Đường phèn sản xuất cạnh bãi rác, trở thành hàng chất lượng cao khi vào siêu thị(?)

Không ít người dân tại xã Tân An Hội (Củ Chi, TP.HCM) bức xúc trước tình trạng sản phẩm một cơ sở sản xuất đường phèn chỉ cách bãi rác Phước Hiệp (còn gọi là bãi rác Tam Tân) hơn 1km được bày bán trong toàn bộ hệ thống siêu thị với nhãn hiệu... hàng Việt Nam chất lượng cao!?

“Lò đường” gần bãi rác

Theo phản ánh của người dân, ngày 9/8/2016 chúng tôi đã thâm nhập “cơ ngơi nấu đường” tại địa chỉ 444 Tỉnh lộ 8, ấp Tam Tân, xã Tân An Hội để tìm hiểu. Vừa rẽ từ Tỉnh lộ 8 vào đường Tam Tân (cạnh kênh Thầy Cai) chúng tôi đã ngửi thấy mùi xú uế. Một người dân cho biết, đây chính là mùi “phát ra” từ bãi rác Phước Hiệp, và do ở vị trí "đầu gió" nên “dân ai cũng ngửi, lâu ngày thành quen”! Cũng theo người dân, nơi đây mùi bãi rác Phước Hiệp còn “hòa quyện” với mùi kênh ô nhiễm và mùi khói sản xuất đường phèn tạo thành một thứ “hương” hỗn hợp, “khó quên”. Quả vậy, đi thêm khoảng 300 m nữa, chúng tôi thấy ngay ống khói của một cơ sở sản xuất đường và cảm nhận rất rõ mùi hăng hắc lan tỏa trong không gian.

Đường phèn sản xuất cạnh bãi rác, trở thành hàng chất lượng cao khi vào siêu thị(?) - Ảnh 1
Bãi rác Phước Hiệp

Trong vai một người mua đường cần nguồn hàng để bán sỉ chúng tôi được ông V, chủ cơ sở đường phèn mời vào bên trong để chào hàng. Nơi sản xuất của ông V chỉ là một căn nhà dạng nhà kho, mái lợp tôn, vách che chắn được dựng tạm trên một khu đất chừng 200 m2. Và, tại đây đường thành phẩm được chất trong những xô chậu “lộ thiên”, không che đậy cũng như rơi vãi đầy dưới nền đất cáu bẩn. Đưa mắt quan sát xung quanh, chúng tôi thấy mọi thứ đều đen quánh một màu, dạng như nhựa đường kết dính với bụi đất lâu ngày. Và, trong cái không gian mọi thứ toàn sắc đen ấy có khá nhiều thanh niên lưng trần, không mặc đồ bảo hộ lao động đang thoăn thoắt “tác nghiệp” (phân loại đường). Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất với chúng tôi lại là ruồi. Bởi, ruồi ở đây nhiều và “mến khách" đến độ chúng tôi phải lấy 2 tay xua liên tục, nhưng vẫn tỏ ra bất lực...

Đi sâu vào bên trong, nơi đặt lò hơi và dây chuyền sản xuất cũng vẫn là cái màu cáu bẩn của bụi, của than đốt lò (than đốt lò rải ngay trên lối đi). Nổi bật trên nền đen “chủ đạo” là một chảo nấu đường to tướng đang sôi sùng sục, thỉnh thoảng lại trào ra thứ nước đặc quánh, chảy thành dòng xuống đất (nơi có một chiếc xô đang hứng). Cách lò vài bước là những khối đường phèn thành phẩm, phần đã chất đầy bao, phần đang được công nhân đóng gói vào những bao bì bằng giấy, không ghi tên cơ sở cũng như địa chỉ sản xuất...

Đường phèn sản xuất cạnh bãi rác, trở thành hàng chất lượng cao khi vào siêu thị(?) - Ảnh 2
Mẫu đường phèn chào hàng của ông V

Bên trong như vậy, còn bên ngoài? Bao quanh “nhà máy” đường phèn là sình lầy của kênh Thầy Cai, ngày đêm “tỏa hương”, át cả mùi đường!

