Chúc mừng 5 năm thành lập Báo Kinh doanh & Pháp luật: Còn đó những ân tình mà tôi nặng nợ!

(KDPL) - Mới đó mà đã 5 năm, cái chớp mắt của thời gian trôi qua nhanh quá, tờ báo tôi về đầu quân đã tròn 5 tuổi, đó là một chặng đường đi đầy thử thách- những thử thách mà bằng cái nhìn nghiêm cẩn nhất, chúng ta có thể nói với nhau rằng: Đó là những thử thach nghiệt ngã đến vô cùng.

Báo Kinh doanh và Pháp luật ra đời trong bối cảnh  mà sự bùng nổ và cạnh tranh thông tin diễn ra khốc liệt, không ít những ấn phẩm in của các cơ quan báo chí phải cố gắng “gồng mình” để tồn tại và thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình thi KD&PL xuất hiện. Không rầm rô, không phô trương, nhưng bằng tất cả sự nổ lực của tập thể lảnh đạo tờ báo, sự đồng tâm hiệp lực của CB, PV, NV, sự giúp đở, đồng hành, sẽ chia của bạn bè, đồng nghiệp… và đặc biệt là ngày càng nhận được nhiều tình cảm trân quý của bạn đọc gần xa … nên dù “sinh sau đẻ muộn” so với các tờ báo bạn thuộc “hàng trưởng thượng trong làng” nhưng đến lần sinh nhật thứ 5 này có thể khẳng định rằng Báo KD&PL đã từng bước trưởng thành và  phát triển.

Chúc mừng 5 năm thành lập Báo Kinh doanh & Pháp luật: Còn đó những ân tình mà tôi nặng nợ! - Ảnh 1
Ông Lưu Vinh - Tổng biên tập báo Kinh Doanh và Pháp luật tại buổi gặp mặt kỷ niêm 5 năm ngày ra số báo đầu tiên.

 

Tôi còn nhớ như in, một buổi chiều muộn cách đây 3 năm, nhà báo Lưu Vinh trong một chuyến công tác vào các tỉnh phía Nam đã gọi điện thoại cho tôi, anh nói rằng anh còn ở Sài gòn 2 hôm nửa…

Tại một khách sạn trên đường Lê Quý Đôn, tôi đã gặp anh, cuộc trò chuyện với anh diễn ra không quá lâu nhưng với tôi đó giống như một “cuộc chuyện trò định mệnh” bởi trước đó không lâu, trong lúc mệt mỏi trước những cay đắng của cuộc đời tôi đã từng có ý định buông bỏ tất cả, rời xa cái nghề mà ở đó niềm hạnh phúc và nổi đớn đau cứ luôn trộn lẫn, đan xen nhau.

Với nhà báo Lưu Vinh thì tôi vốn không quen biết trước nhưng tên tuổi anh thì tôi chẳng cọn lạ gì. Lần đầu tiên tôi gặp anh cách đây hơn chục năm gì đó, khi ấy anh với tư cách là đại tá, Phó Tổng biên tập báo CAND đến thăm và nói chuyện với các nhà văn trẻ tại trại sáng tác văn học “vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống”, ấn tượng về anh trong tôi khi ấy không nhiều nhưng rồi khi đọc cuốn Doanh nhân- nụ cười và nước mắt của anh thì tôi bị thuyết phục hoàn toàn, cách viết dung dị, ngôn từ nhẹ nhàng, cách nhìn người, nhìn đời của anh thật nhân văn- “đó là ánh nhìn của những con người mang một tâm hồn chứa đựng sự yêu thương và tử tế!” – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét về anh như vậy.

Trở lại buổi gặp gỡ mà tôi cho là định mệnh ấy, tôi và anh ngồi với nhau ở tầng trệt của khách sạn, anh hỏi nhiều về tôi, về cuộc sống, công việc làm…và cả chuyện đời riêng tư như một người anh lâu ngày gặp lại, đặc biệt anh tỏ ra xúc động khi biết bố tôi cũng là một nhà báo đã hy sinh ở chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ…khi biết tôi đang “vặt vẹo” sống bằng những đồng nhuận bút còm cõi giữa cái đô thành tráng lệ vào bậc nhất của Phương Nam với ý định buông trôi cuộc đời cho số phận ngày càng lớn lên… Cuối buổi trò chuyện anh nói: Hay chú về với anh đi!

Ừ! Thì về! Và từ đây, đời tôi rẽ sang một bước ngoặc khác! Cái ngọn lửa đam mê, nhiệt quyết của một người cầm bút tưởng đâu sắp tàn lụi trong sự bất lực trước thế thái nhân tình của tôi, giờ được anh thổi vào cho cháy bùng trở lại. Và tôi lại cùng với các đồng nghiệp ở Báo Kinh doanh và Pháp luật khoát máy ảnh lên, xách ba lô tiếp tục cuộc hành trình.

Một kỷ niệm mà có lẻ sẽ còn đọng lại rất lâu trong đời làm báo của mình đó là khi tôi được anh giao thực hiện loạt bài về “Cuộc hành trình của những lá đơn xuyên thế kỷ” khi tiếp xúc với một lão nông dân miệt Cà Mau, tôi phát hiện ra có quá nhiều những nổi uất ức của gia đình người nông dân này. Hai thế hể rồi, trước đây là cha ông - một cán bộ kỳ cựu theo Đảng gần trọn một đời, đến khi sắp chết trăng trối lại với các con rằng: Ba theo Đảng  làm cách mạng xét cho cùng cũng là chiến đấu để chống lại áp bức, bất công nhưng cái trớ trêu là sự bất công đó lại đang xảy ra chính trên mảnh đất của mình… Gần 20 năm, ba đã khiếu nại khắp nơi, đơn thư cả chồng gửi đi nhưng xem ra khó mà tìm được câu trả lời thỏa đáng… Chân lý mờ mịt quá, nhưng ba tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào lẽ phải và sự công bằng… Các con phải tiếp tục đấu tranh!

Rồi người đảng viên già với 50 năm tuổi Đảng ấy trút hơi thở cuối cùng sau di nguyện. Con trai ông lại tiếp tục cuộc hành trình và chúng tôi tiếp cận với hồ sơ, lần theo các đầu mối của sự việc đã cách nay hơn 30 năm, khi có đủ cơ sở để tin rằng lời trăng trối của lão Đảng viên già trước lúc lâm chung chính là nỗi niềm đớn đau của người nông dân mất đất, và chúng tôi đã đứng về phía sự thật bị vùi vập hơn 30 năm qua. Loạt bài “Hành trình những lá đơn và lòng kiên nhẫn” trên báo Kinh doanh và Pháp luật đã nhận được sự đồng thuận của bạn đọc đặc biệt là sau khi báo đăng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo cụ thể giao cho Thanh tra tỉnh Cà Mau xác minh lại toàn bộ vụ việc và báo Chủ tịch UBND tỉnh để có hướng xử lý…

Niềm hy vọng của gia đình người nông dân miền cuối đất trong vụ khiếu nại đòi lại đất của mình tưởng đâu đã lịm tắt, giờ bùng lên dữ dội. trong một lá thư gửi về Tòa soạn, người nông dân ấy viết:

Nhà báo Lưu Vinh kính mến!

Hơn 30 năm qua, gia đình chúng tôi đã kiên trì khiếu nại đòi lại phần đất của cha ông mình nhưng có lẽ vì nhiều lý do khác nhau, trong cuộc hành trình đầy gian truân vất vả này, chúng tôi đã có những lúc cảm thấy mình vô cùng đơn độc, niềm tin đã bị lung lay, gia đình kiệt quệ…

Trong khi đó thì sự nghịch lý cứ như là một bức tường kiên cố, cứ ngày một lớn lên, dày thêm. Cha tôi một chiến sĩ cách mạng có 60 tuổi Đảng, trước khi nhắm mắt lìa đời nắm tay tôi trăn trối rằng: Ba đã theo Đảng gần trọn một cuộc đời, gia tộc mình cũng tự hào là một gia tộc có truyền thống chí cốt theo cách mạng. Tất cả đã tự nguyện hiến dâng cho dân tộc, vì lợi ích dân tộc mà dấn thân, tranh đấu. Nay ba qua đời các con phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp này.

Việc đòi lại phần đất của ông bà để lại cho con cháu là một việc làm đúng và đời ba đã làm chưa xong thì đến thế hệ các con. Bởi chúng ta đi theo cách mạng, xét cho cùng thì cũng chính là cuộc đấu tranh mất còn giữa đúng-sai, tối sáng, giữa chân lý và và phi lý…!

Rồi khi báo vào cuộc, phóng viên về tận cơ sở gặp gỡ, tìm hiểu, thu thập thông tin, chứng cứ… Chúng tôi hiểu đó là cả một quá trình không đơn giản, thậm chí khó khăn, gian khổ, nhưng tôi biết dưới sự chỉ đạo kiên quyết của BBT, loạt bài “HÀNH TRÌNH NHỮNG LÁ ĐƠN VÀ LÒNG KIÊN NHẪN” vừa qua đã góp phần đưa ra những thông tin quan trọng, những phân tích về pháp luật, đạo lý… đầy sức thuyết phục nhằm giúp thế hệ sau này có cái nhìn toàn cục, khách quan hơn về một vụ khiếu nại trên 30 năm của gia đình tôi…”

Việc tham gia đồng hành cùng với thân phận của con người, góp phần cùng với Đảng và chính quyền xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là một trách nhiệm đương nhiên của người làm báo. Tuy nhiên khi đọc những dòng thư chứa chan tình cảm của một người nông dân ở tận miền đất xa xôi của Phương Nam tổ quốc gửi về như một lời tri ân đối với người cầm bút, lòng chúng tôi như ngập tràn một niềm hạnh phúc.

Cũng như ông Nam, chúng tôi cũng có một niềm tin mãnh liệt vào Đảng, tin vào chân lý nhất định sẽ sáng tỏ bởi những tín hiệu phản hồi tích cực từ các cơ quan có thẩm quyền đã bắt đầu xuất hiện trong vụ khiếu nại đòi lại đất đai “xuyên thế kỷ này”.

Là một phóng viên hoạt động thường xuyên ở khu vực ĐBSCL, cái thiệt thòi lớn nhất của chúng tôi là không được gần gũi, trực tiếp nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, tuy nhiên khoảng cách không gian dường như vẫn không xóa đi được tình cảm gắn kết, sự quan tâm, dõi theo của BBT trên từng bước đường tác nghiệp của chúng tôi. Và đây có lẽ chính là niềm tin của chúng tôi khi bước xuống con tàu do thuyền trưởng Lưu Vinh lèo lái, dẫu biết cuộc hành trình phía trước sẽ còn nhiều thử thách, thậm chí cả những dâu bể khôn lường, nhưng như lời anh vẫn thường căn dặn chúng tôi: “Làm báo là một cái nghề mà vinh quang và cay đắng luôn song hành trên bước đường tác nghiệp! Chỉ một chút thiếu suy nghĩ thôi, thậm chí chỉ cần một tích tắc buông lỏng mình thì khi ấy đúng sai, tối sáng sẽ không còn phân định và hậu quả đôi khi là một giá phải trả không rẻ chút nào. Hãy để trái tim người cầm bút biết run lên trước niềm vui, hạnh phúc cả nỗi đau đớn của thân phận con ngừơi!” . Và chúng tôi xem lời anh như là một phương châm để vững tin trên đường tác nghiệp!

Tôi còn nhớ khi về Thanh Tùng- một vùng đất xa xôi heo hút của tỉnh Cà Mau thực hiện bút ký Nỗi niềm xứ sở (đăng 2 kỳ trên báo KD&PL). Đó là một vùng đất anh hùng mà từ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã là nơi các cơ quan đầu não của Khu, của tỉnh… chọn làm căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến. Những địa danh Ông Đơn, Bàu Dừa, Nông Trường, Cây Mắm …đã trở thành huyền thoại trong cuộc đối đầu sinh tử với kẻ thù của người dân nơi đây để bảo vệ Đảng, bảo vệ Cách mạng….

Rồi những năm sau giải phóng trước những bộn bề của cuộc sống, những dâu bể, biến thiên, thời cuộc đã có nhũng xung độ giữa người dân và chính quyền, một bộ phận cán bộ địa phương đã phạm những sai lầm trong quá trình lãnh đạo. Cuộc xung đột đã nhanh chóng được hóa giải bởi sự bao dung độ lượng của lòng dân, và cả những chủ trương biện pháp, chấn chỉnh kịp thời trong lãnh đạo của Đảng… lòng dân lại yên và niềm tin vào Đảng càng được củng cố.

Thế rồi gần đây, người dân ở xứ sở heo hút này phát hiện một số chính sách trong chương trình 134, 135 của Chính phủ đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số bị một số cán bộ địa phương lợi dụng, trục lợi. Họ tố giác đến Báo và tôi được Tổng biên tập trực tiếp phân công theo dõi thông tin này.

Thanh Tùng cũng là nơi tôi sinh ra. Trở lại với nơi chôn nhau cắt rốn, lòng tôi tràn ngập một nỗi niềm riêng, buồn vui lẫn lộn. Xứ Thanh Tùng vốn nổi tiếng là vùng đất kiên trung với cách mạng vậy mà sau mấy chục năm rồi vẫn là một địa phương nghèo khó đến nhói lòng. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khơ me vẫn sống trong nheo nhóc, bỏ làng, bỏ xứ tha phương. Những gì mà người dân ở đây tố cáo trong đơn còn chưa phản ánh hết thực trạng. Tôi ngồi viết bài bút ký “Nỗi niềm xứ sở” mà cứ như viết bức tâm thư cho quê hương xứ sở của mình!

Ngay sau khi báo đăng, anh Hiếu Hùng lúc bấy giờ là Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau đã thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh ký công văn yêu cầu các cơ quan chức năng xem những thông tin báo nêu và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Khi có kết luận chính thức, hàng loạt cán bộ chủ chốt ở đây dính vào sai phạm bị kỷ luật, trong số này có Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng.

Anh vốn là một người bạn cũ của tôi. Ngày nhận quyết định kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đã ngồi với nhau khá lâu, trong đôi mắt của người bạn cũ, tôi đọc được cả một nỗi buồn thăm thẳm! Trước khi chia tay, anh nói ngắn gọn: Tôi đau đớn vì đã sai lầm. Tôi ân hận vì đã đánh mất niềm tin của người dân nơi đây!

Tôi hiểu đó là lời chân thành và một khi sự chân thành có trong tâm trí người sai phạm và họ chấp nhận nó bằng một thái độ sòng phẳng thì cũng có nghĩa là sẽ nhận được sự tha thứ của lòng dân! Tôi tin vào điều đó bởi hơn ai hết những người cán bộ phải nhớ và nằm lòng cái chân lý bất diệt: Họ - những cán bộ ấy chính là công bộc của nhân dân!

Những câu chuyện thuộc về kỷ niệm của nghề thì có lẽ còn nhiều lắm. Nhân sinh nhật lần thứ năm của báo Kinh doanh và Pháp luật, tôi chỉ muốn chia sẻ đôi điều buồn vui, hạnh phúc của người làm báo trong bước đường rong ruổi của mình. Hạnh phúc của người làm báo chúng tôi chính là hạnh phúc của bạn đọc, tập thể những ngưởi làm báo nguyện sẽ đem hết khả năng của mình tiếp tục cuộc hành trình, góp phần nhỏ cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhân dịp này, tôi xin nói lời tri ân với bạn đọc gần xa, với bà con nhân dân, các cơ quan, tổ chức đã giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để những người cầm bút chúng tôi thực hiện thiên chức của mình và tận trong sâu thẳm lòng mình, tôi luôn nhớ rằng đối với những người làm báo chúng tôi thì món nợ ân tình với đời, với nghề còn …nặng lắm!

Giang Thành

"Năm năm đánh dấu một chặng đường với bao niềm vui, nỗi buồn, thăng trầm và khởi sắc của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên báo Kinh doanh và Pháp luật. Đó cũng là một chặng đường mà những người làm báo Kinh doanh và Pháp luật phải đối đầu với bao gian nan và thử thách để rồi vượt lên tất cả để có một cơ ngơi như ngày hôm nay với 2 ấn phẩm báo in Kinh doanh và Pháp luật tuần 3 số, 24 trang và số cuối tháng 32 trang và ấn phẩm Gia đình và Pháp luật tuần 2 số, 24 trang. Cùng với đó là 2 trang thông tin điện tử tổng hợp: Kinhdoanhnet.vn và giadinhphapluat.vn.

Ra đời trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng vào đời sống – xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó là sự bùng nổ và cạnh tranh thông tin quyết liệt giữa các báo chính thống với mạng xã hội ở trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến các thông tin xuyên tạc được truyền dẫn của các mạng truyền thông nước ngoài và các thế lực phản động chống phá nước ta. Thực trạng ấy đã tác động không nhỏ đối với những người làm báo nước ta nói chung và báo Kinh doanh và Pháp luật nói riêng, đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên phải thường xuyên cảnh giác, chắt lọc thông tin tuyên truyền trên mặt báo nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước…

Tự hào với những kết quả đạt được trong chặng đường 5 năm, cán bộ, Đảng viên, phóng viên, công nhân viên báo Kinh doanh và Pháp luật nguyện là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đoàn kết một lòng xây dựng tờ báo Kinh doanh và Phát luật phát triển tích cực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Trích phát biểu của Nhà báo Lưu Vinh - Tổng biên tập báo Kinh Doanh và Pháp luật tại buổi gặp mặt kỷ niêm 5 năm ngày ra số báo đầu tiên.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục