Từ 15/3, công ty tài chính phải công khai lãi suất cho vay tiêu dùng

(Kinhdoanhnet) - Từ ngày 15/3, công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất và thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất.

Đây là một trong những nội dung trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3. Thông tư mới ra đời nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, giúp thị trường minh bạch hơn.

Từ 15/3, công ty tài chính phải công khai lãi suất cho vay tiêu dùng - Ảnh 1
Từ 15/3, công ty tài chính phải công khai lãi suất cho vay tiêu dùng. Ảnh minh họa

Thực tế, nhu cầu vay tiêu dùng gia tăng, kéo theo sự ra đời và phát triển của các công ty tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng luôn là vấn đề được quan tâm, nhất là khi các công ty tài chính áp dụng mức cao. Quy chế cho vay tiêu dùng có hiệu lực từ năm 2000 và đã có nhiều bổ sung sửa đổi, song vẫn phân biệt đối xử giữa các thành phân kinh tế lẫn các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng… trong việc cung ứng vốn cho vay tiêu dùng.

Theo Thông tư 43, công ty tài chính thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay tiêu dùng sau:

1. Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, công ty tài chính và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

2. Cho vay theo hạn mức: Công ty tài chính xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, công ty tài chính thực hiện cho vay từng lần. Mỗi năm ít nhất một lần, công ty tài chính xem xét, xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

Trong Thông tư 43 của NHNN cũng quy định, hợp đồng về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phải bao gồm các nội dung thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh. Khách hàng cần được xem dự thảo hợp đồng trước khi ký và công ty tài chính có trách nhiệm giải thích chính xác, đầy đủ, các nội dung cụ thể trong hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng. Phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng để khách hàng biết trước khi ký hợp đồng.

Trong hợp đồng, các công ty tài chính phải nêu rõ lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận; đưa ra các nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn, phương pháp tính lãi tiền vay, loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay... Các biện pháp nhằm đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật và cả chế tài trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung như: tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của công ty tài chính; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của khách hàng; số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; mục đích sử dụng vốn vay; phương thức cho vay; thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn;...

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục