Đôi nét về phong tục lì xì đầu năm mới trong văn hoá người Việt

(Kinhdoanhnet) - Lì xì không chỉ là một phong tục dành cho ngày Tết mà nó còn mang tính giáo dục, kế thừa rất cao và cần được xem như một nghệ thuật sống đẹp của người Việt Nam để giáo dục cho con cháu chúng ta và các thế hệ sau này về một nghệ thuật cho, tặng, biếu, mừng tuổi, lì xì trong cuộc sống thường ngày.

Từ nhiều đời nay, lì xì là một trong những tục lệ tốt đẹp không thể thiếu của dân tộc Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về. Không ai biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi, lì xì ngày Tết đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới và là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc truyền thống của người Việt.

Bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn… Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ.

Tục mừng tuổi, lì xì đầu năm là nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa của lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc. Tùy theo mỗi nhà, số tiền mừng tuổi được chuẩn bị sẵn trong mỗi phong bao lì xì là khác nhau, có thể là tiền lẻ hoặc tiền chẵn. Và ý nghĩa cũng không nằm ở số tiền nhiều hay ít tiền mà tục lì xì tượng trưng cho tài lộc đầu năm.

Người Việt quan niệm rộng rãi trong làm ăn thì sẽ được nhiều phúc lộc, nên vào ngày đầu năm, người ta phát lì xì cho trẻ em để trong năm làm ăn, buôn bán có lãi. Cho đi hay nhận lại được càng nhiều bao lì xì thì càng tốt, vì đó là biểu hiện của “phát tài phát lộc”. Bởi thế, tục lì xì ngày Tết đã được gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay.

Người Việt không trực tiếp đưa tiền mừng tuổi cho nhau mà xếp tiền gọn gàng, kín đáo trong những phong bao lì xì đỏ thắm (màu sắc tượng trưng cho sự may mắn) và còn thơm mùi giấy mới. Việc làm này cũng thể hiện sự ý nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt khi không muốn người nhận được lì xì so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày Tết. Bởi theo niềm tin của người Việt cũng như người dân ở các nước châu Á, đầu năm như thế nào thì cả năm sẽ như vậy, nên họ sẽ làm tất cả mọi điều có thể để tránh xui xẻo và những gì không mong muốn.

Đôi nét về phong tục lì xì đầu năm mới trong văn hoá người Việt - Ảnh 1
Tục mừng tuổi, lì xì đầu năm là nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa của lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc. 

Nguồn gốc của phong tục lì xì đầu năm

Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao khiến các bậc cha mẹ phải thức để canh phòng.

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được một cậu con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên cậu bé.

Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.

Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm mới.

Ý nghĩa của phong tục lì xì 

Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà họ hàng để thăm hỏi và chúc Tết đồng thời lì xì khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, thường là tiền lẻ, có mệnh giá nhỏ còn gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, cho tài lộc. Nhiều người nhận được hay cho đi tin rằng càng nhiều bao lì xì càng phát tài phát lộc.

Tiền lì xì hay còn gọi là tiền mừng tuổi ý nghĩa chính không nằm ở số tiền mà quan trọng là lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, không đặt nặng vấn đề tiền nhiều hay ít.

Đôi nét về phong tục lì xì đầu năm mới trong văn hoá người Việt - Ảnh 2
Chiếc bao lì xì là chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn.

Lì xì là một tục lệ hay và đẹp trong những ngày Tết vì nó thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của chúng ta với thế hệ trẻ cũng như thể hiện sự phóng khoáng, rộng rãi của mình khi mở lòng ra chia sẻ những nguồn lợi của mình có được từ năm ngoái cho những người xung quanh. Chia cái lộc của mình cho mọi người đồng nghĩa là mình sẽ có thêm được nhiều lộc. 

Lì xì không chỉ là một phong tục dành cho ngày Tết mà nó còn mang tính giáo dục, kế thừa rất cao và cần được xem như một nghệ thuật sống đẹp của người Việt Nam để giáo dục cho con cháu chúng ta và các thế hệ sau này về một nghệ thuật cho, tặng, biếu, mừng tuổi, lì xì trong cuộc sống thường ngày và trong các ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.

Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.

Bí quyết cho việc lì xì ngày Tết thêm ý nghĩa

Lưu truyền đến ngày nay, tục lì xì đã thay đổi ít nhiều bởi thói quen của người lớn dẫn đến việc con trẻ thường coi trọng “nội dung” bao lì xì mà ít quan tâm đến những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, các bậc phụ huynh nên lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì và dạy trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, chứ không phải giá trị vật chất trong những bao lì xì.

Chiếc bao lì xì là chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Nó chứa rất nhiều thông điệp, nhắn nhủ của người lớn với trẻ em. Ai mừng tuổi mà không căn dặn, chúc tụng vài câu. Và tuổi thơ mỗi người đều lưu giữ ấn tượng rất đậm về chiếc phong bao nhỏ xinh ngày Tết này.

Minh Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục