Năm 2015, sẽ không tăng lương cơ bản

(Kinhdoanhnet) - Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở.

Ngân sách năm 2015 sẽ ưu tiên chi cho quốc phòng an ninh để giữ vững chủ quyền và tăng chi trả nợ. Bởi vậy, ngân sách 2015 sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Năm 2014, nhu cầu chi trả nợ lớn do tăng vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nên dự toán bố trí trả nợ cao hơn năm 2013 là 15.000 tỷ đồng và phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển vẫn phải bố trí thấp hơn bội chi ngân sách nhà nước. Năm 2015 và vài năm tới ngân sách còn nhiều khó khăn, chi trả nợ, chi thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội tăng nhanh nên vẫn chưa thể bố trí chi đầu tư phát triển theo yêu cầu của Đảng và nghị quyết của Quốc hội”.

Năm 2015, sẽ không tăng lương cơ bản
Năm 2015, sẽ không tăng lương cơ bản

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phải hạn chế ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đi chi hội thảo, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước...

Do cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 như nêu trên nên chưa bố trí được ngân sách cải cách tiền lương, không có điều kiện điều chỉnh tiền lương cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích: “Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước, không đảm bảo như nghị quyết Quốc hội đề ra. Cải cách tiền lương không được thực hiện được như lộ trình, mục tiêu đã đề ra. Trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước”.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cơ cấu chi ngân sách hiện nay rất xấu khi đến 72% chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% là vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển.

Phải trở lại cơ cấu chi ngân sách 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư và 20% chi trả nợ, tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ngọc Bích (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục