Từ chuyện đi chung xe đến nền kinh tế chia sẻ

(Kinhdoanhnet) - Với sự phát triển của công nghệ, làn sóng “kinh tế chia sẻ” đang nở rộ. Nhiều start-up ăn theo thành công, nhiều tỷ phú mới xuất hiện, một số thương hiệu có giá trị cả chục tỷ USD. Những cái tên như Uber, Grab hay Airbnb... chính là đại diện cho mô hình kinh tế này.

"Kinh tế chia sẻ" là gì?

Theo ông Yuhei Okakita, Phó Giám đốc Bộ phận chính sách thông tin kinh tế - Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, "Kinh tế chia sẻ" có thể được định nghĩa là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet.

Từ chuyện đi chung xe đến nền kinh tế chia sẻ - Ảnh 1
Với sự phát triển của công nghệ, làn sóng “kinh tế chia sẻ” đang nở rộ. Ảnh minh họa

Nền kinh tế chia sẻ được bắt đầu manh nha khái niệm năm 1995, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Nó khởi đầu bằng dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người… và giúp cho những cá nhân có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền quảng cáo.

Mô hình kinh doanh này thực sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn.

Việc “chia sẻ” những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới.

Không có chuyện “hư là vứt”

Trong mô hình kinh tế chia sẻ, các sản phẩm và dịch vụ được thuê trong một khoảng thời gian. Đó là sự “tiếp cận” thay vì là “sở hữu”, và bất kì vật dụng nào cũng có thể chia sẻ, từ phương tiện vận tải, bất động sản cho đến hàng tiêu dùng (như các dụng cụ và vật dụng nhà bếp), cũng như kĩ năng và kiến thức.

Từ chuyện đi chung xe đến nền kinh tế chia sẻ - Ảnh 2
Kinh tế chia sẻ cho phép bạn sử dụng các tài sản được dùng chưa hết công suất và thậm chí là thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập.

Tham gia vào nền kinh tế chia sẻ cho phép bạn sử dụng các tài sản được dùng chưa hết công suất và thậm chí là thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập.

Nhiều năm qua, đã có những cách mượn vật dụng khác nhau – chẳng hạn, thuê quần áo trang trọng cho các sự kiện, hay kế hoạch dùng chung xe hiện rất phổ biến ở nhiều thành phố. Và dù nguồn ngân quỹ bị cắt giảm nhiều hơn trong thời gian gần đây, nhưng các thư viện công vẫn mở cửa cho mọi người được tiếp cận sách, nhạc và phim, trong khi các doanh nghiệp lớn như Amazon Kindle, Netflix và Spotify lại ngụ ý rằng không cần phải thực sự sở hữu những quyển sách, đĩa nhạc hoặc cuốn phim thật ngoài đời.

“Thư viện đồ vật” ở London (Anh) là dự án của một doanh nghiệp cộng đồng chuyên cung cấp việc tiếp cận giá rẻ với các vật dụng như dụng cụ tự làm, máy may, thiết bị làm vườn và cắm trại, đồ lau thảm, máy chiếu và nhạc cụ. Mục đích của thư viện này chính là nhằm chống lại việc sở hữu mọi thứ, và văn hóa ném đi.

Những cái tên "ăn nên làm ra"

Hai cái tên điển hình khi nhắc đến kinh tế chia sẻ chính là Airbnb và Uber.

Năm 2008, dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.com ra đời, giúp kết nối giữa những người cho thuê/chia sẻ chỗ ở với những người có nhu cầu như khách du lịch. Dịch vụ này nhanh chóng bùng nổ, chỉ sau hơn 8 năm, Airbnb đã có mặt tại hơn 33.000 thành phố ở 100 quốc gia, đến nay được định giá tối thiểu khoảng 30 tỷ USD.

Từ chuyện đi chung xe đến nền kinh tế chia sẻ - Ảnh 3
Uber là công ty ăn nên làm ra từ mô hình chia sẻ


Tương tự như Airbnb, Uber đóng vai trò bên thứ ba, kết nối những người muốn đi nhờ xe với những người sở hữu phương tiện di chuyển rảnh rỗi, được thành lập vào năm 2009 tại Mỹ. Uber hiện có mặt tại hàng trăm thành phố trên khắp thế giới với mức định giá khoảng 70 tỷ USD.

Chỉ riêng ở Trung Quốc, khoảng 600 triệu người dân nước này tham gia vào loại hình kinh tế chia sẻ trong năm 2016 với giá trị trao đổi 3.450 tỷ nhân dân tệ (510 tỷ USD) ở nhiều lĩnh vực, từ đi chung xe đạp, xe có động cơ, đến chia sẻ không gian sống và không gian làm việc và thậm chí là kiến thức, kỹ năng và lao động.

Rầm rộ dịch vụ chia sẻ xe

Một loại hình được thấy nhiều nhất khi nhắc đến "kinh tế chia sẻ" chính là chia sẻ xe: không chỉ là ô tô, xe máy mà còn có cả xe đạp, xe điện...

Hãng chia sẻ xe đạp của Trung Quốc Mobike mới thông báo sẽ triển khai dịch vụ tại London, trong khi đối thủ Ofo của họ cũng có động thái tương tự tại Thái Lan, Malaysia và cho biết sẽ hiện diện tại thị trường Nhật Bản.

Từ chuyện đi chung xe đến nền kinh tế chia sẻ - Ảnh 4
Hãng chia sẻ xe đạp của Trung Quốc Mobike.


Hồi tháng 3, Ofo và Mobike mở rộng hoạt động sang Singapore, thị trường nước ngoài đầu tiên của hai doanh nghiệp này. Trong chưa đầy nửa năm, những chiếc xe đạp màu cam của Mobike đã xuất hiện ở Manchester và Salford của nước Anh, ở Fukuoka và Sapporo (Nhật Bản), Milan và Florence ở Italy và những nơi khác.

Trong khi đó, 2 công ty tại Berlin, Đức vừa ra mắt ứng dụng chia sẻ xe máy điện tới người dân và du khách. Bất cứ ai có bằng lái xe và sở hữu ứng dụng trên điện thoại thông minh này đều có thể tìm thấy địa điểm đặt chiếc xe máy điện ở gần nhất. 

Ở Anh, dù lượng xe có giảm từ 280 xuống còn 200 triệu xe thì đường phố châu Âu vẫn sẽ nhộn nhịp do dịch vụ chia sẻ xe.

Ở Mỹ, theo công ty nghiên cứu Penn Schoen Berland, hơn 50% những người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra từ khoảng những năm năm 1980 đến đầu thập niên 2000) được hỏi tỏ ra cởi mở với việc đi xe chung với người khác.

Và không chỉ riêng Mỹ đang chứng kiến xu hướng trên. Hiện nay các dịch vụ chia sẻ xe đã có mặt tại hơn 1.000 thành phố trên toàn thế giới.

Từ câu chuyện chia sẻ xe, trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển ngày càng nhanh trong cuộc cách mạng 4.0 thì kinh tế chia sẻ có thể nói cũng sẽ bùng nổ.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục