Tiếp tục phanh phui đường dây "ăn đất" ở TP. Hải Dương

(Kinhdoanhnet) - Câu chuyện về con gái ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ngay từ lúc 23 tuổi đã sở hữu 7 lô đất chưa kịp lắng thì trong những ngày về công tác ở TP. Hải Dương, nhóm PV Báo Kinh doanh & Pháp luật lại được những người dân nơi đây kể cho nghe một câu chuyện mà những người làm báo chúng tôi cho rằng; lại một chuyện lạ nữa ở miền đất xứ Đông.

Đó là một cụ già ở vào thời điểm “gần đất, xa trời” bỗng dưng được ký tên vào hồ sơ mua tới 5 lô đất biệt thự ở khu đô thị phía Đông và phía Tây thành phố Hải Dương. Cụ già mà chúng tôi đề cập đến là cụ Bùi Huy Sùng, sinh năm 1934, có hộ khẩu thường trú tại 45 Ngân Sơn, phường Trần Phú, TP. Hải Dương và là bố đẻ ông Bùi Đình Hoan, hiện đang là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương.

Người dân ở thành phố xứ Đông kể rằng cả đời cụ Bùi Huy Sùng từ lúc sinh thời cho đến khi cụ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-2010 không một ngày sống bằng nghề kinh doanh bất động sản. Từ một người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, những năm cuối đời, cụ Bùi Văn Sùng dành sự đam mê cho những món đồ cổ. Chuyện đó xem ra ở TP. Hải Dương, nhiều người đều biết. 

Cụ sống hiền lành và chất phát được nhiều người quý trọng. Vậy mà chỉ cách cái ngày cụ ra đi để về cõi vĩnh hằng chừng hơn 1 tháng, người ta thấy hiện diện chữ ký của cụ Bùi Huy Sùng ở các hồ sơ mua 5 lô đất biệt thự ở 2 khu đô thị tại TP. Hải Dương. Sau khi cụ Bùi Huy Sùng qua đời, ngày 24-3-2011, 5 lô đất biệt thự đứng tên cụ được chuyển giao và sang tên cho người con trai là ông Bùi Đình Hoan – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Tiếp tục phanh phui đường dây "ăn đất" ở TP. Hải Dương - Ảnh 1
Hai lô đất biệt thự 53.5 và 49.10 ở đường Phạm Công Bân mang tên cụ Bùi Huy Sùng

5 lô đất biệt thự mà cụ Bùi Huy Sùng đứng tên gồm: lô số 30.17 ở phố Đào Duy Anh, Khu đô thị phía Đông TP. Hải Dương, lô thứ 2 mang số: 123.05 tại khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long, khu đô thị phía Tây, TP. Hải Dương. Lô biệt thự thứ 3 mang số: 123.06 cũng tại khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long, khu đô thị phía Tây, TP. Hải Dương. Xin mở ngoặc nói thêm là tại khu đô thị này, như các số báo trước chúng tôi đã đề cập cô Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện đang công tác tại văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương, con gái ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đang sở hữu 2 lô đất biệt thự. 2 lô đất biệt thự còn lại mang tên cụ Sùng nằm tại đường Phạm Công Bân, TP. Hải Dương nơi mà cụ mua ngày 11-8-2010. 

Theo hồ sơ mà chúng tôi có trong tay thì cụ Sùng chỉ trong 1 ngày cụ ký vào bản hợp đồng mua liên tiếp 2 lô biệt thự. Một lô mang số: 53.5, diện tích 407,93 m2; còn lô kia mang số” 49.10 với diện tích: 300 m2. Rất tiếc và rất lạ là chữ ký của cụ trên hồ sơ mua đất còn chưa ráo mực thì hơn một tháng sau, cụ đã qua đời. Kể cũng oan cho cụ; cụ ký mà chưa hề nhìn thấy những lô đất đó nằm ở vị trí nào; hình hài của nó ra sao?

Điều kỳ lạ mà nhóm PV Báo Kinh doanh & Pháp luật muốn đề cập ở bài viết này là các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều mang tên cụ Bùi Huy Sùng, sinh năm 1934, giấy chứng minh thư số: 140028 do Công an Hải Dương cấp ngày 6-4-1978, hộ khẩu thường trú tại 45 Ngân Sơn, Trần Phú, TP. Hải Dương. 

Các thông tin khác, liên quan đến việc chuyển nhượng đất đều ghi rất cụ thể, song lại có những chi tiết đáng ngờ mà ai đó đã làm rồi đưa cho cụ ký để hợp thức hóa và san lấp những hành vị khuất tất của họ. Cụ thể là tại bản hợp đồng chuyển nhượng đất đề ngày 11-8-2010 thì bên chuyển nhượng ghi tên cụ Bùi Huy Sùng; lô đất mang số: 49.10 trong bản đồ quy hoạch khu đô thị phía Đông, TP. Hải Dương; diện tích: 300m2; tổng số tiền thanh toán là 1,8 tỷ đồng. Song rất lạ là tại phiếu thanh toán đề ngày 7-8-2010, vẫn số tiền ấy, nhưng trong phần: Người nộp, người ta không thấy hiện diện chữ ký của cụ Bùi Huy Sùng.

Tương tự như thế, tại lô đất biệt thự số 123.6 diện tích 231m2; tại khu đô thị mới phía Tây, TP. Hải Dương, tại bản hợp đồng chuyển nhượng đất, đứng tên bên nhận chuyển nhượng là cụ Bùi Huy Sùng, song lại không thấy sự hiện diện chữ ký của cụ trong phiếu thanh toán tiền. Duy nhất chỉ có lô đất biệt thự mang số 53.05, diện tích 407m2 tại khu đô thị phía Đông, TP. Hải Dương mà cụ Bùi Huy Sùng đứng tên trong bản hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất, người ta mới thấy có chữ ký của cụ Sùng tại tờ phiếu thu số 01976, ngày 11-8-2010; song trên tờ hóa đơn Giá trị gia tăng đề ngày 15-9-2010 lại không thấy chữ ký của cụ trong phần Người mua hàng.

Cũng tại đường Phạm Công Bân ở TP. Hải Dương nơi mà gia đình ông Bùi Đình Hoan, con trai cụ Sùng có ngôi nhà đang ở, chúng tôi còn được biết: ông Bùi Đình Hoan còn đứng tên một lô đất biệt thự khác mang số: 51.09. Theo đơn giá chuyển nhượng thì lô đất này có giá 2.200.000 đồng/m2. 

Để mua được lô đất này, ông Hoan phải trả theo phiếu thu có chữ ký của ông là 600.000.000 đồng. Có thể nói, đó là một giá cực kỳ ưu đãi mà có lẽ chỉ những người như ông Bùi Đình Hoan mới có được. Người dân nơi đây nói rằng thời điểm “sốt đất, giá 1m2 đất ở tuyến đường này, bán trao tay cũng lên tới từ 15 đến 20 triệu đồng/1m2. 

Như vậy, ngoài căn nhà ở 45 đường Ngân Sơn, phường Trần Phú mà gia đình ông Hoan đã cho thuê để người ta bán kính, tại tuyến đường Phạm Công Bân, TP. Hải Dương, ông Bùi Đình Hoan còn sở hữu một căn biệt thự và 2 lô đất biệt thự do bố ông là cụ Bùi Huy Sùng để lại. Chưa hết, như phần trên chúng tôi đã đề cập, khi cụ Sùng qua đời, ông Hoan còn được thừa kế 3 lô đất biệt thự ở 2 khu đô thị phía Đông và phía Tây thành phố. Đây là những lô đất mà cụ Bùi Huy Sùng mua trước ngày cụ qua đời chỉ vẻn vẹn trong một thời gian rất ngắn ngủi.

Một số người dân ở TP. Hải Dương còn nói: Ngoài việc sở hữu nhà và các lô đất nói trên, gia đình ông Hoan nghe nói còn có cả nhà ở Hà Nội. Chuyện cụ Bùi Huy Sùng mua đất, sau khi cụ qua đời, con trai (ông Bùi Đình Hoan) được thừa kế xem ra chuyện đó là bình thường. Song điều mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là không rõ tại các bản kê khai tài sản hàng năm, ông Bùi Đình Hoan có đưa các khối tài sản lớn ấy vào kê khai tài sản hay không?

Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản đã nêu rõ: kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị cũng khẳng định: Xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân chậm tổ chức kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm… Còn trong Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhậ đã chỉ rõ nhóm đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có những người giữ chức vụ hoặc hưởng phụ cấp chức vụ tương đương từ Phó trưởng phòng của UBND huyện trở lên…

Như vậy, theo các văn bản này, lẽ đương nhiên ông Bùi Đình Hoan phải có trách nhiệm kê khai các tài sản nói trên. Còn việc ông có kê khai hay không, nội dung kê khai ra sao, rất mong các cơ quan có trách nhiệm ở tỉnh Hải Dương làm rõ. Cùng với điều đó, dư luận ở Hải Dương cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm làm sáng tỏ vì sao cụ Bùi Huy Sùng (bố đẻ của ông Bùi Đình Hoan) gần đến ngày ra đi về với tổ tiên, một người không kinh doanh bất động sản và chỉ có thú vui chơi đồ cổ, vậy mà ai đó đã đưa cụ vào ma trận trong đường dây “ăn đất” ở TP. Hải Dương?

Nhất là khi như nhiều người dân ở TP. Hải Dương nói! Bà Phạm Thị Hương - Trùm tín dụng đen lại có quan hệ khá thân thiết với ông Bùi Đình Hoan!

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục