Đề xuất bỏ tử hình với 7 tội danh

(Kinhdoanhnet) - Nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội đồng tình việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp.

Sáng 7/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Dự thảo luật cũng bổ sung thêm đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; tách tội Vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập. Đề xuất chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội Mua bán trái phép chất ma túy; với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo loại bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo loại bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình như đề nghị của Chính phủ 

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa (Phó tổng Cục trưởng tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) tỏ ra băn khoăn về việc giảm hình phạt án tử hình đối với tội Tàng trữ, vận chuyển ma túy. Bởi theo ông Hòa, tình hình buôn bán, vận chuyển chất ma túy vẫn diễn ra hết sức phức tạp, cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm minh.

Nội dung khác của luật sửa đổi lần này là mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu, thuộc 4 nhóm tội đã được điều chỉnh với các mức tăng khác nhau. Trong đó, định lượng tối thiểu tăng từ 2 triệu đồng lên mức từ 5 triệu đồng.

Dự thảo Bộ luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành; bổ sung cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này để góp phần bảo đảm tính khả thi, tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này.

Chính phủ cũng đồng tình loại bỏ hoàn toàn quy định về chuẩn bị phạm tội trong Bộ luật Hình sự vì việc xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội là quá sớm và thực tế cũng rất ít trường hợp xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội.

So với quy định hiện hành, những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Bộ luật Hình sự này góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Minh Tuyết (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục