Nông thôn mới TP Hà Nội tiếp tục khởi sắc

(KDPL) - Thêm 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới (NTM) sau nhiều cố gắng và "thấp thỏm" chờ đợi; gần 40 xã đã được thẩm định đủ điều kiện được công nhận xã đạt chuẩn NTM, hơn 100 mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được hình thành... Điều đó cho thấy sự khởi sắc của NTM Thủ đô trong những năm qua, hứa hẹn nhiều thành công hơn nữa trong năm 2018.

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, ngày 26/4/2016, của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng ban. Trong 2 năm, 2016-2017, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình tại 16 huyện; ban hành 21 thông báo kết luận giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành. Cùng với đó, HĐND TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 02. Cụ thể, về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, trong 2 năm qua, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng, năm 2017 đạt trên 43 nghìn tỷ đồng, tăng 4,44% so với năm 2015. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao, như 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chuất lượng cao với diện tích trên 100ha; trên 100 vùng sản xuất rau an toàn với quy mô trên 20ha mỗi vùng; 50 vùng trồng hoa, cây cảnh; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể như bưởi tôm vàng Đan Phượng, Phật thủ Đắc Sở, Nhãn muộn Đại Thành… Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp Hà Nội có tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 19.190 tỷ đồng, tăng 2,35% so với cùng kỳ, trong đó, trồng trọt tăng 3,08%; chăn nuôi tăng 1,22%; thủy sản tăng 5.3%. Nét nổi bật là năng suất lúa vụ Xuân 2018 đạt 62,1 tạ/ha, cao nhất trong 7 năm trở đây.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của thành phố từng bước đưa các ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Toàn thành phố hiện có 123 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm đạt 25%, trong đó, lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%; chăn nuôi 33,5%; thủy sản 13%; duy trì 5.044 ha sản xuất rau an toàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tình hình chăn nuôi phát triển khá thuận lợi do những tháng đầu năm giá thịt lợn tăng, giá thịt gia cầm, thịt bò ổn định. Dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, không xảy ra các ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm.

Nông thôn mới TP Hà Nội tiếp tục khởi sắc - Ảnh 1
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống người trồng chè ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai (Hà Nội)

Về phát triển kinh tế tập thể, đến nay, Hà Nội có 1.021 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó có 977 HTX đang hoạt động. Các loại hình dịch vụ hiện nay của HTX chủ yếu là cung ứng giống vật tư, cơ giới hóa và phát triển sản xuất kinh doanh. Về phát triển kinh tế trang trại, toàn thành phố có 2.863 trang trại, trong đó có 1.969 trang trại chăn nuôi, 488 trang trại nuôi trồng thủy sản, 334 trang trại tổng hợp, 71 trang trại trồng trọt và 1 trang trại lâm nghiệp. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội được đẩy mạnh. Hiện nay, toàn Thành phố có 123 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt chiếm 18%, chăn nuôi chiếm 34% và thủy sản chiếm 13%. Trong đó, một số mô hình tiêu biểu như mô hình trồng hoa lan của HTX Đan Hoài – Flora Việt Nam, tại Đan Phượng; HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương (Chương Mỹ); Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản tại Mỹ Đức; sản xuất rau thủy canh của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, Gia Lâm…

Về kết quả xây dựng NTM, trong 2 năm 2016-2017, Thành phố có thêm 3 huyện và 93 xã đạt chuẩn NTM; nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM lên 4/18 và số xã đạt chuẩn NTM lên 294/386, chiếm 76,16%, tăng 49 xã so với kế hoạch. Trong 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí; 36 xã đạt và cơ bản đạt 10-14 tiêu chí. Quan trọng hơn, đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại khu vực huyện, thị xã đạt 83,53%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (đầu năm 2016) xuống còn 2,57% (cuối năm 2017).

Cũng trong hơn 2 năm qua, nguồn lực dành cho Chương trình 02 của Thành ủy đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng, ngân sách Thành phố trên 10,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách cấp huyện trên 11,6 nghìn tỷ đồng và nguồn vốn ngoài ngân sách trên 2,2 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2017, năm 2018 này, ngành nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tập trung đưa ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như Chương trình nông nghiệp công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, sản xuất chè, phát triển chăn nuôi, thủy sản,... Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2,0-2,5%. Về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Hà Nội phấn đấu có thêm 26 xã (tổng số 320 xã đạt chuẩn nông thôn mới); có thêm 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tổng số có 8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 80 trường; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 55%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,3%; Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 88%. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ danh hiệu Làng văn hóa đạt 60,5%.Hà Nội cũng đặt mục tiêu thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 41 triệu/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 62%; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới đạt 2,11%.

Nông thôn mới TP Hà Nội tiếp tục khởi sắc - Ảnh 2
Ông Lê Thiết Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin về kết quả giữa nhiệm kỳ Chương trình 02 của Thành ủy

Năm 2018, các sở ban ngành, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp Thủ đô từ 2 - 2,5% trong năm 2018.

Lê Tuấn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục