WB: Mỗi người dân Việt Nam gánh trên 1.200 USD nợ công

(Kinhdoanhnet) - Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tính đến cuối năm 2014 tổng dư nợ công của Việt Nam ước tính 2.347 nghìn tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD), và như vậy mỗi người dân đang gánh trên 1.200 USD nợ công, tương đương hơn nửa năm thu nhập.

Trong báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” vừa được Ngân hàng Thế giới – World Bank công bố, WB nhận xét rằng, nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2014 tổng dư nợ công của Việt Nam (nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) ước tính 2.347 nghìn tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD).

WB: Mỗi người dân Việt Nam gánh trên 1.200 USD nợ công - Ảnh 1
Các đại biểu WB tại buổi công bố báo cáo

Nếu xét về tỷ lệ tương đối so với GDP (186,2 tỷ USD), thì nợ công theo tính toán của WB tương đương 59% - xấp xỉ số liệu được Bộ Tài chính đưa ra. Nhưng nếu xét riêng số tuyệt đối, nợ công theo tính toán của WB cao hơn bất kỳ số liệu nào được nêu ra trước đó.

Bản tin nợ công tháng 11/2014 của Bộ Tài chính cho biết cuối năm 2013, nợ công của Việt Nam gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ nước ngoài của doanh nghiệp tự vay tự trả không tính nợ chính quyền địa phương đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng so với mức gần 890.000 tỷ đồng cuối năm 2010.

Theo WB, toàn bộ dữ liệu về nợ công Việt Nam được thu thập từ các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ. Nếu dựa trên con số này và mức dân số cuối năm 2014 là 90,7 triệu người, bình quân mỗi người dân Việt Nam "gánh" gần 1.212,8 USD nợ công.

Cùng với các con số trên đây, WB chỉ ra rằng vấn đề ngân sách của Việt Nam đang là mối quan ngại. WB chỉ rõ nợ công tăng là do thay đổi cơ cấu nợ. Do nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài, Việt Nam chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn.

Mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27 - 28% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014, nhưng nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014. Trong khi đó, phần lớn huy động vốn trong nước dựa vào phát hành trái phiếu chính phủ với thời gian đáo hạn trung bình tương đối ngắn. Điều đó dẫn tới phát sinh rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn.

Chi phí thanh toán nợ công cũng đã tăng từ 22% năm 2010 lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi phí trả lãi vay gần 7,2% chi ngân sách và lấn át các khoản chi tiêu khác. Nghĩa vụ nợ tiềm tàng từ khối doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng là một trong những nguy cơ rủi ro lớn với nợ công. WB chỉ rõ rằng còn nhiều khoản nợ tiềm ẩn chưa được thống kê đầy đủ. Các khoản nợ này có quy mô khá lớn, tính rủi ro cao và đe dọa sự ổn định của tài khóa.

WB: Mỗi người dân Việt Nam gánh trên 1.200 USD nợ công - Ảnh 2
Tỷ lệ bội chi ngân sách của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nguồn: VinaCapital

So sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN đang cạnh tranh về thu hút đầu tư, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đánh giá Việt Nam kiểm soát tài khóa kém nhất so với các "ông hàng xóm". Điều này thể hiện qua mức thâm hụt cao nhất so với Thái Lan, Indonesia, Philippines, trong đó thu ngân sách của Việt Nam trên GDP giảm từ mức 26,3% năm 2009 về 20,1% năm 2014, còn các quốc gia khác lại tăng.

Nói về vấn đề nợ công của Việt Nam, bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam - nhìn nhận: “Từ khủng hoảng của Hy Lạp cho thấy, các dữ liệu kinh tế quốc gia phải chính xác và minh bạch. Vỡ nợ ở Hy Lạp không phải chuyện chỉ đến trong một đêm mà phải tích tụ trong thời gian dài”. Cũng theo bà Victoria Kwa Kwa, tuổi về hưu và chính sách hưu trí của Hy Lạp khá nặng. Người Hy Lạp về hưu khá sớm, gây áp lực với ngân sách quốc gia. Việt Nam cũng đang gặp vấn đề tương tự khi bảo hiểm xã hội cũng eo hẹp về ngân sách.

Trâm Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục