Trân Châu Cảng – Bài học của lịch sử

(KDPL) - Đời làm báo, tôi có cơ may 3 lần được đặt chân đến tác nghiệp trên đất Mỹ. Một lần tháp tùng thủ tướng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vào mùa hè năm 2005. Chuyến đi ấy có thể coi là chuyến đi “phá băng” tạo lập mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau đó 4 năm, tôi lại có cơ hội được tháp tùng Chủ tịch nước tham dự khóa họp của Liên Hợp Quốc tại TP NewYork. Còn mùa hè năm nay, cùng với các đồng nghiệp chúng tôi được đặt chân đến quần đảo Hawaii – tiểu bang thứ 50 của nước Mỹ.

Mặc dù là một tiểu bang của Hoa Kỳ, nhưng nó chỉ là một chuỗi những hòn đảo nối tiếp nhau theo hướng Tây – Tây Bắc sang phía Đông – Đông Nam nối 2 lục địa trên biển Thái Bình Dương. Là một bang của nước Mỹ nhưng Hawaii chỉ có gần 1,5 triệu dân, song GDP tính theo đầu người đạt đến con số 67000 USD/người. Để đến được Hawaii phải mất 14 giờ ngồi trên máy bay và phải quá cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Đúng như những nhà kỹ trị và các tổ chức quốc tế đánh giá và bình chọn: Hawaii là thiên đường nghỉ dưỡng của du khách đến từ 4 phương với những bãi biển và đại dương xanh biếc, xứ sở của loài cây quyến rũ phủ xanh quần đảo, đường phố phong quang, xanh, sạch, đẹp và nụ cười thân thiện của người dân bản địa. Có lẽ vì thế mà 10 năm trở lại đây, Hawaii liên tục được các tổ chức du lịch uy tín quốc tế bình chọn là bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Đến Hawaii, chúng tôi được đến thăm một địa danh đã đi vào lịch sử thế giới. Địa danh ấy, sự kiện ấy cho đến nay vẫn còn lưu giữ trong ký ức của hàng triệu người không chỉ ở Mỹ mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đó là cuộc tập kích bất ngờ của quân đội Nhật Bản tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii. Sau hơn 70 năm giờ đây Trân Châu Cảng đã được người ta xây dựng thành một di tích, một bảo tàng tố cáo tội ác chiến tranh mà con người gây ra. Nhìn những hiện vật như chiếc máy bay của quân đội Nhật, quả ngư lôi, chiến hạm được trục vớt phơi mình trên biển, những tàu ngầm của quân đội Mỹ vv… Du khách đến đây đều có chung một cảm nhận về hậu quả khốc liệt của những cuộc chiến tranh quái gở và điêu tàn. May mà sau cuộc tập kích gây hậu quả nặng nề về người và tài sản ấy người ta đã sớm rút ra những bài học từ quá khứ để biến nơi đây thành một địa danh hấp dẫn thu hút du khách. Chiến tranh qua đi, Trân Châu Cảng giờ đây vẫn là một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương và một phần của nó đã trở thành chứng tích của lịch sử, điểm đến hấp dẫn của hàng triệu du khách trên hành tinh. 

Trân Châu Cảng – Bài học của lịch sử - Ảnh 1
Chiến hạm của Mỹ bị Nhật đánh chìm tại Trân Châu Cảng giờ trở thành bảo tàng phục vụ du khách đến tham quan.

Người ta tìm đến đây để được tận mắt nhìn thấy các chiến hạm bị đánh chìm, tìm hiểu lịch sử bi tráng của Trân Châu Cảng, tưởng niệm những người lính và dân thường bị thiệt mạng trong trận tập kết bất ngờ của quân đội Nhật Bản. Tại đây đã có những thiết giáp hạm và tàu tuần dương được hải quân Hoa Kỳ với những lỗ thủng được trục vớt và sửa chữa. Nhưng có những chiếc tàu như thiết giáp hạm Oklahoma dù được trục vớt thành công đã không bao giờ được sửa chữa. Tàu Arizona và tàu mục tiêu Utah vẫn nằm lại dưới đáy biển, nơi chúng đã bị đắm. Phía trên xác tàu Arizona ở vịnh nước cạn Trân Châu Cảng, người Mỹ cho xây dựng một đài tưởng niệm. Ngoài ra còn có tàu bảo tàng Missouri neo trên bờ đảo Ford, Bảo tàng hàng không Thái Bình Dương, khu công viên và bảo tàng tàu ngầm USS Bowfin, để khách tham quan và khám phá. Khu vực tưởng niệm tàu Oklahoma, tàu bảo tàng Missouri và bảo tàng hàng không Thái Bình Dương nằm trên đảo Ford, cứ khoảng 10 phút sẽ có một chuyến tàu đưa khách từ trung tâm du lịch Trân Châu Cảng tới. Missouri là thiết hạm nhanh cuối cùng mà Hoa Kỳ chế tạo và hoàn tất, trên boong tàu này vào ngày 2/9/1945 đã ký kết văn bản đầu hàng vô điều kiện của đế quốc Nhật, chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Thực tình ở Việt Nam, tôi đã xem những thước phim phản ánh về trận chiến Trân Châu Cảng diễn ra vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ nhanh chóng đưa ra quyết định tham chiến chiến tranh thế giới thứ 2. Sau cuộc đánh úp này của quân đội Nhật vào căn cứ quân sự Mỹ ở Trân Châu Cảng, ngày 7 tháng 12 năm 1941 Tổng thống Mỹ Roosevelt tuyên bố: “Đây là nỗi ô nhục của nước Mỹ”. Cũng phải thôi, bởi trận tập kích bất ngờ của quân đội Nhật vào căn cứ quân sự tại Trân Châu Cảng chỉ sau ít giờ đã đánh chìm 4 thiết hạm của Mỹ (2 chiếc sau này đã được trục vớt và đưa vào hoạt động trở lại) và gây hư hỏng nặng cho 4 thiết hạm khác. Với việc huy động 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản, quân đội Nhật Bản còn đánh chìm 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng nặng nề cho quân đội Mỹ. Cuộc tập kích ấy còn làm 2404 binh lính và thường dân trên quần đảo chết và 1282 người khác bị thương. Về phía Nhật Bản, trong cuộc tập kích này do dành thế chủ động, bí mật và bất ngờ nên thiệt hại rất ít với 29 máy bay bị bắn rơi, 65 người bị thiệt mạng. Cuộc tập kích bất ngờ ở Trân Châu Cảng có thể coi là nguồn cơn để Hoa Kỳ ném 2 quả bom nguyên tử ở 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki trên đất Nhật kéo theo hàng chục ngàn người chết và thương tàn. 

Trân Châu Cảng – Bài học của lịch sử - Ảnh 2
Tác giả và đồng nghiệp chụp kỷ niệm tại Trân Châu Cảng.

Tìm hiểu về nguồn cơn mà người Mỹ xây dựng một căn cứ quân sự lớn tại Trân Châu Cảng, từ những quan sát thực tế, tôi chợt nhận ra rằng, Trân Châu Cảng là nơi có điều kiện tự nhiên khá lý tưởng để bảo vệ các hạm đội chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Người ta nói rằng, việc bố phòng ở nơi đây hết sức cẩn mật với một hệ thống lưới thép đặc biệt chống ngư lôi và tàu ngầm. Tại căn cứ quân sự này, quân đội và hải quân Mỹ có thể triển khai các hoạt động của không lực oanh tạc các mục tiêu của đối phương ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng vượt lên tất cả là nơi đồn trú của lực lượng hải quân Mỹ, căn cứ chỉ huy hậu cần, bảo dưỡng các chiến hạm thuộc lực lượng hải quân Mỹ nhằm khống chế toàn bộ vùng Bắc Thái Bình Dương bởi hệ thống các tàu ngầm, tàu chiến và hàng không mẫu hạm. Với Mỹ, căn cứ quân sự khổng lồ tại Trân Châu Cảng còn là bàn đạp để Mỹ vươn tới lục địa châu Á. Còn với người Nhật thời bấy giờ coi Trân Châu Cảng là sự án ngữ những tham vọng của họ nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực châu Á, chia đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ, tạo thế cân bằng chiến lược mới ở một đại dương rộng nhất thế giới, tiến tới thực hiện học thuyết “Đại đông Á” của họ. 

Tuy nhiên, mục tiêu của quân đội Nhật thời điểm đó trước khi mở cuộc tập kích vào Trân Châu Cảng chỉ nhằm làm tê liệt hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong khoảng thời gian vừa đủ để họ có thể rảnh tay đánh chiếm các quần đảo ở Tây Thái Bình Dương, tạo vị thế của họ trên trường quốc tế. Do vậy ngay từ những ngày đầu năm 1941, kế hoạch mở cuộc tấn công vào căn cứ quân sự Mỹ tại Trân Châu Cảng được các chuyên gia quân sự Nhật Bản phác thảo. Tiếp sau đó là hàng loạt các công việc được giới quân đội Nhật Bản bí mật chuẩn bị cho cuộc tấn công. Mặc dù vậy, phải sát nút, kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng mới được Nhật Hoàng phê chuẩn.

Có thể nói cuộc tâp kích bất ngờ của quân đội Nhật Bản vào Trân Châu Cảng là một sự kiện lớn trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. 75 năm sau cuộc tấn công vào căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Trân Châu Cảng thuộc quần đảo Hawaii, lịch sử khép lại với nhiều bài học được đúc rút để mong sao loài người vơi đi những âu lo và hậu quả do chiến tranh để lại. Sau 75 năm, Thủ tướng Nhật Bản đã đến thăm Trân Châu Cảng và trở thành Thủ tương đương nhiệm đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Trân Châu Cảng. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Abe tới thành phố Hiroshima và cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến nơi từng bị Mỹ thả bom nguyên tử vào năm 1945, khép lại những trang sử đầy bi thương, tấn bi kịch của thời quá khứ.

Lưu Vinh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục