo Lao động

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục