Gây thiệt hại 18.000 tỷ đồng, Cựu Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị đề nghị 4-5 năm tù

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) về trách nhiệm cá nhân trước việc có Tổ giám sát của NHNN và Trustbank bị giám sát đặc biệt nhưng vẫn bị thiệt hại 18.000 tỷ đồng, bị cáo Đặng Thanh Bình - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng mình không sai.

Sau hơn 2 ngày xét xử, trưa 27/6, phiên xét xử cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình và các đồng phạm đã bước sang phần tranh luận.

Trình bày quan điểm luận tội, đại diện VKS khẳng định, quyết định truy tố các bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là hoàn toàn có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Kết quả điều tra có đủ cơ sở để xác định bị cáo Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình Thủ tướng, nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, vẫn quyết định để ông Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội.

Gây thiệt hại 18.000 tỷ đồng, Cựu Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị đề nghị 4-5 năm tù - Ảnh 1
Cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Cường.
Bị cáo Bình cũng thừa nhận rằng tái cơ cấu Trustbank là chủ trương lớn, NHNN và bị cáo xem đó là nhiệm vụ chính trị, tuy nhiên việc tái cơ cấu này đã thất bại, dẫn đến thiệt hại và vụ án… “Là Đảng viên, bị cáo thừa nhận là đã không hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình”.

Không đồng tình với ông Bình về câu trả lời là ông không chịu trách nhiệm gì trong chuyện Trustbank bị thiệt hại, vị đại diện VKS truy hỏi bị cáo Bình là nếu bị cáo đúng thì sao chuyện tái cơ cấu Trustbank lại bị thiệt hại trên 18.000 tỷ đồng?

Bị cáo Bình nại rằng: “Ban chỉ đạo tái cơ cấu gồm nhiều thành viên, các thành viên được đưa ra ý kiến nhưng không được quyết định. Quyết định phải do Thống đốc NHNN. Trách nhiệm của tôi là giúp Thống đốc NHNN. Trước mỗi vấn đề quan trọng, các Phó Thống đốc đều phải xin ý kiến bằng văn bản, đối với việc tái cơ cấu các ngân hàng, do tính chất nghiêm trọng, vì vậy Phó Thống đốc phải xin ý kiến của Thống đốc rồi mới đưa ra tập thể họp và quyết định”.

Trước việc bị cáo Bình giữ ý kiến “mình luôn đúng, không sai”, công tố chỉ vào các bị cáo khác và hỏi ông Bình rằng có phải những người này sai? Ông Bình đáp: “Tôi không nói ai sai, nhưng những vi phạm của những cá nhân tại Trustbank, trong Tổ giám sát, tại Chi nhánh NHNN tỉnh Long An. Trách nhiệm cơ quan nào thì xử lý cơ quan đó vì quy định đã nói rõ Cơ quan Thanh tra giám sát phải phải giám sát thường xuyên, báo cáo định kỳ với Thống đốc NHNN, còn bị cáo chịu trách nhiệm chung.

Trong vụ án này bị cáo làm đầy đủ, làm và báo cáo những khó khăn xảy ra tại Trustbank với Thống đốc. Trustbank không thực hiện được tái cơ cấu có trách nhiệm chính trị của Ban lãnh đạo”, bị cáo Bình vẫn loanh quanh...

Gây thiệt hại 18.000 tỷ đồng, Cựu Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị đề nghị 4-5 năm tù - Ảnh 2
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Nguyễn Cường.
Hành vi của bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gâu hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ. Tuy nhiên, trong những ngày xét xử vừa qua, bị cáo Bình không thừa nhận hành vi phạm tội mà chỉ thừa nhận bản thân chưa làm tròn trách nhiệm chính trị.

Trong vụ án này, bị cáo Bình là người có trách nhiệm cao nhất, đáng lẽ sẽ bị truy tố khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Tuy nhiên, xét bị cáo có nhiều thành tích, được tặng bằng khen, huân chương, cha là cán bộ lão thành cách mạng...nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh thuộc Tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này.

Một số bị cáo luôn kêu oan vì cho rằng đã làm hết trách nhiệm. Khi phát hiện sai phạm của Phạm Công Danh, bị cáo cho rằng đã báo cáo cơ quan Thanh tra giám sát (TTGS), Chánh thanh tra, Thống đốc NHNN thông qua cơ quan TTGS. Mặc dù, bị cáo Phước nhận một phần trách nhiệm do không đeo bám, báo cáo quyết liệt. Tuy nhiên, VKS không đồng tình với cách báo cáo như cách trả lời của các bị cáo. Nếu làm đúng trách nhiệm thì các bị cáo phải yêu cầu VNCB ngừng ngay những hành vi vi phạm. Qua đó kiến nghị thu hồi thì hậu quả sẽ không xảy ra hoặc nếu có sẽ không nghiêm trọng như hiện tại.

Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo đã có báo cáo đến cấp trên để xử lý, các bị cáo đều là cán bộ kiêm nhiệm, kinh nghiệm chưa nhiều trong điều kiện Phạm Công Danh và đồng phạm luôn thực hiện hành vi gian dối, ảnh hưởng một phần đến kết quả giám sát của các bị cáo. Các bị cáo có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, được tặng nhiều bằng khen, có cha mẹ là người có công với cách mạng.

Do đó, VKS đã đề nghị 4-5 năm tù đối với bị cáo Đặng Thanh Bình; bị cáo Hà Tấn Phước 30-36 tháng tù; Lê Văn Thanh 3 năm - 3 năm 6 tháng tù; Ngô Văn Thanh 24-36 tháng tù; Phạm Thế Tuân 30-36 tháng tù.

Ngoài ra, VKS cũng kiến nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, lãnh đạo NHNN trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu VNCB.

Theo Thoidai

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục