Nối gót Alibaba, Tencent, Amazon tiến quân vào Việt Nam
Ngày 14/3, tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018), Amazon sẽ chính thức “trình làng” bằng việc chia sẻ chiến lược cụ thể phát triển mảng bán hàng của Amazon tại Việt Nam.
Cũng ngay trong tháng 3/2018, Amazon sẽ chính thức gia nhập thị trường Việt Nam và bước đi đầu tiên của họ là hướng tới các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu nhỏ và vừa. Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Việt Nam.
(Ảnh: iPrice - Công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tổng hợp)
“Chiến lược của Amazon gồm có 2 bước. Bước thứ nhất, họ muốn xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Bước thứ hai, họ muốn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Người tiêu dùng muốn mua hàng trên Amazon, trong khi Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại. Họ muốn hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trên Amazon”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM nói.
Cũng trong năm 2017, Amazon Web Services (công ty con của Amazon) đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ hạ tầng trên điện toán đám mây dựa trên nền tảng công nghệ phía sau do Amazon sở hữu.
Amazon đã dành gần hết năm 2017 để tấn công các thị trường mới. Họ đã mở rộng sang Trung Đông, thông qua thương vụ mua lại trang Souq.com, sau đó chuyển sang Australia và mới đây nhất là mua lại Whole Foods tại Mỹ với giá gần 14 tỷ USD. Hiện tại, điểm đến tiếp theo của Amazon là Đông Nam Á, khu vực có 600 triệu dân và bản thân 2 đối thủ lớn tới từ Trung Quốc (là Alibaba và Tencent) cũng đang dốc tiền bạc và nguồn lực để đầu tư.
Trước đó, tháng 4/2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để thâu tóm kênh mua sắm trực tuyến hàng đầu Lazada, hiện hoạt động tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Tháng 11/2017, tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba đã đến Việt Nam, mang theo hệ sinh thái của Alibaba “đánh sâu” vào thị trường Việt Nam. Ông Jack Ma đến Việt Nam mang theo AliPay, nền tảng thanh toán trực tuyến của Alibaba và chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas). Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Alibaba đang có những động thái xúc tiến việc mua lại Sendo.vn để thâu tóm thêm thị phần.
Trong khi đó, đại gia Tencent cũng gia tăng sự xâm nhập vào thị trường Việt Nam sau khi đưa trang thương mại điện tử Shopee thuộc Tencent chính thức gia nhập thị trường vào tháng 8/2016 bằng việc thông qua Sea (Garena đổi tên) mua lại 82% cổ phần Foody.vn với giá 64 triệu USD. Chưa hết, Tencent cũng “ghi dấu ấn” trong thương vụ đầu tư 44 triệu USD vào Tiki.vn trong năm 2017, thông qua công ty thành viên là JD.com (vốn là đối thủ của Alibaba trong thương mại điện tử).
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam, với hơn 93 triệu dân, được đánh giá sẽ đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào năm 2025, chắc chắn sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt của “tam đại gia” công nghệ trên, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về công nghệ, tài chính, quản trị.
Thị trường sẽ ra sao?
Đánh giá việc gia nhập thị trường Việt Nam của Amazon, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM nhận xét rằng, đây là một tín hiệu tốt cho thị trường. Theo ông, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có “chuyển biến rất tốt” từ cuối năm 2017 đến nay, với sự tham gia của nhiều đại gia công nghệ, tài chính.
“Sự tham gia của Amazon sẽ thúc đẩy thị trường phát triển. Các nhà cung cấp dịch vụ sẽ cạnh tranh để phát triển hệ sinh thái, giải pháp bán hàng, logistics… Trong khi đó, người dân sẽ mua được hàng với giá cạnh tranh hơn, thuận tiện hơn”, ông Trần Trọng Tuyến đánh giá.
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Tiki.vn, chính sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ thế giới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho DN thương mại điện tử trong nước. Tiki cũng phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada.
Thương mại điện tử Việt Nam giờ là sân chơi của các đại gia trong và ngoài nước. Theo mô hình C2C (khách hàng - khách hàng) hiện có Sen Đỏ, Shopee, Chợ Tốt, Én bạc, Vật Giá … Theo mô hình B2C (DN – khách hàng) hiện có Lazada, Tiki, A đây rồi, Lotte, Vuivui… Thương mại điện tử tiếp tục là cuộc chiến “đốt tiền tấn” của các đại gia, đặc biệt khi có sự tham gia của Amazon.
Để thu hút khách hàng, các trang thương mại điện tử sẽ tiếp tục cuộc đua khuyến mãi, giảm giá sản phẩm, miễn phí giao hàng… Với sự xuất hiện của Amazon, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 rất có thể sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Bà Mai Thị Lan Vân, Giám đốc marketing của Adayroi cho rằng, hiện tại, yếu tố đầu tiên để người Việt chọn thương mại điện tử là giá, tiếp theo là uy tín nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm. Nhưng đó là trước khi họ mua sản phẩm. Còn sau khi mua, để kéo họ quay lại thì uy tín nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, theo Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, khi thương mại điện tử phát triển, chiến lược về giá sẽ không còn bí mật, không còn là “con bài đinh” cho các DN. Khi đó, vấn đề của DN là phải ứng dụng được các công nghệ chuyên sâu vào thương mại điện tử. Từ thực tế đó, các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn sẽ phát triển mạnh và đóng vai trò cốt lõi thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ.
Hữu Tuấn/ Thoidai