Sản phẩm “có đầy” trong siêu thị

Trò chuyện với chúng tôi, ông V cho hay, đường làm ra luôn bảo đảm chất lượng và "cháy hàng" vì có một công ty lớn đặt mua trọn gói. Tuy nhiên, “anh muốn mua bao nhiêu tấn cũng có, chỉ cần đặt trước là tôi đáp ứng”. Khi chúng tôi hỏi điều kiện sản xuất nơi đây liệu có bảo đảm an toàn vệ sinh thì vị này luôn lảng tránh và liên tục trấn an: "Anh không phải lo giấy tờ gì. Tôi lo đủ cả"! Trả lời câu hỏi “nước dùng để nấu đường phèn được lấy từ đâu”, ông V cho biết, nước được lấy sẵn “từ nguồn nước ngầm là chính”! Nghe vậy, chúng tôi không khỏi rùng mình, vì nơi đây rất gần với bãi rác khổng lồ Phước Hiệp nên nguồn nước bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.

Đường phèn sản xuất cạnh bãi rác, trở thành hàng chất lượng cao khi vào siêu thị(?) - Ảnh 3
Hóa đơn bán đường cho Công ty Xuân Hồng

Để minh chứng cho chất lượng, ông V khẳng định, cơ sở của ông là nguồn cung cấp đường phèn cho Công ty TNHH TM DV Xuân Hồng. Doanh nghiệp này thu mua toàn bộ sản phẩm của ông từ nhiều năm qua. Theo đó, mỗi tháng Xuân Hồng chỉ việc đến lấy đường đã đóng bao (12 kg) sơ sài mang về “xẻ nhỏ” thành những bao của riêng mình (chủ yếu là loại 1kg) rồi gắn nhãn Xuân Hồng để đưa đi tiêu thụ trong nhiều siêu thị tại TP.HCM. Đáng lưu ý, trên bao bì sản phẩm của doanh nghiệp này có gắn logo hàng Việt Nam chất lượng cao, “nên người mua chọn sản phẩm đường Xuân Hồng nhiều lắm”. Cũng theo ông V, thường mỗi tháng Công ty Xuân Hồng lấy khoảng 15-20 tấn về “đóng bao bì mới” và phân phối độc quyền. Tuy nhiên, cũng có khi họ lấy nhiều, lấy gấp khiến ông phải dốc lực sản xuất để kịp “tiến độ” giao hàng…

Đường phèn sản xuất cạnh bãi rác, trở thành hàng chất lượng cao khi vào siêu thị(?) - Ảnh 4
Đường phèn Xuân Hồng được bán trong các siêu thị

Trên đường về, chúng tôi ghé một số siêu thị tại TP.HCM và nhận thấy những gói đường hàng Việt Nam chất lượng cao của Xuân Hồng bày bán rất nhiều với giá 42.000 đồng/kg. Trong khi, theo ông V, Xuân Hồng chỉ mua của ông có 26.670 đồng (đã có VAT). Và như thế, chỉ sau công đoạn “thay áo” (đóng bao bì mới) rồi đưa vào siêu thị, doanh nghiệp này đã “ẵm” đến hơn 15.000 đồng/kg. Quả là một tỷ lệ “gia tăng giá trị” khiến nhiều doanh nhân Việt Nam mơ ước!

Sau một hồi thương thuyết, ông V quyết định ra giá bán cho chúng tôi với mức 23.500 đồng/kg đường phèn loại 2, 26.500 đồng/kg đường phèn loại 1 nếu không có hóa đơn (có hóa đơn giá sẽ cao hơn) và đưa ra 2 mẫu để chào hàng. Nếu đồng ý, khi sản xuất xong, đường không nhãn mác sẽ được vận chuyển đến tận nơi…

Theo Tuấn Anh/ Người tiêu dùng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục