Lạm phát 2016 có khả năng chạm 5%

(Kinhdoanhnet) - Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi và có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra.

Theo báo cáo của VEPR, kinh tế trong nước quý III phục hồi nhẹ so với nửa đầu năm. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực đến từ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo không đủ bù đắp suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Vì vậy, dù Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao và trong tháng 9 đã hạ mức tăng trưởng mục tiêu xuống 6,3%-6,5% nhưng VEPR vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng kinh tế 6% hoặc thấp hơn trong năm 2016.

Lạm phát 2016 có khả năng chạm 5% - Ảnh 1
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2016 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách công bố ngày 11-10 

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đánh giá: “Mức tăng trưởng 6% đã là một thành công, dù con số này không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP do Quốc hội đề ra”.

Theo Báo cáo, trong nước, tăng trưởng kinh tế quý III phục hồi nhờ những tín hiệu tích cực từ công nghiệp chế biến chế tạo, tình hình hoạt động doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi cả về lượng và giá trị...

Đáng lưu ý, trong quý III, lạm phát đã tăng dưới sức ép từ điều chỉnh giá một số dịch vụ cơ bản và lạm phát cuối năm hoàn toàn có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra. Lạm phát trong nước tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là điều không thể tránh khỏi khi giá dịch vụ y tế vừa được điều chỉnh tại 16 tỉnh thành trên cả nước trong quý III. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Giá dầu thô và một số mặt hàng năng lượng khác có thể tăng trong những tháng cuối năm sau khi khối các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Do vậy, đại diện VEPR vẫn giữ vững quan điểm cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý 4 và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.

Ông Thành cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017. Bên cạnh đó, nhà điều hành cần giảm lãi suất cho vay để tạo cú hích cho doanh nghiệp phát triển.

Mai Anh (TH theo Báo Hải quan, SGGP, Pháp luật TPHCM)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục