Vị thế của EU khi Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu

Trong bài viết gần đây, phóng viên Frank Sieren của Hãng truyền hình Đức (DW) đã phân tích về thách thức đối với EU từ việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước khu vực Trung và Đông Âu.

Vị thế của EU khi Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Trung và Đông Âu - Ảnh 1
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông Sieren, Trung Quốc đã tiếp tục mở rộng ảnh hưởng đối với các nước ở khu vực Đông và Đông Nam Âu tại hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung và Đông Âu (cơ chế “16+1”) vừa qua tại Budapest (Hungary). Trong khi đó, Liên minh châu ÂU (EU) lại đang để cho Trung Quốc có cơ hội khai thác các vấn đề tồn tại trong nội khối để làm suy yếu Liên minh.

Trong cuộc gặp thường niên này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh muốn “xây dựng các cầu nối”. Ông Lý Khắc Cường khẳng định các khoảng đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Trung và Đông Âu sẽ thúc đẩy “sự phát triển cân bằng hơn ở châu Âu”.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực có thể sẽ giúp EU phát triển một cách cân bằng hơn. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực này sẽ làm suy yếu vị thế của các cơ quan quyền lực thuộc EU.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cam kết đầu tư 3 tỷ USD vào 16 nước Trung và Đông Âu, trong đó có 11 nước thành viên EU. Trong khuôn khổ hợp tác “16+1”, Trung Quốc với sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đang là nước chi phối diễn đàn này.

Đối với Bắc Kinh, khu vực Đông Âu đóng vai trò quan trọng trong dự án Con đường tơ lụa mới, kết nối các nền kinh tế ở châu Á, châu Âu và châu Phi. Trung Quốc đã và đang đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng đường bộ, đường biển trong khu vực. Các ngân hàng Trung Quốc cấp vốn để triển khai và cũng chính công nhân Trung Quốc thi công các dự án này

Đổi lại, Trung Quốc tìm kiếm thiện chí và sự ủng hộ của giới chính trị gia trong khu vực đối với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng quan tâm tới hàng loạt các dự án đầu tư khác trong khu vực như xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô ở Hungary, sản xuất thép ở Serbia, lọc dầu ở Romania, sân bay ở Albania và nhà máy điện ở Croatia.

Tại hội nghị thượng đỉnh Budapest, ông Lý Khắc Cường và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đạt được thỏa thuận về việc hiện đại hóa tuyến đường sắt cho phép trung chuyển hàng hóa từ cảng Piraeus của Hy Lạp vào thị trường các nước Trung Âu qua Hungary và Serbia.

Hiện có dư luận cho rằng việc EU “sao nhãng” các nước thành viên ở khu vực Đông Âu đã khiến giới chức các nước này ngày càng hướng tới các chương trình đầu tư hấp dẫn của Trung Quốc. Trong khi đó, tại các nước khu vực Balkan - hiện vẫn đang chờ để được cấp quy chế thành viên EU - cũng có nhiều luồng ý kiến cho rằng Trung Quốc coi trọng các nước này hơn.

Lợi ích và sự quan tâm của Trung Quốc đối với các nước Trung và Đông Âu thực sự là vấn đề đối với EU. Ông Bernd Lange - nghị sĩ Nghị viện châu Âu của đảng Dân chủ Xã hội Đức - từng cảnh báo “hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Đông Âu có nguy cơ gia tăng chia rẽ trong nội bộ EU”.

Tuy nhiên, ông Lange đã quá thận trọng trong tuyên bố của mình bởi sự hiện diện của Trung Quốc ở Đông Âu không còn là “nguy cơ” nữa mà thực sự đã gây chia rẽ EU.

Các khoản cho vay của Trung Quốc không chỉ tạo được thiện chí mà còn giúp xây dựng các đồng minh chính trị để mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trước đó, Hy Lạp - “bạn bè tin cậy nhất ở châu Âu” của Trung Quốc như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố - đã sử dụng ảnh hưởng của mình để hạn chế mức độ phản ứng của EU đối với các hành động độc đoán của Trung Quốc ở Biển Đông hay việc EU tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư từ Bắc Kinh.

Lãnh đạo một số nước Trung và Đông Âu như Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman hay Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chế độ độc đoán ở Bắc Kinh cũng như việc Trung Quốc không tìm cách "giảng dạy" các bài học về pháp lý, dân chủ hay chính sách nhập cư.

Điều này trái ngược với chính sách hiện nay của Brussels hay Berlin đối với khu vực Trung và Đông Âu. Ông Orban khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh Budapest rằng “thế giới đang thay đổi. Trung Quốc có nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển mà một mình EU không đủ khả năng”.

Tác giả Frank Sieren cho rằng EU cần chú trọng hơn nữa trong việc thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng, chẳng hạn như các dự án giao thông và năng lượng ở khu vực Balkan đã cam kết trong “Lộ trình Berlin” đối với khu vực này.

Các nước khu vực Balkan - ứng viên gia nhập EU - đang rất cần vốn để phát triển hạ tầng và không quan tâm đến nguồn tiền này xuất phát từ đâu. Điều quan trọng đối với các nước này là việc triển khai trên thực tế.

Trong khi đó, EU lại quá chậm chạp, chia rẽ và đầu tư ít tiền vào khu vực này. Điều này tạo cơ hội cho Bắc Kinh thoải mái mở rộng phạm vi và mức độ ảnh hưởng ở khu vực Trung và Đông Âu. Chính sách “một EU” mà nghị sĩ Nghị viện châu Âu của Đức Reinhard Butikofer kêu gọi, lấy cảm hứng từ chính sách “một Trung Quốc”, đến nay không có tác dụng trong thực tế.

Trung Quốc cũng ủng hộ chính sách này bởi Bắc Kinh và một EU ổn định, hùng mạnh có thể hợp tác trong việc chống lại Mỹ, nhất là liên quan đến vấn đề thương mại và CHDCND Triều Tiên. Mặc dù vậy, dường như Trung Quốc đang đặt tham vọng nhiều vào các dự án hạ tầng và cuộc cạnh tranh với EU hơn là việc thúc đẩy hình thành một trật tự thế giới đa cực ổn định./.

TTXVN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục