Đóng bảo hiểm 5 năm được hoàn trả 100% viện phí

(Kinhdoanhnet) - Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có tổng số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng gần 7 triệu đồng).

Luật bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi được thông qua tại phiên họp thứ 7 của Quốc hội sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015.

Theo đó, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Mức hưởng BHYT đối với các trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quy định cụ thể trong Luật. Ngoài ra Luật cũng cũng đã bổ sung thêm quy định quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Từ ngày 01/01/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

 

Đóng bảo hiểm 5 năm được hoàn trả 100% viện phí - Ảnh 1
Đóng BHYT liên tục trong 5 năm sẽ được hoàn 100% tiền viện phí.


Trước đây, tại bệnh viện tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến theo quy định thì quỹ BHYT sẽ chỉ thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh. Theo Luật BHYT sửa đổi, bắt đầu từ ngày 1/1/2016 quỹ sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với những đối tượng khám chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh. Và từ ngày 01/01/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng thừa nhận, quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý dẫn đến tình trạng lựa chọn ngược khi tham gia BHYT, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, giảm tính chia sẻ cộng đồng của người dân và tạo thêm gánh nặng cho quỹ BHYT. 

 

Oanh Vỹ (TH theo TC Tài chính)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục