Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin "nước mắm công nghiệp = nước + hóa chất"

(Kinhdoanhnet) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường và báo cáo trước ngày 22/10.

Trước đó, ngày 10/10 Báo Thanh niên đã có bài "Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp" phản ánh tình trạng nước mắm công nghiệp - sản phẩm sản xuất phần lớn bằng hóa chất, nước và muối đang chiếm tới 76% thị phần. Có mặt tại khắp ngang cùng ngõ hẻm, từ tiệm tạp hóa nhỏ lẻ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại… với hàng trăm nhãn hàng khác nhau.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin "nước mắm công nghiệp = nước + hóa chất" - Ảnh 1
Các loại nước mắm công nghiệp hiện tại lấn át hoàn toàn nước mắm truyền thống

Theo phân tích của các chuyên gia, công thức chế biến nước mắm công nghiệp hầu hết là: nhà sản xuất sử dụng nước mắm sản xuất truyền thống ở hạng thấp, sau đó pha chế với nước và muối. Chính việc pha chế này khiến màu sắc, mùi vị thay đổi buộc nhà sản xuất phải bổ sung các chất tạo màu, tạo mùi, đạm, chất điều vị (chất tạo ngọt, chất bảo quản), chất chống thối natripenzoat…vào trong sản phẩm nước mắm.

Cụ thể, Nam Ngư được coi như “đại diện” cho nước mắm công nghiệp ngon, giá rẻ, được chuyên gia thực phẩm khẳng định có đến 17 hóa chất ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm gồm: chất điều vị, chất bảo quản, hương cá hồi tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp, màu tự nhiên chiết xuất từ trái dành dành, chất điều chỉnh độ a xít, chất làm dày, màu tự nhiên… 

Đặc biệt, ở các loại nước mắm Nam Ngư và Chin Su thì thành phần chính chỉ là “tinh cốt cá” và “hương cá” nhưng không ghi rõ là bao nhiêu.

Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía nam của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nhận xét: “Việc một sản phẩm không để rõ hàm lượng bao nhiêu là cách đánh đố người tiêu dùng. Nếu chỉ ghi có “tinh cốt cá cơm” thì một giọt cũng coi như đã có rồi. 1 giọt tinh cốt cá cơm đó nếu có, nhỏ vào trong 1 lít nước mắm hay cả chục lít chẳng hạn, thì chất lượng “cá cơm” ở đâu? Việc một chai nước mắm mà phụ gia có đến 17 loại có thể ví như hành động đong nước hòa hóa chất để bán lấy tiền chứ sao gọi là nước mắm”.

Theo bác sĩ Ký, những phụ gia này tất nhiên được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Là hóa chất nhưng đã tạo vị ngon thật, nó tạo nên một gu, thói quen dùng nước mắm trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, một chai nước mắm 0,5 lít mà có đến 17 hóa chất là quá nhiều bởi đây là loại thực phẩm dùng hằng ngày.

Xu hướng thế giới đang trở về và khuyến khích thực phẩm organic, nên bất luận sản phẩm nào dùng quá nhiều hóa chất, đều cần cân nhắc. Có một lưu ý là chất màu tổng hợp HT155 mà một nhãn hàng nước mắm công nghiệp từng sử dụng và quảng cáo nhiều trên truyền hình trước đây thì tại nhiều quốc gia phát triển châu Âu và Mỹ cấm sử dụng trong thực phẩm từ lâu. Cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy, sử dụng chất này gây ung thư, song nhiều thông tin cho rằng nó có thể gây dị ứng với người bị hen suyễn, ảnh hưởng đến những người dị ứng với aspirin, thậm chí gây dị ứng da”, bác sĩ Ký nói.

Dung Nguyễn (Theo Thanh niên, Dân trí)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục