Cần cảnh giác với các thông tin mạo danh

Thời gian gần đây, cán bộ, phóng viên báo KD&PL rất bức xúc trước một số thông tin mạo danh hoặc nặc danh để nhắn tin, đưa lên MXH hoặc viết đơn “kiến nghị” liên quan trực tiếp đến cán bộ, PV của báo.

Tại các lá đơn mạo danh đó đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật mang tính vu cáo khiến dư luận hiểu lầm, gây phương hại đến thương hiệu tờ báo, nghi ngờ và sự đoàn kết trong nội bộ, tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức đi lại để xác minh làm rõ của các cơ quan báo chí.

Cần cảnh giác với các thông tin mạo danh - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Dưới đây là một số vụ việc điển hình:

Vụ thứ nhất: Cách nay ít ngày, tại máy điện thoại của Tổng biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được tin nhắn được gửi đi từ số điện thoại 012384494128 cho rằng: Một phóng viên của báo thời gian gần đây đã “nhiều lần đe dọa doanh nghiệp từ Cần Thơ đến Lâm Đồng, Thái Nguyên…”.

Sau khi nhận được tin nhắn trên, Tổng biên tập dựa theo số điện thoại vừa gửi tin nhắn để gọi lại, song rất tiếc, 3 lần gọi điện thoại đều không nhận được trả lời từ đầu dây bên kia. Cuối cùng, Tổng biên tập đành phải gửi lại lời nhắn: “Trước hết xin cám ơn bạn đã gửi cho tôi thông tin nói trên. Nếu đúng như điều bạn nêu, tòa soạn sẽ xử lý rất nghiêm. Rất mong bạn chuyển cho mình những tài liệu, chứng cứ”. Nhưng, người sở hữu số điện thoại kia không hồi âm.

Mặc dù vậy, sáng hôm sau đến tòa soạn, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, Tổng biên tập vẫn chỉ đạo rà soát lại công việc của phóng viên bị “tố cáo”. Kết quả rà soát cho hay, phóng viên này từ ngày về công tác tại báo, các chỉ tiêu thi đua hàng tháng đều đạt và vượt. Các bài viết của phóng viên này là những bài phản ánh, tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương này, địa danh kia. Ba năm trở lại đây, tòa soạn không hề nhận được bất cứ thông tin nào về dọa nạt doanh nghiệp.

Vụ thứ hai: Trước đó vào trung tuần tháng 8 năm 2018, Văn phòng đại diện của báo tại TP. Hồ Chí Minh nhận được đơn tố cáo Luật gia Đ.M.C., người được tòa soạn giao cho phụ trách chuyên mục: “Tư vấn pháp luật”. Người đứng đơn tố cáo mang tên là Thạch Văn Tý, ngụ tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Đơn tố cáo Luật gia Đ.M.C. liên quan đến việc “can thiệp” vào một vụ việc.

Sau khi nhận được thông tin của Văn phòng đại diện tại TP. HCM, Tổng biên tập đã cử ông Lê Hải – Trưởng Văn phòng đại diện cùng một cán bộ về tận địa danh mà người đứng tên trong đơn. Tại đây, làm việc với chính quyền và Trưởng Công an xã Long Điền Đông, Chủ tịch xã và Trưởng Công an xã đã rà soát lại toàn bộ nhân hộ khẩu ở địa phương thì phát hiện, toàn xã chỉ có một người mang tên Thạch Tí, chứ không có ai tên là Thạch Văn Tý.


Cần cảnh giác với các thông tin mạo danh - Ảnh 2
Bản tường trình của luật gia Đ.M.C. và biên bản kiểm tra, xác minh vụ việc của báo.

Để cụ thể hơn, theo đề nghị của đoàn cán bộ báo Kinh doanh và Pháp luật, Trưởng Công an xã đã cử một Công an viên và Trưởng ấp về tận nhà người có tên là Thạch Tí thì không thấy người này có nhà và đang đi làm ăn xa. Theo ông Trưởng ấp thì gia đình này thuộc diện hộ nghèo nhất xã. Còn người mẹ đẻ của Thạch Tí cho biết: “Con tôi thuộc diện mù chữ. Và từ trước đến nay chỉ đi làm thuê, không hề có tranh chấp với bất cứ ai, càng không có chuyện làm đơn và liên quan đến chuyện tiền bạc với Luật gia Đ.M.C.”.

Vụ thứ ba: Trước đó nữa, qua các ban ngành chức năng báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được đơn kiến nghị của một người mang tên: “Đại tá Nguyễn Văn Đức, trú tại phòng 15, nhà B6, tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đơn tố cáo được gửi đến các địa chỉ: Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng cục An ninh (Bộ Công an) phản ánh việc báo Kinh doanh và Pháp luật chuyên đăng các vụ án cướp, cướp giật, mại dâm… và một số vấn đề khác. Người viết đơn tố cáo đề nghị phải xử lý nghiêm báo Kinh doanh và Pháp luật.

Sau khi nhận được lá đơn kiến nghị nói trên. đích thân Tổng biên tập cùng 2 cán bộ ở tòa soạn đã chủ động tìm đến tòa nhà B6, tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đến căn hộ số 15 (tầng 1) của tòa nhà B6 thấy khóa cửa, bà con hàng xóm nói căn nhà này chỉ có 2 mẹ con quê ở Ninh Bình, chứ không có ai tên là Nguyễn Văn Đức và cả tòa nhà này cũng không có ai tên là Đại tá Nguyễn Văn Đức.

Tại lần xác minh ấy, rất may được bà con giúp đỡ, đoàn cán bộ của báo Kinh doanh và Pháp luật đã gặp được một bác cựu chiến binh hiện đang ở tại tòa nhà B6. Tiếp xúc với đoàn, người cựu chiến binh khẳng định rằng, Chi hội Cựu chiến binh phường Thanh Xuân Bắc và cả tòa nhà B6 này không hề có ai tên là Nguyễn Văn Đức. Đó chỉ là một lá đơn mạo danh.

Dựa theo kết quả xác minh với sự xác nhận của Tổ trưởng cựu chiến binh tòa nhà B6, Ban Biên tập đã có buổi làm việc với lãnh đạo có trách nhiệm ở Tổng cục An ninh (Bộ Công an) để phối hợp làm rõ đối tượng, viết lá đơn mạo danh nói trên.

Tại buổi làm việc, Ban Biên tập khẳng định: Báo Kinh doanh và Pháp luật thời gian qua chỉ tập trung chuyển tải các bài viết tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội , hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp và doanh nhân. Dung lượng các bài tích cực chiếm tới 70%. Hầu như không đề cập đến các vụ cướp, cướp giật, mại dâm như đơn kiến nghị trên đề cập.

Rồi gần đây nhất, trên mạng xã hội trưng lên một biên bản làm việc đề ngày 13/04/2018, giữa một bên là Công ty TNHH luật HP có trụ sở tại căn hộ 2414, tòa nhà VP6, khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của công ty luật này là Trương Tiến H và Bên B là Trương Thành K, sinh năm 1983, nơi ở, số chứng minh thư bị tẩy xóa khi đưa lên mạng.

Điều cần nói là nội dung của văn bản này chỉ là tờ giấy A4, không hề có dấu cơ quan, mặc dù Bên A là Công ty luật HP, sự việc không hề liên quan gì đến báo Kinh doanh và Pháp luật. Vậy mà họ dám cả gan đưa vào biên bản làm việc với nội dung “Bên B và Bên A đồng ý đưa sự việc của Bên B lên báo chí. Bên A đi gặp Tổng biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật lấy giấy giới thiệu cử ông Trương Tiến H phỏng vấn và thu thập tài liệu mà Bên B phản ánh…”

Rất may vụ việc đã được phát hiện. Không rõ hậu quả vụ việc này ra sao. Báo Kinh doanh và Pháp luật rất mong Đoàn luật sư và các cơ quan bảo vệ pháp luật TP Hà Nội sớm vào cuộc để làm rõ và xử lý nghiêm minh. Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị bạn đọc cần cảnh giác trước các thông tin mạo danh này.

Quang Minh/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục