Đổi ngoại tệ ở đâu để không bị phạt tiền hàng trăm triệu?

Trong vài năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong các hoạt động lời sống của người dân, nhiều điểm thu đổi ngoại tệ không được cấp phép đã mọc lên “nhan nhản” ở khắp nơi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chỉ vì tâm lý ngại thủ tục Ngân hàng hoặc thậm chí là không biết có thể mua bán ngoại tệ tại ngân hàng mà họ đã tự đưa mình vào những rắc rối khi giao dịch trên thị trường "chợ đen".

Đổi ngoại tệ ở đâu để không bị phạt tiền hàng trăm triệu? - Ảnh 1

Đổi ngoại tệ là nhu cầu không thể thiếu của những người có kế hoạch đi du học, du lịch, công tác, chuyển tiền cho người thân hay đi định cư ở nước ngoài… Tuy nhiên, không ít khách hàng chọn đổi trên thị trường chợ đen đầy rủi ro hơn là đến ngân hàng vì tâm lý ngại thủ tục hoặc thậm chí có người còn không biết có thể mua bán ngoại tệ tại ngân hàng.

Mới đây, vụ việc ông Nguyễn C. R - Một thợ điện tại Cần Thơ, bị bắt quả tang khi đi đi đổi 100 USD sang tiền VND ở một tiệm vàng đã gây xôn xao dư luận.

Theo đó, ông này được UBND Thành Phố xử phạt tới 90 triệu đồng, đồng thời tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được do đã có hành vi vi phạm hành chính trong việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, điểm a, khoản 3, Điều 24 của Nghị định này chỉ rõ: "Hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng - 100 triệu đồng."

Ngoài ra, Tiệm vàng Thảo Lực – nơi ông C.R đổi tiền cũng bị xử phạt hành chính tổng cộng 295 triệu đồng vì có nhiều vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, kinh doanh mua bán hàng hóa và tịch thu nhiều kim cương, hột đá nhân tạo.

Đổi ngoại tệ ở đâu để không bị phạt tiền hàng trăm triệu? - Ảnh 2
Quyết định xử phạt ông Nguyễn C-R

Về pháp lý, quy định của pháp luật đã khá rõ ràng, nhưng trên thực tế, hoạt động mua bán ngoại tệ, trong đó phổ biến nhất là mua bán USD tại những tiệm vàng không được cấp phép thu đổi ngoại tệ vẫn diễn ra công khai và phổ biến trong thời gian dài.

Điều đáng nói, hiện nay, nhiều người vẫn không hề hay biết việc đổi USD ở những tiệm vàng này là vi phạm pháp luật. Do vậy, khi sự việc này xảy ra, không ít người đã tỏ ra ngỡ ngàng trước quy định hiện hành của pháp luật về việc mua bán ngoại tệ.

Theo quy định của NHNN, cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại TCTD được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của TCTD được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

Cụ thể, theo Điều 22 của Pháp lệnh ngoại hối 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng… đều không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, những quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân cũng được nêu rõ trong Thông tư số 20/2011/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 15/10/2011.

Cụ thể, Thông tư này nêu: "Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật."

Theo đó, cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ. Bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

Hạn mức mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Thông tư này với mức 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha mẹ.

Riêng việc bán ngoại tệ còn có thể được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép. Chính vì vậy, chỉ những ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh dịch vụ mua bán ngoại tệ mới được đảm bảo sự hợp pháp khi giao dịch, an toàn về nguồn gốc ngoại tệ cho người mua.

Các đại lý đổi ngoại tệ là các tổ chức kinh tế đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Nghị định 89/2016/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức kinh tế không có giấy phép vẫn thu đổi ngoại tệ, cũng sẽ bị xử lý hành chính và người có nhu cầu đổi ngoại tệ cũng bị xử lý, theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, theo khoản 7 điều 24 Nghị định này quy định: “Đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính từ 500 - 600 triệu đồng.”

Như vậy, sự việc vừa qua tại Cần Thơ chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người vì muốn đổi ngoại tệ nhanh chóng, thuận tiện đã chọn cách giao dịch trên thị trường chợ đen.

Và để đáp ứng nhu cầu đổi ngoại tệ, cũng như hạn chế các rủi ro về tài sản, khách hàng cần phải biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp thông qua việc truy cập website của các tổ chức tín dụng hoặc tìm hiểu các tổ chức kinh tế khác (tiệm vàng, khách sạn...) có giấy phép hay không và thực hiện mua, bán ngoại tệ tại các địa điểm này, tránh việc vi phạm pháp luật.

 

Ánh Phượng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục