Trường hợp nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?

(Kinhdoanhnet) - Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức công bố dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Nội dung đầu tiên đưa ra là việc nhận diện các trường hợp yếu kém.

Theo dự thảo, tổ chức tín dụng yếu kém là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt vào kiểm soát đặc biệt. Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt? - Ảnh 1
Nhiều trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Ảnh minh họa

Và dự thảo đưa ra nhiều trường hợp, mà tổ chức tín dụng lâm vào một trong số đó thì Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Theo dự thảo, một tổ chức tín dụng bị coi là yếu kém và được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khi rơi vào các trường hợp như: mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; hay lãnh đạo cấp cao (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc...) vi phạm pháp luật...

Theo đó, tình huống lãnh đạo cấp cao vi phạm pháp luật, gặp rủi ro pháp lý thì tổ chức tín dụng đó có thể bị Ngân hàng Nhà nước xem xét để quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hay không.

Ngoài ra, nếu ngân hàng có số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục... cũng sẽ bị đưa vào danh sách kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề rủi ro pháp lý cá nhân trong hoạt động ngân hàng, dự thảo luật trên cũng đưa hẳn một điều về miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Cụ thể, dự thảo đưa ra hướng miễn trừ, khi tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện các phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Khi rơi vào tình trạng trên, ngân hàng yếu kém phải thuê kiểm toán độc lập để đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ. Căn cứ kết quả này Ban kiểm soát đặc biệt sẽ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định giá trị và mức vốn cần được bổ sung để bảo đảm giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định.

Nếu ngân hàng này không hoàn thành tăng vốn trong thời hạn đặt ra của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng, trình Chính phủ quyết định phương án mua bắt buộc với giá 0 đồng. 

Sau khi mua lại, phương án tái cơ cấu toàn diện sẽ được nhà chức trách tiến hành, gồm xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi và tiền vay của các tổ chức tín dụng khác.

Thu Trang (TH theo Vnexpress, Vneconomy)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục