Phó chủ tịch liên đoàn LS Việt Nam bào chữa cho ông Đinh La Thăng

Sau một ngày làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, chiều 14/12, luật sư (LS) Phan Trung Hoài (Phó chủ tịch liên đoàn LS Việt Nam) xác nhận đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng.

Giấy chứng nhận luật sư bào chữa này được cấp sau hơn sáu ngày ông Thăng bị bắt. Luật sư Phan Trung Hoài cho biết, ngay sau khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 8/12, ngày 12/12 gia đình ông đã có giấy mời ông làm LS bào chữa.

Ngày 13/12, ông Phan Trung Hoài đã đến làm việc với cơ quan điều tra để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa. Ngày 14/12, đơn xin bào chữa được Bộ Công an chính thức thông qua.

Trước khi nhận giấy chứng nhận bào chữa cho ông Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cũng từng tham gia bào chữa cho nhiều bị cáo ở các vụ án lớn như: Đại án 9.000 tỷ ngân hàng VNCB; đại án Oceanbank…

Phó chủ tịch liên đoàn LS Việt Nam bào chữa cho ông Đinh La Thăng - Ảnh 1
Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 8/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV, ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành Uỷ TP.HCM, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban chấp hành Trung ương); Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội với ông Thăng.

Theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, ông Đinh La Thăng bị bắt giữ về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Cũng theo các nhà chức trách, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVN, gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trước khi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2011-2016, giai đoạn năm 2006-2011, ông Thăng được phân công làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ông Đinh La Thăng từng là Ủy viên Bộ Chính trị, một trong 19 người giữ vị trí cao nhất của Đảng. Hồi tháng 5, ông bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời phải rời ghế Bí thư Thành ủy TP HCM sau quyết định kỷ luật của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Bảy tháng trước, ông được điều chuyển làm Phó ban Kinh tế Trung ương.

Theo Phapluatnet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục