Quay lưng với Nga, giới đầu tư hướng sang Mỹ và Trung Quốc

(Kinhdoanhnet) - Trong bối cảnh Mỹ và một loạt các nước phương Tây đang tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga thì giới đầu tư lại đang đặt nhiều hy vọng vào 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi các nước phương Tây đang và sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga làm suy giảm lòng tin các nhà đầu tư ở châu Âu, giới đầu tư đang hướng sang Mỹ và Trung Quốc - hai nhân tố mà họ hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế James Knightley thuộc ING cho hay tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc hiện có nhiều dấu hiệu đáng khích lệ.

Số liệu về tăng trưởng GDP và việc làm của Mỹ sắp được công bố sẽ giúp các thị trường đưa ra được những nhận định chính xác hơn về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Theo thăm dò của hãng tin Reuters, GDP của Mỹ tăng trưởng 3% trong quý kết thúc tháng Sáu.

Cùng với Mỹ,  kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiếp đà hồi phục tăng trưởng trong tháng 7 khi chính phủ nước này triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Một trong những dấu hiệu đáng mừng cho các nhà đầu tư vào nền kinh tế thứ hai thế giới này là kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,5% trong quý II/2014, mạnh hơn quý trước đó.

Việc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở gần biên giới giữa Nga và Ukraine đã khiến phương Tây “quyết tâm” trừng phạt “nặng tay” đối với Nga.

Hôm 27/7, báo Tấm gương của Đức cho biết Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào toàn bộ các ngành kinh tế của Nga.

Quay lưng với Nga, giới đầu tư hướng sang Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1
Vụ MH17 đã "châm ngòi" cho những biện pháp trừng phạt mới vào Nga

Hai hướng đang được EU thảo luận gồm cách tiếp cận của Nga đối với các thị trường tài chính châu Âu và việc trao đổi, buôn bán hàng hóa quân sự, các công nghệ then chốt, đặc biệt cho ngành năng lượng và hàng hóa lưỡng dụng có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận tại Đức, đa số người dân nước này được hỏi ủng hộ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, dù những biện pháp đó có ảnh hưởng tới thị trường việc làm ở Đức. Điều này cho thấy hầu hết người Đức đã không còn coi lợi ích kinh tế của đất nước, liên quan các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, là ưu tiên hàng đầu.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo các biện pháp trừng phạt gần đây nhằm vào Nga có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế và hoạt động đầu tư ở nước này cũng như đối với kinh tế châu Âu.

P.A (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục