Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì: Số tiền đền bù vẫn nằm trên… giấy

Ngày 19/6, thông tin với cơ quan báo chí, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết liên quan đến vụ việc trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ bị phát hiện nhiễm độc chì trước đó, đến nay nhà sản xuất vẫn chưa tiến hành đền bù cho người tiêu dùng.

Vì sao nhà sản xuất không thực hiện đền bù?

Ngày 19/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam xác nhận thông tin: Đến nay phía Cty TNHH URC Việt Nam chưa đền bù cho người tiêu dùng sau vụ nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì.

Theo ông Hùng thì quy định hiện nay là rất khó. Người tiêu dùng khi đi mua một hai chai nước để uống thì ai lấy hóa đơn bán lẻ. Đây cũng là một thói quen bất lợi cho người tiêu dùng Việt.

Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì: Số tiền đền bù vẫn nằm trên… giấy - Ảnh 1
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Ông Hùng cũng cung cấp thông tin rằng thời gian vừa qua không có buổi làm việc tiếp theo nào với nhà sản xuất trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì. Công tác đàm phán đền bù đang dừng lại vì các lý do khách quan. Vì từ đó đến thời điểm hiện tại URC Việt Nam chưa đền bù một đồng nào. Không có hóa đơn thì làm sao có thể chứng minh đã mua nước C2, Rồng đỏ để uống. “Nếu đòi hỏi phải có hóa đơn thì thực ra là đánh đố nhau rồi”- ông Hùng nói.

Trước đó, tháng 5/2016, cơ quan quản lý về y tế của Việt Nam phát hiện số lượng lớn nước giải khát trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của URC Việt Nam nhiễm độc chì. Điều khiến cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam lo lắng đến sức khỏe là các sản phẩm nhiễm độc chì của nhà sản xuất này đã được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Khi được phát hiện và bị xử phạt gần 6 tỉ đồng thì số sản phẩm nhiễm độc mà nhà sản xuất chỉ thu hồi được từ thị trường gần 1.200 thùng. Có khoảng gần 40.000 thùng C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã bán hết.

Số sản phẩm nhiễm độc chì được thu hồi chủ yếu là lô C2 được sản xuất vào tháng 2/2016, còn lô Rồng Đỏ sản xuất cuối năm 2015 gần như đã bán hết. URC cho biết tổng giá trị sản phẩm C2, Rồng Đỏ đã bán ra là gần 3,9 tỷ đồng và số này không thể thu hồi được. 2 lô sản phẩm bị thu hồi gồm trà xanh hương chanh C2 ngày sản xuất 4/2/2016 và hạn sử dụng 4/2/2017, (kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì: 0,085 mg/L); nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 10/8/2016 (kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì: 0,068 mg/L).

Vụ việc này thực sự đã gây rúng động, hoang mang trong cộng đồng người tiêu dùng và cũng đặt ra nhiều câu hỏi đối với cơ quan quản lý Nhà nước về ATVS thực phẩm.

Người tiêu dùng Việt đã có phần được an ủi trước thông tin về các buổi làm việc giữa Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã làm việc với đại diện URC Việt Nam về việc xem xét bồi thường, hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Thông tin được đưa ra vào tháng 9/2016 thì số tiền đàm phán bồi thường dự kiến là 3,9 tỉ đồng dựa trên giá trị số lượng C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì đã bán, không thể thu hồi. Nhưng sau những thông tin bồi thường rầm rộ này, người tiêu dùng Việt lại một lần nữa có cảm giác bị xúc phạm, xem thường khi đó mới chỉ là con số trên… giấy.

Trước đó, xác định đây là vụ việc hết sức phức tạp và ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông người tiêu dùng nên rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Vì thế Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đã mời các bên liên quan như: Đại diện của Cục kinh doanh Bộ Công thương, đại diện vụ Pháp chế của Bộ Tài chính, Văn phòng tư vấn khiếu nại của Trung ương Hội và Báo Người tiêu dùng... cùng làm việc. Đến nay vấn đề bồi thường đang tạm hoãn lại và người tiêu dùng Việt vẫn tiếp tục phải chờ đợi một thứ khó định hình.

Hậu quả khủng khiếp nhưng… khó đủ đường

Khi phân tích về các tác hại tàn phá cơ thể nếu một người bị vô tình nhiễm độc chì, các chuyên gia về y tế, hóa học đều có chung một nhận định là khủng khiếp, khó lường, phải kiểm tra chuyên sâu về y tế mới xác định được.

Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì: Số tiền đền bù vẫn nằm trên… giấy - Ảnh 2

Theo các chuyên gia thì chì là kim loại nặng, nếu sử dụng với hàm lượng nhiều có thể gây ra nhiễm độc mãn tính hoặc cấp tính tùy vào mức độ dung nạp dung lượng chì của mỗi người. Nếu hàm lượng chì ở mức 0,05mg/l, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc do chì được thải ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi. Khi vượt ngưỡng nhiều lần, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì rất khó thải loại, vào cơ thể chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… gây bệnh cho trẻ. Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh theo thời gian.

Về góc độ pháp lý trong câu chuyện đền bù, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi – Chủ nhiệm CLB phụ nữ với tiêu dùng đưa ra ý kiến rằng vấn đề lớn nhất, đáng quan tâm nhất là sức khỏe người tiêu dùng chứ không phải là tiền. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học phải làm rõ, lượng chì trong một chai nước là bao nhiêu? Nếu một người bình thường uống một chai đó nguy cơ ra sao, trẻ em uống có khả năng bị thế nào? Thể trạng người khỏe uống có sao không? Nếu người già, người đang ốm uống phải thì nguy cơ làm sao….

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Tú- Đoàn luật sư Hà Nội thì câu chuyện người tiêu dùng được nhận tiền đền bù của URC gần như là không thể (đặt trong giả thiết URC chấp nhận chi ra số tiền đền bù như trên). Bởi lẽ,  để nhận được đền bù trực tiếp của URC cần phải có sự phán quyết của tòa án. Khi đó việc người tiêu dùng chứng minh sức khỏe bị tổn hại do nhiễm độc chì có thể không khó bởi các kết quả xét nghiệm y tế. Tuy nhiên mấu chốt được coi là đánh đố người tiêu dùng nằm ở chỗ họ buộc phải chứng minh nguyên nhân khiến họ bị nhiễm độc chì là do dùng sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì, phải có hóa đơn mua bán hàng.

Gần như 100% người tiêu dùng mua các sản phẩm trên không phải trực tiếp từ nhà sản xuất mà họ mua từ các cửa hàng tạp hóa hoặc quán nước vỉa hè thì gần như không lấy hóa đơn bán hàng và ở hình thức bán hàng ấy lấy đâu ra hóa đơn bán hàng. Trong trường hợp nếu người tiêu dùng có hóa đơn chứng minh được việc họ có mua C2, Rồng đỏ nhiễm chì thì họ khó có thể chứng minh được là họ đã uống sản phẩm ấy vào bụng…

Theo Nguyễn Hương/ PL&XH

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục