Từ năm 2018, doanh nghiệp sẽ không tự in hóa đơn

Các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại sẽ dùng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền và định kỳ chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định Quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2015 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn.

Từ năm 2018, doanh nghiệp sẽ không tự in hóa đơn - Ảnh 1
Các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ sử dụng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền. Ảnh: Vingroup

Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại sẽ sử dụng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền và định kỳ chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định về hóa đơn (sửa đổi) quy định việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, hóa đơn giấy. 

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế các cấp và các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hóa đơn giấy. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc in, khởi tạo, phát hành, sử dụng hóa đơn, hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. 

Trên cơ sở các khái niệm tại Nghị định 51, 04 và nội dung áp dụng hóa đơn điện tử, dự thảo Nghị định quy định tách biệt giữa Hóa đơn giấy theo hình thức đặt in, tự in và Hóa đơn điện tử. 

Dự thảo Nghị định cũng cho biết theo kinh nghiệm các nước hiện nay thì vẫn tồn tại hóa đơn giấy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ, một số đơn vị cung cấp dịch vụ đặc thù (dịch vụ xem phim, dịch vụ vận chuyển hành khách…) nên thực tế sẽ vẫn tồn tại song song hai loại hình hóa đơn là hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy. 

Tuy nhiên để phát triển mở rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử thì cần hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn, vì vậy dự thảo Nghị định quy định từ năm 2018 các doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện đặt in hóa đơn, cơ quan thuế thực hiện đặt in hóa đơn để bán cho các doanh nghiệp mới thành lập, hộ, cá nhân kinh doanh. 

Việc bán hóa đơn cho doanh nghiệp mới thành lập thực hiện trong thời gian 6 tháng và trong thời gian này cơ quan thuế sẽ hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Đối với một số trường hợp không có nhu cầu mua hóa đơn quyển mà sử dụng ít thì đề xuất cơ quan thuế sẽ cấp lẻ hóa đơn do cơ quan thuế tự in để sử dụng. 

Riêng đối với các hàng hóa, dịch vụ đặc thù sử dụng tem, vé, thẻ là hóa đơn đặc thù có ghi mệnh giá thì các doanh nghiệp, tổ chức vẫn thực hiện đặt in tem, vé, thẻ để sử dụng như hiện hành. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn những trường hợp đặc thù phải sử dụng hóa đơn đặt in. 

Những hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 1/1/2018 thì được tiếp tục sử dụng trong năm 2018 và giao Bộ Tài chính có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. 

Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền và định kỳ chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế. 

Về nguyên tắc sử dụng hóa đơn Nghị định hướng dẫn Tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn theo quy định tại Nghị định. Khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung và đúng thực tế nghiệp vụ phát sinh; trường hợp lập hóa đơn giấy có nhiều liên khác nhau thì nội dung lập hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa đơn có cùng một số. 

Lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán phải lập hóa đơn - không phân biệt giá trị hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn (bỏ quy định về việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên 200.000 mới phải lập hóa đơn). Hóa đơn phải được lập theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn. 

Ngày lập hóa đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. 

Hóa đơn điện tử được lập xong sau khi người bán đã ký xác nhận giao dịch đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (không cần chữ ký điện tử người mua). 

Tại nội dung sử dụng hóa đơn của người mua hàng có quy định rõ hóa đơn điện có giá trị trong việc thực hiện các thủ tục về thuế, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường, để đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu, để kê khai thanh toán vốn ngân sách. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan sử dụng Hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp Hóa đơn giấy. 

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ: quy định hiệu lực thi hành của dự thảo từ ngày 1/1/2018 và thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2015 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn. 

Đồng thồi Bộ Tài chính đề xuất có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn in từ hệ thống máy tính chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định này từ ngày 1/1/2018. 

Những hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 1/1/2018 thì được tiếp tục sử dụng trong năm 2018, 2019 và giao Bộ Tài chính có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. 

Trước đó, tại báo cáo chung về việc thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP, Bộ tài chính cho biết hai Nghị định này đã thay đổi phương thức quản lý hóa đơn phù hợp với việc quản lý thuế tại thời điểm năm 2010, góp phần quản lý rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Cụ thể, sau một thời gian triển khai, Nghị định số 51 về hoá đơn đã chuyển đổi phương thức phát hành, quản lý hóa đơn của doanh nghiệp từ cơ chế “mua hóa đơn của cơ quan thuế” sang cơ chế “doanh nghiệp tự đặt in, tự in hóa đơn” để sử dụng và chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn (giấy) của cơ quan thuế bằng việc phân quyền cho Cục Thuế các địa phương được đặt in hóa đơn bán cho các tổ chức, cá nhân không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh. 

Các quy định tại Nghị định 51 đã bổ sung này đã hạn chế được một phần tình trạng hộ kinh doanh, doanh nghiệp đặt in, tự in hóa đơn để xuất hóa đơn khống, mua bán lòng vòng, sử dụng bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước, gian lận thương mại, ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Đặc biệt việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hoá đơn cho doanh nghiệp, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn. Việc thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã triển khai trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Hiện nay, đã có 315 doanh nghiệp đăng ký với cơ quan thuế phát hành hóa đơn mã xác thực của cơ quan thuế (trong đó Hà Nội có 201 doanh nghiệp; Thành phố Hồ Chí Minh có 114 doanh nghiệp, tính đến hết ngày 2/12/2016, tổng số hóa đơn đã phát hành và được xác thực là 2.449.548 hóa đơn, tổng tiền doanh thu đã xác thực là 18.934 tỷ đồng và tổng số thuế đã xác thực là 880,8 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, Nghị định 51 cũng đã bộc lộ những hạn chế như việc sử dụng hoá đơn giấy phổ biến (đặt in, tự in hoá đơn giấy, không có sự kết nối dữ liệu về hoá đơn với cơ quan thuế) nên một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp, hoặc mua lại doanh nghiệp, thực tế không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước, hoặc không kê khai nộp thuế để trốn thuế.

Theo Thuỳ Dương/TTXVN/BNEWS

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục