Đề xuất đưa "quyền được chết" vào luật

(Kinhdoanhnet) - Bộ Y tế đề xuất Vụ Pháp chế bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử, cái chết nhân đạo.

Mới đây, tại Hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ pháp chế TS. Nguyễn Huy Quang đề xuất đưa quyền được chết (quyền an tử) vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Quyền được chết hay nói góc độ mang tính nhân văn là được chết "êm ái” vốn đã được đề cập nhiều, nhất là trong thời gian gần đây khi Bộ luật Dân sự sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến. Trên thực tế câu chuyện về "Cái chết êm ái” là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận "quyền được chết” của công dân với nhiều tên gọi như "cái chết êm ái”, an tử, trợ tử… hoặc ban hành đạo luật riêng như Luật Chết, Luật Điều trị vô ích. 

TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản.

"Về mặt luật pháp, chúng ta có quyền được khai sinh, khai tử, nhưng trên hết là quyền được sống. Sao chúng ta lại không đặt vấn đề về quyền được chết? Như vậy có phải là hành vi giết người? Bác sĩ cho người ta chết về bản chất là giết người, theo pháp luật sẽ bị xử lý hình sự, nhưng nếu pháp luật cho phép có chủ đích thì vẫn có thể được", tiến sĩ Quang nói. 

Nếu quyền được chết được đưa vào luật, người bệnh có quyền được đề nghị bác sĩ giúp đỡ để có một cái chết êm ái, nhẹ nhàng. Đây cũng là cách giải thoát cho người bệnh. Mỗi người đều có quyền tự quyết định sức khỏe, sinh mệnh của mình.

Tuy nhiên, bản thân bác sĩ cũng không dám. Trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông thì nguyên tắc là còn nước còn tát, còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng, khi bệnh nhân không còn các chỉ số sinh tồn nữa. Lúc đó người ta tự chết, tự trở về thế giới bên kia, trách nhiệm của người thầy thuốc khi đó mới kết thúc.

Theo GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, khi đưa quyền này vào luật, phải có tiêu chí xác định đâu là trường hợp không còn hy vọng sống về mặt khoa học thì mới cho phép, còn những trường hợp khác muốn chết vì những lý do khác thì phải ngăn, vì đó là tiêu cực. Vì vậy, luật phải quy định chặt chẽ để vấn đề này không bị lạm dụng.

Hiện có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến quyền được chết. Đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nhân sống trong tình trạng đời sống thực vật, thập tử nhất sinh.

Được biết, từ năm 2005, "cái chết êm ái" đã được đưa vào Dự thảo bộ luật Dân sự. Tuy nhiên sau đó vấn đề này đã không được thông qua, phải gác lại. Mặc dù vậy, điều đó đã cho thấy những người làm luật ở nước ta đã quan tâm đến vấn đề này từ khá lâu.

Theo một số chuyên gia y tế, "cái chết êm ái" là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tranh cãi rất gay gắt. Tuy nhiên, đã có một số nước công nhận "quyền được chết" của công dân với nhiều tên gọi như "cái chết êm ái", an tử, trợ tử... hoặc ban hành đạo luật riêng như luật Chết, luật Điều trị vô ích. Trong đó chủ yếu là các nước phát triển như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Arhentina, Hàn Quốc...

Lan Anh (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục