Người dân 2 tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình đảo lộn cuộc sống vì 1 nhà máy

Một nhà máy đốt lốp trên địa bàn khiến người dân thường xuyên phải sống chung, hít thở khí thải nghi độc hại từ nhà máy. Chính quyền cũng như doanh nghiệp thì khẳng định khí thải này không hề ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Sống trong lo lắng

Xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình giáp với xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình chưa đầy bước chân, bởi nơi giáp danh giữa hai tỉnh không bị ngăn sông, cách núi. Vì thế, bao đời nay người dân nơi đây sống với nhau chan hòa như không hề có sự chia cách bởi địa giới hành chính. Họ cùng sống bên dòng sông Bôi hiền hòa, uống chung một dòng nước. Và cũng vì lẽ đó mà giờ họ lại cùng thở chung một bầu không khí “khét lẹt”, cuộc sống bị đảo lộn bởi một nhà máy đốt lốp đóng trên địa bàn.

Giữa cái nắng oi bức, con đường liên tỉnh bụi mù vì nhiều xe tải liên tục hành quân qua đây. Trong nhà nóng bức, người dân thôn Mạnh Tiến (xã Yên Bồng) đổ ra ven đường hóng mát. Biết chúng tôi đến tìm hiểu tình cảnh đang phải sống chung với khí thải từ trong núi bay ra, nhiều người được dịp xả nỗi bức xúc.

1
Cuộc sống của người dân xã Yên Bồng (Hòa Bình) và Xích Thổ (Ninh Bình) thời gian qua bị đảo lộn, luôn lo lắng khi ngửi phải mùi khí do công ty đốt lốp trong núi bay ra.

Bởi bao bức xúc của người dân trong thôn về vấn đề này lâu nay không biết tỏ cùng ai. Nhiều lần kêu đến các cấp có thẩm quyền, xong không được giải quyết, lâu lâu mọi việc “đâu lại vào đấy” bởi nhà máy đốt lốp đóng trên địa bàn tỉnh khác. Giờ được cởi lòng, họ như mở cờ trong bụng, dãi bày hết cùng phóng viên.

Bà Nguyễn Thị Hiền (70 tuổi) than thở: “Người dân chúng tôi thường ngày phải sống chung với mùi khí khét lẹt từ trong núi bay ra, giờ bệnh tật tích tụ đầy trong người. Trước kia tôi có bị đau đầu, tức ngực đâu, giờ lúc nào người cũng lâng lâng, mỗi khi ngửi phải mùi khí đó bụng còn bị chướng lên nữa. Sống nay, chết mai, chỉ khổ mấy đứa trẻ trong làng, cứ sống thế này thì tồn tại được mấy”.

Anh Võ Văn Thống bức xúc: “Nhà máy đốt lốp đóng ở xã Xích Thổ nhưng người dân Yên Bồng chúng tôi lại được “hưởng lợi”. Hôm nào công ty mà bơm dầu xuống tàu thì hôm đó chúng tôi có làm gì thì cũng phải bịt khẩu trang mới chịu được. Mùi khí ấy rất khó chịu, ngửi vào người là thấy nôn nao”.

“Ban đêm ngủ, mùa hè nhưng nhà nào ở đây cũng phải đóng cửa kín mít vì mở ra là nồng nặc mùi khét. Giờ sống ở đây, biết là hít khí hại thường ngày nhưng chẳng còn cách nào khác. Chưa có ai phát bệnh chết người, nhưng triệu chứng ốm đau thì đầy ra đó, cũng hoang mang lắm”, anh Võ Văn Quý (47 tuổi) ngao ngán thở dài.

2
Bà Hoàng Thị Tâm chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Bà Hoàng Thị Tâm (66 tuổi) mẹ chị Diệu tiếp lời: “Tôi là nạn nhân đi làm đồng ngửi phải mùi khí độc lăn đùng ra ngã, con cái phải vào đưa đi bệnh viện đây chứ ai nữa. Giờ cái tay phải bị tê liệt, cơ thể suy nhược có được khỏe mạnh như trước nữa đâu. Đi làm đồng là thế, về nhà cũng có tránh khỏi mùi ấy đâu”.

Mùi ở mức cho phép?

Trước những lo lắng của người dân, PV Dân trí đã tìm đến trụ sở công ty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long (công ty Hạ Long), có nhà máy đốt lốp để tìm hiểu rõ sự việc. Tại đây, ông Đặng Văn Bách, người phụ trách an ninh công ty sau khi kiểm tra giấy tờ của phóng viên, cho biết giám đốc công ty (ông Đinh Thanh Lam) đang đi chữa bệnh nên chưa thể gặp.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết, công ty Hạ Long về xã năm 2013, đến năm 2015 mới đi vào hoạt động nhà máy đốt lốp. Về việc khí từ nhà máy đốt lốp của công ty Hạ Long có gây ô nhiễm hay không xã không dám khẳng định.

“Xã chưa nhận được đơn thư phản ánh về vấn đề này (khí thải của công ty Hạ Long gây ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống người dân – PV). Khi nghe qua ý kiến người dân chúng tôi đã cho các ban ngành về lắng nghe, ghi nhận người dân phản ánh có mùi (khí đốt lốp) nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã về kiểm tra, đánh giá, mùi ở mức cho phép”, ông Vương nói.

Vị Chủ tịch xã cho biết thêm: “Chính quyền địa phương cũng thường xuyên trao đổi ý kiến của bà con với công ty. Phía công ty cũng biết có mùi vì không thể tránh khỏi, nhưng không phải khi nào cũng có, chỉ khi xả dầu từ nhà máy xuống tàu hoặc xả than mới có và đang tìm cách khắc phục. Làm sao cho hết mùi thì xã chịu”.

3
Ông Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình cho biết, xã có nghe người dân phản ánh có mùi và đã trao đổi lại với công ty đốt lốp.

Được biết, nhà máy của Cty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long vận hành các lò đốt lốp ô tô phế thải được xây dựng bên trong núi, cách biệt khu dân cư. Để đến được nhà máy này phải đi qua phà chiếc phà độc quyền sở hữu của công ty Hạ Long. Việc qua sông vào nhà máy được kiểm soát rất nghiêm ngặt, chỉ có người của công ty mới được vào.

Theo quan sát của PV, công ty Hạ Long đã bạt núi đi vào thung lũng để xây dựng nhà máy đốt lốp. Công ty này còn chuyển cả miều thờ để làm con đường lớn chở lốp lên lò đốt và đường ống dẫn dầu xuống cảng. Những con tàu chở dầu (thành phẩn sau khi đốt lốp) sau khi được bơm đầy sẽ theo đường thủy chở vào nhà máy sản xuất kính trong KCN Chu Lai (Quảng Nam).

Từ khi hoạt động, nhà máy đốt lốp của công ty Hạ Long đã xảy ra nhiều sự cố. Tháng 4/2015, một công nhân trong nhà máy gặp tai nạn tử vong; gần đây một số công nhân bị bỏng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Theo Thái Bá/Dân trí

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục