Pepsico Việt Nam thờ ơ trước quyền lợi của người tiêu dùng

(Kinhdoanhnet) - Thời gian gần đây, ít nhất có 2 người tiêu dùng đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi mua phải sản phẩm đồ uống có dị vật, tuy nhiên đơn vị sản xuất ra các sản phẩm này vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Sau sự cố một khách hàng ở Tiền Giang bị bắt khi sử dụng chai nước có ruồi để đòi doanh nghiệp phải chi một số tiền đền bù lên tới nửa tỉ đồng, người tiêu dùng nói chung đã hiểu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Chính vì thế, khi phát hiện những sản phẩm có vấn đề về chất lượng, người tiêu dùng không thông báo trực tiếp tới nhà sản xuất mà lựa chọn thông tin cho báo chí và các cơ quan chức năng.

Điển hình thời gian qua, ông Võ Tấn Cọp (SN 1950, trú tại ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đã phát hiện trong một chai nước Sting dâu màu đỏ có dị vật hình con sâu bị đứt đôi thân. Đây là sản phẩm ông Cọp mua vào sáng ngày 24/3 khi cùng một số người bạn đi lên núi Bà Đen du lịch.

Pepsico Việt Nam thờ ơ trước quyền lợi của người tiêu dùng
Chai Sting có vật thể lạ

Khi đang chuẩn bị vặn nắp chai để uống thì ông Cọp phát hiện bên trong có vật gì đó nổi lên trên mặt nước. Quan sát thật kỹ, ông thấy dị vật giống một con sâu nhỏ, thân được tách thành hai phần nhưng lại liền phần đuôi. Thấy bất thường, ông Cọp không uống chai nước này nữa mà chọn phương án thông tin cho báo chí.

Pepsico Việt Nam thờ ơ trước quyền lợi của người tiêu dùng
Ông Võ Tấn Cọp

Làm việc với ông Cọp, các phóng viên trực tiếp quan sát chai nước Sting bằng mắt thường và nhận thấy đây là loại chai nước vỏ nhựa, dung tích 330ml, có ghi rõ ngày sản xuất là 28/1/2015 và hạn sử dụng đến ngày 28/7/2015. Toàn bộ phần vỏ của chai nước và phần nắp đậy không hề có dấu hiệu của việc bị tác động từ bên ngoài. Bản thân ông Cọp cũng khẳng định, từ lúc mua cho đến thời điểm làm việc với phóng viên chưa có bất kỳ ai tác động đến chai nước ngọt.

Quan sát phía bên trong chai nước Sting này, chúng tôi thấy một dị vật rất giống con sâu nhỏ, thân bị đứt làm 2 nhưng vẫn dính phần đuôi, đúng như ông Cọp phản ánh. Ông Cọp cho biết thêm: “Tui mua cả thể 3 chai nhưng 2 chai kia hết sức bình thường. Từ trước đến nay, tui không uống cà phê nên khi đi ngồi với bạn bè đều uống các loại nước ngọt. Tui cũng đã từng uống Sting nhưng chưa có lần nào phát hiện ra dị vật như lần này cả”.

Sau ông Cọp, ngày 1/4/2014 vừa qua, anh Nguyễn Quang Huy (SN 1980, ngụ phường 9, TP. Vĩnh Long), nhân viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi-Life, cũng cung cấp cho báo chí một chai Pepsi thủy tinh chưa mở nắp, bên trong có sợi dây thun màu xanh.

Pepsico Việt Nam thờ ơ trước quyền lợi của người tiêu dùng
Chai Pepsi thủy tinh chưa mở nắp, bên trong có sợi dây thun màu xanh

Theo như lời anh Huy kể thì anh mua chai nước này trên đường đi chơi từ Trà Vĩnh về Vĩnh Long. Khi phát hiện chai nước có dị vật, anh Huy đã liên hệ với nhà sản xuất để đề nghị được đổi chai nước lấy một số món quà nhằm chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc thương lượng không thành. Anh Huy quyết định giữ lại chai nước và rao bán với giá 100 triệu đồng. Số tiền này anh sẽ sử dụng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, mồ côi tại TP Vĩnh Long.

Pepsico Việt Nam thờ ơ trước quyền lợi của người tiêu dùng
Anh Nguyễn Quang Huy

Tuy nhiên, sau khi những thông tin trên được đăng tải, một số cơ quan báo chí đã cố gắng liên hệ với Pepsico Việt Nam nhưng đều chỉ nhận được sự im lặng từ nhà sản xuất này.

Luật sư Trương Chí Công, Trưởng văn phòng Luật sư C&M cho hay trong trường hợp này người tiêu dùng đã hành xử đúng. Để bảo vệ quyền lợi của mình và của những người tiêu dùng khác, người phát hiện vi phạm cần có trách nhiệm bảo vệ tang chứng và khiếu nại tới các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Theo quy định tại khoản 2, điều 9 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì người tiêu dùng có nghĩa vụ: Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; Hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đáng tiếc, đáp lại tiếng nói tự bảo vệ của người tiêu dùng chỉ là sự im lặng khó hiểu từ nhà sản xuất. 

P.V

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục