Vụ trùm tín dụng đen Hải Dương: Những dấu hiệu hình sự nằm ở đâu?

(Kinhdoanhnet) - Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương IV và với tinh thần thượng tôn pháp luật, Báo Kinh doanh & Pháp luật đã có loạt bài vạch trần trước công luận về đường dây “ăn đất” ở thành phố Hải Dương. Sau khi vệt bài trên đến tay bạn đọc, như đã thông tin trên mặt báo, tòa soạn đã nhận được sự chia sẻ, đồng tình và ủng hộ của đông đảo bạn đọc trong cả nước, đặc biệt là những người dân lương thiện ở tỉnh Hải Dương. Tất cả các lá thư, đơn khiếu nại, tố cáo hay trực tiếp đến tòa soạn để phản ánh, cung cấp thêm tư liệu liên quan đến đường dây “ăn đất” này cho thấy: Đây là một vụ việc không đơn thuần dừng lại ở phạm trù “dân sự” mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật bởi trong tập hồ sơ mà chúng tôi đang lưu giữ có nhiều giấy tờ và chữ ký giả cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm minh.

Từ lá đơn tố cáo của vợ chồng nhà giáo


Đầu giờ chiều ngày 24-9-2014, Ban biên tập Báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp vợ chồng nhà giáo: Trịnh Việt Dũng, 72 tuổi, con trai liệt sỹ chống Pháp Trịnh Việt Đăng và vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Vân, 65 tuổi cũng là một nhà giáo đã nghỉ hưu. Hiện tại vợ chồng ông Dũng, bà Vân đang sống tại TP. Hải Dương. Sau những câu chuyện mang tính xã giao, vợ chồng ông Dũng chuyển cho Ban Biên tập lá đơn tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật của bà Phạm Thị Hương - Một trùm tín dụng đen mà báo Kinh doanh & Pháp luật đã đề cập trên nhiều số báo trong thời gian qua cùng một số quan chức trên địa bàn TP. Hải Dương trong việc chuyển đổi trái pháp luật lô đất 2397 mét vuông ở vị trí đắc địa từ đất 03 thành đất ở, gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục tỷ đồng. Xung quanh vụ việc này có liên quan đến các ông Nguyễn Đức Thăm và Mai Đức Chọn, Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hải Dương.

Nguyễn Thị Hương
Chân dung Nguyễn Thị Hương

Tại buổi tiếp xúc với Ban Biên tập, vợ chồng ông Dũng, bà Vân còn kể cho chúng tôi nghe một vụ việc liên quan trực tiếp đến gia đình ông Dũng, bà Vân. Vẫn nội dung này, trước đó vợ chồng bà đã đề cập trong một lá đơn gửi Tòa soạn. Theo lời bà Vân thì: “Năm 2003, gia đình tôi và gia đình em trai tôi thuộc diện giải tỏa thu hồi đất ở tại 45BC/1, Khu 17 phố Bùi Thị Xuân, phường Lê Thanh Nghị, TP. Hải Dương. Theo đó, diện tích đất ở bị thu hồi là 112m2 (Tôi: 60m2; em trai tôi: 52m2). Sau khi giải tỏa, họ chỉ cấp đất tái định cư cho gia đình tôi: 59,2 m2; còn gia đình em trai tôi là Nguyễn Quốc Hải - một công nhân nhà máy nước bị tai nạn lao động đang hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng lại không được cấp đất tái định cư. Không chỉ vậy, gia đình em tôi còn bị chính quyền thành phố Hải Dương thu hồi hộ khẩu gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. 10 năm nay, vợ chồng, con cái gia đình em tôi sống lang thang trong cảnh: không nhà, không hộ khẩu. Cũng 10 năm qua, Ban giải phóng mặt bằng TP. Hải Dương vẫn găm giữ tiền đất và các khoản thanh toán khác”. Ngừng một lát nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Vân nói tiếp: “Chúng tôi đã khiếu nại 10 năm nay, song vẫn không được giải quyết trả lại quyền lợi chính đáng hợp pháp cho gia đình chúng tôi. Trong khi đó, ngay tại TP. Hải Dương, nhiều người có nhiều đất, nhiều nhà vẫn được cấp đất, kể cả đất 03. Cụ thể là bà Phạm Thị Hương - Trùm tín dụng đen có tiếng ở TP. Hải Dương, người có mối quan hệ với các quan chức địa phương nên đã được ưu đãi đặc biệt và được cấp 2397m2 đất 03 để chuyển thành đất ở lâu dài, lại ở vào vị trí đắc địa của thành phố. Lạ lùng là, bà Hương chỉ nộp thuế đất cho nhà nước lô đất 2397 m2: 188 triệu đồng và 2 triệu đồng thuế trước bạ. Sau khi nhận được sổ đỏ của lô đất nói trên, bà Hương đã trao tặng cho 2 người con trai là Nguyễn Duy Cường và Nguyễn Duy Hùng và người chị gái là bà Phạm Thị Thanh; trong khi 3 người này đã sở hữu nhiều lô đất ở nhiều địa chỉ khác nhau. Đây chỉ là một phần nhỏ của việc cấp đất bất công ở Hải Dương, tạo lên cảnh: người ăn không hết, kẻ lần không ra. Gia đình tôi rất mong sự việc sớm được làm sáng tỏ để lấy lại lòng tin của nhân dân và tạo sự công bằng xã hội”.

Đọc xong lá đơn tố cáo và nghe xong câu chuyện của nhà giáo về hưu Nguyễn Thị Thanh Vân, một lần nữa khiến chúng tôi - Những nhà báo đang công tác tại báo Kinh doanh & Pháp luật lại thấy buốt lòng; bởi sao cuộc đời lại có những trái ngang và bất công đến mức như vậy? Một gia đình liệt sỹ, một người bị tai nạn, vậy mà 10 năm sống trong cảnh không nhà, không có hộ khẩu? Còn phía kia là những quan chức và kẻ đầu cơ trục lợi một lúc sở hữu cả chục căn nhà, lô đất, không phải chỉ ở TP. Hải Dương mà là ở một số địa phương khác. Không hiểu họ nghĩ gì đến số phận của những người như các thành viên gia đình ông Nguyễn Quốc Hải?

Đến chuyện “nực cười” về lá đơn đề nghị của bà trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương

Báo Kinh doanh & Pháp luật số 97 ra ngày 6-8-2014 đã đăng bài: “Mẹ con bà Phạm Thị Hương đang sở hữu bao nhiêu đất, nhà?” Tại bài báo đó, nhóm phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật sau khi tìm hiểu đã liệt kê hàng chục ngôi nhà, lô đất ở trong và ngoài địa bàn tỉnh Hải Dương của mẹ con bà trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương. Sau khi đọc được các thông tin nói trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Một giáo viên bỏ nghề như bà Hương, thử hỏi bà bói ở đâu ra nhiều tiền để sở hữu hàng chục lô đất và ngôi nhà như thế? Phải chăng, nguồn cội của số tài sản bất minh ấy là hành nghề tín dụng đen cướp đoạt một cách tàn bạo các con nợ lại được sự tiếp tay của một số quan chức thái hóa, biến chất.

Thưa bạn đọc, sở hữu một khối tài sản “khủng” trị giá hàng trăm tỷ đồng là vậy; thế nhưng lòng tham vô đáy của bà trùm này vẫn chưa muốn dừng lại. Công bố tài liệu dưới đây, không biết thiên hạ “nực cười” hay “căm phẫn” ? Câu trả lời xin nhường quyền cho bạn đọc, cho các tầng lớp nhân dân ở tỉnh Hải Dương.

Chả là cách nay đã 8 năm, ngày 15-9-2006, với ý đồ hót trọn lô đất 2397 mét vuông đất 03 ở khu 10 phường Bình Hàn, TP. Hải Dương và phù phép nó thành đất ở; bà trùm tín dụng đen Phạm Thị Hương đã có “ Đơn đề nghị” gửi UBND TP. Hải Dương và UBND phường Bình Hàn. Tại lá đơn này, bà Hương viết:

“Tên tôi là Phạm Thị Hương, sinh năm 1958, trú tại: 12 Bắc Sơn, phường Quang Trung, TP. Hải Dương. Tôi làm đơn đề nghị một việc như sau:

Tôi có mảnh đất tại khu 10, Phường Bình Hàn, TP. Hải Dương đã được UBND TP. Hải Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 47 ngày 24-5-2004 mục đích sử dụng trồng cây lâu năm.

Về nguồn gốc nhận chuyển nhượng, trước kia khu đất này là ruộng trũng rất khó khăn cho việc trồng cấy nên tôi đã cố gắng tôn tạo thành đất ở, nay do nhu cầu tôi chưa có đất ở; các con tôi đã đến tuổi trưởng thành nên rất chật trội và khó khăn cho việc sinh hoạt. Vậy tôi làm đơn này đề nghị các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện cho phép tôi được chuyển mục đích khu đất này thành đất ở.”

Nực cười nối tiếp nực cười: Lá đơn đề nghị của bà Hương được chuyển đến UBND phường Sở Tại. Không rõ ông Chủ tịch UBND phường có cho người xác minh, thẩm tra hay không mà cứ viết xác nhận với dòng chữ: “Xác nhận gia đình bà Phạm Thị Hương có mảnh đất như đã trình bày trên là thực. Gia đình đã tôn tạo xây tường bao trồng cây. Kính đề nghị các cơ quan xét giải quyết”.

Đây chính là điều kiện đầu tiên để bà trùm tín dụng đen này tiếp tục phù phép để hốt trọn lô đất vàng nói trên. Để bạn đọc có cái nhìn xác thực, tại số báo này, chúng tôi xin chuyển đến bạn đọc hình ảnh của hai tòa nhà 5 tầng được xây dựng theo kiến trúc hiện đại của gia đình bà Hương. Một tòa gia đình bà đang ở tại 12 Bắc Sơn; một tòa đang cho thuê ở đường Lương Thế Vinh, TP. Hải Hương. Đây chỉ là 2 trong số hàng chục căn nhà và lô đất mà bà trùm tín dụng đen này đang sở hữu.

Thế mà bà lại kêu: “Tôi chưa có đất ở, các con tôi đã trưởng thành nên rất chật trội và khó khăn cho việc sinh hoạt”.

Nực cười và căm phẫn có lẽ là vậy!


Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục