Uber lại "dính" cáo buộc hối lộ ở châu Á

(Kinhdoanhnet) - Uber - "gã khổng lồ" trong lĩnh vực ứng dụng taxi - đang phải đối mặt với cuộc điều tra cấp liên bang về việc vi phạm luật chống hối lộ ở nước ngoài.

Uber đang làm việc với hãng luật O’Melveny & Myers LLP để kiểm tra biên bản ghi lại các thanh toán ở nước ngoài và phỏng vấn các nhân viên liên quan. 

Uber lại "dính" cáo buộc hối lộ ở châu Á - Ảnh 1
Uber bị cáo buộc vi phạm luật chống hối lộ ở nước ngoài. Ảnh minh họa


Các luật sư của O’Melveny & Myers LLP đang tập trung vào các hoạt động đáng nghi của Uber tại ít nhất 5 nước châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc. 

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, cuối năm ngoái, một nhân viên Uber ở Jakarta đã thanh toán những khoản tiền để "làm luật" với cảnh sát để Uber được phép tiếp tục hoạt động từ văn phòng nằm trong khu vực phi kinh doanh. 

Các khoản tiền này được ghi lại trong báo cáo chi phí của nhân viên trên dưới tên gọi “chi trả cho quan chức địa phương”. 

Uber đã sa thải nhân viên này và cho người đứng đầu hoạt động kinh doanh ở Indonesia, vốn đã chấp thuận báo cáo chi phí, nghỉ phép. Người này sau đó đã rời công ty.

Phát ngôn viên cảnh sát Jakarta Argo Yuwono nói rằng không có cuộc điều tra về bất kỳ khoản thanh toán nào. Ông cũng cho biết thẩm quyền về giấy phép khu vực kinh doanh thuộc về chính quyền địa phương, chứ không phải là cảnh sát. 

Khi phát hiện ra vụ việc vào cuối năm ngoái, ít nhất một nhân viên cấp cao trong đội pháp chế của Uber ban đầu quyết định không báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng của Mỹ. Sau khi giới chức Mỹ tìm đến vì nghi ngờ vi phạm Luật chống tham nhũng ở nước ngoài, Uber mới thông báo về vụ việc xảy ra ở Indonesia. 

Công ty luật của Uber cũng đang rà soát các thỏa thuận tài chính với chính phủ Malaysia có thể ảnh hưởng tới các nhà lập pháp tại đây. Quan hệ tài chính của Uber với các cơ quan liên quan đến chính phủ Malaysia bao gồm khoản đầu tư trị giá 30 triệu USD của quỹ hưu trí lớn thứ hai của nước này, Kumpulan Wang Persaraan (KWAP). Uber cũng tham gia vào một chương trình khởi nghiệp phát động bởi Trung tâm sáng tạo và phát triển toàn cầu của Malaysia (MaGIC) được nhà nước hỗ trợ.

Theo sau khoản đầu tư và sự tham gia này là việc thông qua đạo luật về dịch vụ chia sẻ xe trong tháng 7 tại Malaysia. Tuy nhiên, KWAP đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Cáo buộc hối lộ tại Trung Quốc và Hàn Quốc của Uber cũng đang được điều tra nhưng chi tiết không được tiết lộ. 

Hàng loạt những bê bối trên là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự ra đi của nhiều lãnh đạo cấp cao của Uber, gồm cả nhà sáng lập, CEO Travis Kalanick. 

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục