Cần xử lý nghiêm hành vi làm ăn gian dối ở Bệnh viện Hoàng An (kỳ 5)

(KDPL)- Báo Kinh doanh & Pháp luật số 83 và 84 đăng bài: "Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hoàng An - Sai phạm nối tiếp sai phạm". Sau khi báo phát hành, tòa soạn tiếp tục nhận được sự chia sẻ của bạn đọc về vụ việc này. Báo Kinh doanh & Pháp luật xin được chuyển đến bạn đọc bài viết của Tiến sĩ, nhà nghiên cứu xã hội học Nguyễn Đình San.

Trên báo Kinh doanh & Pháp luật, tôi đọc được loạt bài nói về việc khám bệnh cực kỳ lạ đời của bệnh viện tư nhân Hoàng An ở TP Thái Bình. Có thể nói đó là một kiểu khám bệnh bậy bạ chỉ cốt thu được tiền của người đến khám. Bất cứ ai cần có giấy khám bệnh của bệnh viện để thi lấy bằng lái xe hoặc xin việc, đi học hay mọi việc khác mà thủ tục phải có giấy chứng nhận sức khỏe, bệnh viện này đều nhanh chóng đáp ứng với kết quả : Sức khỏe tốt – nghĩa là đáp ứng đúng yêu cầu của khách. Rất nhiều nội dung khám nhưng tổng cộng bệnh viện chỉ thực hiện vẻn vẹn trong chừng 10 phút cho một khách. Bác sỹ không hỏi han gì, lập tức ghi luôn kết quả vào giấy là tốt hoặc bình thường. Việc này phóng viên báo Kinh doanh & pháp luật chứng kiến tận mắt vì họ vào vai người đến khám bệnh. Sự việc như vậy là đã rành rành, rõ như ban ngày, không thể chối cãi. Và cũng không thể biện minh bởi bất cứ lý do gì. Chỉ có thể dùng mấy từ dễ hiểu và chính xác nhất là bệnh viện làm ăn bất chính, coi rẻ tính mạng con người, đặt việc kiếm tiền lên trên hết, bất chấp những quy định của pháp luật đối với việc khám và chữa bệnh.

 
Cần xử lý nghiêm hành vi làm ăn gian dối ở Bệnh viện Hoàng An (kỳ 5) - Ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Đình San
Đây không phải là lần đầu tiên có việc khám bệnh tắc trách, vô lương như trên. Cách đây mấy năm, bệnh viện tư nhân khác ở Hà Nội cũng như vậy và đã được phanh phui trên báo Kinh doanh & pháp luật. Rồi bệnh viện công lập ở quận Hà Đông (Hà Nội) thì bán giấy khám bệnh qua “cò”. Người cần có giấy chứng nhận sức khỏe chỉ giao dịch với “cò” mà không cần phải tiếp xúc với bác sỹ. Và giờ đây đến lượt bệnh viện Hoàng An ở Thái Bình tái diễn chuyện khám bênh có thể nói là “động trời” này. Vì sao có chuyện này? Vì sao trước đó đã có nơi làm bậy, bị nêu trên báo chí mà vẫn còn có bệnh viện tiếp theo dẫm vào vết chân bẩn của kẻ vi phạm trước? Phải chăng sự việc xấu bị đưa lên báo là một chuyện còn kẻ làm điều sai trái có bị pháp luật trừng trị hay không lại là việc khác? 

Tôi không có trách nhiệm theo dõi hai nơi là bệnh viện tư nhân Tràng An và bệnh viện Nhà nước Hà Đông ở Hà Nội sau đó có bị xử lý hay không, chịu tội ở mức nào, hình phạt ra sao, hành chính hay hình sự? Nhưng tôi có quyền suy đoán rằng các bệnh viện trên không bị trừng trị đến nơi đến chốn, chắc lại “giơ cao, đánh khẽ”, thậm chí là xuê xoa nên mới khiến các cơ sở y tế khác, nhất là khu vực tư nhân “nhờn”, coi thường.Và đến giờ, bệnh viện tư nhân Hoàng An ở Thái Bình lặp lại sai phạm của bệnh viện Tràng An ở Hà Nội trước đây là một hệ quả tất yếu, lô-gic. 

Con người ta có một tâm lý dễ hiểu: Khi cần làm việc gì thì sẽ tìm mọi cách để đạt bằng được, nhất là việc đó lại cấp thiết. Người ta cần có bằng lái xe để điều khiển phương tiện. Luật quy định phải có những yêu cầu nào đó về sức khỏe mới được cấp. Như vậy, đương nhiên những ai không đạt được sẽ không thể có bằng. Quy định thì chặt chẽ và vì tính mạng của người điều khiển phương tiện. Nhưng không thiếu người chỉ cần có bằng, bất chấp mình có đủ điều kiện hay không. Và như vậy, cách làm việc gian dối, biển lận của bệnh viện Hoàng An đã tiếp tay cho sự coi thường tính mạng mình của những người cố tình có lấy được tấm bằng lái xe. Thử hình dung, trong số đó có người bị bệnh tim, cao huyết áp hay nghiện ma túy mà cầm vô lăng phóng trên đường thì điều gì sẽ xảy ra? Thảo nào mà tai nạn giao thông vẫn không hề thuyên giảm theo thời gian. Liệu có đóng góp đáng kể của bệnh viện Hoàng An này không? 

Cần xử lý nghiêm hành vi làm ăn gian dối ở Bệnh viện Hoàng An (kỳ 5) - Ảnh 2
Bệnh viện Đa khoa Hoàng An - Thái Bình

Một chi tiết không thể không đáng để mọi người chú ý. Khi được phóng viên phản ảnh về tình trạng không khám mà vẫn “bán” giấy chứng nhận sức khỏe thì ông này chối đây đẩy là không có việc đó, rằng bệnh viện luôn tuân thủ mọi quy định về khám, chữa bệnh. Chỉ khi phóng viên đưa ra clip quay được thực trạng như đã nói thì ông ta mới thừa nhận và nói rằng chưa quán xuyến được hết nên còn để sai sót. Có nghĩa chỉ khi có tang chứng dành dành, không thể tiếp tục chối cãi, ông ta mới buộc phải thú nhận. Với thái độ và nhận thức như thế, làm sao có thể bảo đảm là nếu được “tha”, nếu vẫn còn làm thày thuốc chứ không nói là đứng đầu bệnh viện? Lại nữa, ông ta chủ động đưa 10 triệu đồng cho phóng viên báo KD&PL để mong sự việc ở bệnh viện Hoàng An được ém nhẹm. Khi phóng viên cho biết báo có quỹ từ thiện ủng hộ người nghèo thì ông ta mới chủ động ghi dòng chữ "Ủng hộ quỹ cơ quan". Tôi đồng tình với câu nói của ông Tổng biên tập tờ báo này là xin trả lại số tiền này vì quỹ từ thiện của báo chỉ chấp nhận đóng góp của những người thực sự có tâm, có đức, còn những đồng tiền “bẩn” thì không thể.. 

Cách đây 2 năm, tôi nhớ là bà Bộ trưởng Bộ Y tế tỏ ra rất quyết liệt trong việc thượng tôn y đức trong hệ thống các bệnh viện Nhà nước và siết chặt những quy định của ngành ở khu vực bệnh viện tư nhân. Hình như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết người rồi vứt xác cô Thanh Huyền xuống sông năm 2013 đã khiến những kẻ bất lương trong đội ngũ những người mặc áo blu trắng đã nhanh chóng lãng quên. Vụ khám bệnh kỳ khôi ở bệnh viện Hoàng An không gây chết người tức thì nhưng có thể sẽ gián tiếp gây nên những cái chết sau đó khi những người lái xe không đủ sức khỏe vẫn cầm vô-lăng. Bà Bộ trưởng sẽ nghĩ sao về điều này? Nhớ lại hồi vấn đề y đức luôn được nhắc đến cách đây 2 năm, tôi được một số bệnh viện mời đến tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Tôi có nói chuyện bệnh viện tư nhân Tràng An ở Hà Nội khi đó không khám mà vẫn đưa giấy chứng nhận sức khỏe tốt cho khách, các đồng chí có ý kiến thế nào thì có một bác sỹ đứng lên phát biểu trước mọi người như sau: “Tôi quá xấu hổ và thấy bị xúc phạm cho nghề của mình. Nếu tôi là vua ở thời xưa sẽ cho chém đầu kẻ đứng đầu bệnh viện này”. Câu nói của vị bác sỹ có vẻ mạnh mẽ nhưng chứng tỏ ngay cả đồng nghiệp cũng không thể chấp nhận cách làm ăn quá bất lương khi chỉ vì tiền mà coi thường tính mạng con người. Và vị đã cảm thấy bị xúc phạm. Tôi để ý thấy cả phòng học hôm đó đều chung sự phẫn nộ như vị. 

Thời buổi ngày nay khi con người ta có khuynh hướng nặng về tiền bạc, quá cần tiền bạc mà bỏ quên, xao nhãng những giá trị tinh thần, nhân văn thì xem ra nói chuyện ứng xử đối với những người thiếu lương tâm kiểu như những người mặc áo blu trắng ở bệnh viện Hoàng An (Thái Bình) có vẻ là chuyện xa xỉ. Nhưng thôi, với những người này, có lẽ chẳng nên đòi hỏi sự vui vẻ, lịch sự, chu đáo, tận tình với đối tượng mình phục vụ, càng chẳng thể đòi hỏi điều cao xa là phải “như mẹ hiền”. Chỉ cần ở họ làm đúng bổn phận, trách nhiệm, đúng luật pháp, không đi ngược lại mọi quy định đối với ngành y tế, đối với người thày thuốc. Thế thôi ! Chỉ vậy mà xem ra cũng khó. Không làm đúng luật, tạo nên nguy cơ báo hại con người thì phải bị trừng trị. Đơn giản như vậy thôi. 

Trong một cơ quan, tổ chức, bất cứ ai phạm tội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Việc không khám mà vẫn bán giấy chứng nhận sức khỏe ở bệnh viện Hoàng An đã diễn ra từ lâu. Người đứng đầu bệnh viện này không thể không biết. Cứ cho rằng đúng là ông ta không biết thực sự thì đó là sự tắc trách, bàng quan cực kỳ nghiêm trọng không thể chấp nhận đối với một người quản lý. Bản thân điều này cũng đã bị xử lý nghiêm; “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn biết mà nhắm mắt làm ngơ thì là tội đồng lõa với tội ác, tiếp tay cho tội ác. Sở dĩ phải gọi là tội ác chứ không chỉ là sai phạm bình thường vì vụ làm ăn thất đức này như tôi đã nói là rất có thể sẽ dẫn đến chết người do tai nạn giao thông từ sự bất cập về sức khỏe, về điều kiện cầm lái của người có được mảnh giấy xác nhận sức khỏe từ bệnh viện này.

Với những gì đã phân tích, tôi cho rằng rất cần thiết phải cho đóng cửa ngay bệnh viện này vì tội họ gây nên là cực kỳ nghiêm trọng. Không chỉ phạt rồi cho tồn tại dẫu khoản tiền phạt có đến bạc tỷ. Và người đứng đầu bệnh viện này cần phải bị xử lý hình sự bởi tội gây nên nguy cơ chết người. Và không phải chỉ gây nên cho số ít người mà là rất nhiều người. Đó là chưa nói đến những dấu hiệu "hối lộ" này tuy chưa thành do đối tượng nhận hối lộ từ chối. Với bản chất như vậy, nếu ông ta tiếp tục đứng đầu bệnh viện này hay một bệnh viện khác, thử hỏi hiểm họa sẽ khôn lường ra sao? Và còn cần phải nêu tấm gương cho các bệnh viện khác. Nước ta có rất nhiều luật nhưng chế tài xử phạt của các luật nhìn chung còn nhẹ so với các nước khác trên thế giới nên mức độ răn đe chưa cao, khiến kẻ sau không biết sợ để tránh phạm phải tội kẻ trước đã mắc. Mong rằng sự việc này cần xử lý nghiêm để dư luận có thể yên tâm, nhất là giữa lúc ngành y cả nước luôn có những vấn để khiến dân chưa thể an lòng./.

TS Nguyễn Đình San

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục