Nam Định: Ai tiếp tay cho hành vi rút tiền từ tài khoản dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi?

(KDPL) - Báo Kinh doanh & Pháp luật số ra ngày 01/11/2017 đã đăng bài: “Cần làm rõ hành vi trích tiền từ Ngân sách nhà nước vào tài khoản tiền gửi” phản ánh những sai phạm của Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm của tỉnh Nam Định (BQLDA) đã sử dụng ngân sách, rút tiền từ tài khoản dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mình tiếp tục chuyển vào tài khoản tiền gửi khác; Rồi từ tài khoản tiền gửi khác của Kho bạc Nhà nước Nam Định (KBNN) thanh toán cho đơn vị thụ hưởng là Doanh nghiệp tư nhân đầu tư PT xây dựng Mỹ thuật Gia Linh (Ninh Bình) - Vậy ai đã tiếp tay cho hành vi này và con đường chuyển tiền “vòng vo” đó diễn ra như thế nào?

Ngày 03/11/2014, doanh nghiệp tư nhân đầu tư PTXD Mỹ thuật Gia Linh, Ninh Bình (DN Gia Linh) - Đơn vị được chỉ định thầu công trình Đình Đệ Tứ thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Thời Trần tỉnh Nam Định có công văn số 38/CV-DN đề nghị “BQLDA chuyển giá trị khối lượng hoàn thành 911.000.000 đồng vào tài khoản 3713.0.9071142.0000 tại KBNN Nam Định”. Ngày 04/11/2014, BQLDA có ngay công văn 75/CV-BQLDA gửi KBNN tỉnh Nam Định, nội dung công văn rất mâu thuẫn: “Ban QLDA đã thống nhất với nhà thầu chuyển giá trị khối lượng hoàn thành 911.400.000 đồng vào tài khoản 3713.0.9071142.00000 tại KBNN Nam Định”Thế nhưng lại “Đề nghị KBNN tỉnh Nam Định thanh toán từ tài khoản 3713.0.9071142.00000 tại KBNN Nam Định cho DN Gia Linh số tiền 600.000.000 đồng”. Trong khi đó, Giấy chuyển tiền số 01 lập ngày 07/11/2014 ghi rõ “Đơn vị trả tiền: KBNN tỉnh Nam Định; Tài khoản: 3713.0.9071142.00000”.  

Cho nên, dư luận muốn biết: Tại sao BQLDA không dùng tài khoản 8211 theo như Hợp đồng số 25/2100/HĐXD, mà lại chuyển “lòng vòng” qua tài khoản 3713.0.9071142.00000? Tại sao chuyển vào tài khoản 3713.0.9071142.00000 số tiền 911.400.000 đồng, nhưng khi làm Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (số 18 ngày 04/11/2014) thì chỉ có 600.000.000 đồng? 

Tại sao Giám đốc KBNN Nam Định - Vũ Văn Yên lại dựa trên chứng từ Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư do ông Vũ Khắc Đông - Phó trưởng ban QLDAXD các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định ký (ngày 04/11/2014), để rồi ngay lập tức ngày 05/11/2014, tại “Phần ghi của Kho bạc Nhà nước” ông Yên ký chấp nhận thanh toán cho 600.000.000 đồng trên tài khoản 3713.0.9071142.00000 do mình làm chủ tài khoản (Đây là chứng từ mệnh lệnh) - Thì thử hỏi KBNN Nam Định đã cung cấp dịch vụ gì cho Ban QLDAXD các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định mà nhận tiền từ tài khoản 8211 để chi đầu tư xây dựng cơ bản bằng dự toán? Và đây liệu có phải là hành vi Chi sai mục đích sử dụng ngân sách Nhà nước không? Tại sao là Giám đốc KBNN Nam Định - Vũ Văn Yên biết mà vẫn ký chứng từ mệnh lệnh chuyển vào tài khoản tiền gửi khác của KBNN Nam Định do chính ông làm chủ tài khoản?

Nam Định: Ai tiếp tay cho hành vi rút tiền từ tài khoản dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi? - Ảnh 1
Đây là “Chứng từ mệnh lệnh” mà Giám đốc KBNN Nam Định ký chấp nhận thanh toán.

Chúng ta đều biết Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Chi sai mục đích sử dụng ngân sách Nhà nước là dùng ngân sách Nhà nước chi cho những việc không đúng mục đích sử dụng ngân sách theo dự toán ngân sách được giao. Chi ngân sách Nhà nước sai mục đích (hay không đúng mục đích) là một trong những hành vi vi phạm Pháp luật về ngân sách. Khoản 1, Điều 46, Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định

Điều 46 - Hành vi vi phạm quy định về khoản chi ngân sách nhà nước phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lập hồ sơ, chứng từ gửi kho bạc nhà nước để chi các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước sai so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 54/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước:

1- Các hành vi vi phạm trong chi thường xuyên của ngân sách nhà nước bị xử phạt theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 46 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP bao gồm:

a) Chi vượt dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

b) Chi sai dự toán được cấp có thẩm quyền giao; chi sai nguồn dự toán (dùng nguồn kinh phí này chi cho nội dung thuộc nguồn kinh phí khác); chi sai mục đích, đối tượng, nội dung so với dự toán được giao;

c) Các trường hợp chi sai dự toán khác.

Ngoài việc bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng, cá nhân, tổ chức có hành vi chi ngân sách Nhà nước sai mục đích còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là buộc thu hồi đối với các khoản chi sai mục đích. Người có hành vi chi ngân sách Nhà nước sai mục đích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 281, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

Điều khiến dư luận quan tâm, ông Vũ Khắc Đông - Phó Ban QLDA không phải là chủ tài khoản 3713.0.9071142.00000; Tài khoản này cũng không phải là Tài khoản tiền gửi bảo hành” của Ban QLDA mà là Tài khoản tiền gửi khác” của KBNN Nam Định do ông Vũ Văn Yên làm chủ tài khoản. Vậy mà, ông Vũ Khắc Đông lại dám ký “Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư” chuyển tiền cho DN Gia Linh có tài khoản số 103.001 0004.7995 tại Ngân hàng CP GPBank - Ninh Bình. Ngạc nhiên hơn, KBNN Nam Định đã dựa trên chứng từ Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư lập ngày 04/11/2014 của BQLDA để chuyển tiền cho DN Gia Linh. Đây là một hành vi hết sức mờ ám của cả KBNN Nam Định lẫn Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định; Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng về quản lý kinh tế được quy định cụ thể trong Bộ Luật hình sự của: Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221).

Với những dẫn chứng nêu trên cho thấy những vi phạm của Ban QLDA chắc chắn phải có sự “giúp sức” của KBNN Nam Định thì mới có thể thực hiện được. Bởi Thứ nhất, KBNN Nam Định đã không kiểm soát tài khoản của đơn vị mình, tiếp tay cho một chủ tài khoản khác chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi khác của Kho bạc và ký duyệt chuyển tiền trên “chứng từ mệnh lệnh” thông qua “Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư”. Đây là một việc làm không thể chấp nhận được với một đơn vị KBNN - Nơi được giao nhiệm vụ gác cổng cho ngân sách Nhà nước, nơi mà Đảng, Nhà nước và nhân dân gửi gắm lòng tin vào công tác kiểm soát từng đồng vốn ngân sách của Nhà nước. 

Thứ hai, Giám đốc KBNN Nam Định với Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định thực hiện việc chuyển tiền bất hợp pháp nhằm mục đích gì, có phải lợi ích nhóm để tham ô? Tại sao là Giám đốc KBNN lại không biết Điều 14, Thông tư 61/2014/TT-BTC ngày 12/5/2014 của Bộ Tài chính: Nghiêm cấm các đơn vị sử dụng ngân sách rút tiền từ tài khoản dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mình? Vậy đây có phải dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố tình làm trái quy định của Nhà nước để qua mặt Pháp luật thông qua đơn vị quản lý, kiểm soát tiền của Ngân sách Nhà nước hay không? Để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, Ban Biên tập Báo một lần nữa đề nghị các cơ quan chức năng Bộ Tài chính, KBNN và các cơ quan Bảo vệ Pháp luật Bộ công an, Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo TW phòng chống tham nhũng cùng tỉnh Nam Định vào cuộc làm rõ vấn đề này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh những tồn tại trong thực hiện Hợp đồng giữa chủ đầu tư Ban QLDA xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định với Nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân Đầu tư PTXD mỹ thuật Gia Linh trong các số báo sau.

Nhóm PV Điều tra

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục