Trung Quốc tăng mạnh hoạt động thâu tóm dọc "con đường tơ lụa"

(Kinhdoanhnet) - Mặc dù Bắc Kinh đang ngăn chặn dòng chảy vốn ra nước ngoài nhưng các vụ thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại những quốc gia nằm dọc theo tuyến “con đường tơ lụa” vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Theo Reuters, từ đầu năm đến nay, các vụ thâu tóm mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ở 68 quốc gia nằm dọc “con đường tơ lụa” mới đã đạt trị giá 33 tỷ USD, vượt qua mức 31 tỷ USD của cả năm 2016.

Trung Quốc tăng mạnh hoạt động thâu tóm dọc "con đường tơ lụa" - Ảnh 1
Là sáng kiến do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, “con đường tơ lụa” mới nhằm tạo sự kết nối trên bộ và trên biển giữa Trung Quốc với Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Ảnh: CNBC

Được khởi động vào năm 2013, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (hay còn gọi là "con đường tơ lụa" mới) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhằm xây dựng một con đường tơ lụa hiện đại, kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển tới Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á và xa hơn nữa là Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Hồi tháng 5, ông Tập cam kết chi 124 tỷ USD cho sáng kiến có tên gọi chính thức là “Vành đai và Con đường” này.

Trung Quốc tăng mạnh hoạt động thâu tóm dọc "con đường tơ lụa" - Ảnh 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Trung Quốc luôn tuyên bố con đường tơ lụa mới là cách để tăng cường giao thương giữa các quốc gia và lan tỏa thịnh vượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phương Tây vẫn nghi ngờ rằng mục đích chính của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng.

Các khoản đầu tư liên quan đến hoạt động thâu tóm của các công ty Trung Quốc ở hành lang “Một vành đai, một con đường” tăng vọt giữa lúc giá trị tổng cộng các vụ thâu tóm, sáp nhập của Trung Quốc ở nước ngoài trong tám tháng đầu năm nay giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã có 109 vụ thâu tóm tại các quốc gia dọc con đường tơ lụa, so với 175 vụ của cả năm ngoái và 134 vụ trong năm 2015.

Thương vụ thâu tóm lớn nhất ở dự án con đường tơ lụa hiện đại cho đến nay là một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc mua tập đoàn kho vận lớn nhất châu Á Global Logistic Properties (GLP) có trụ sở tại Singapore với giá 11,7 tỷ USDỹ.  GLP đang quản lý 55 triệu m2 diện tích kho bãi ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Brazil với trị giá 41 tỷ USD. Tập đoàn có khoảng 4.000 khách hàng bao gồm nhiều công ty thương mại điện tử hàng đầu như Amazon và Alibaba, JD.com.

Ngoài ra còn có các thương vụ tiêu biểu như: Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) mua 8% cổ phần của một công ty dầu khí của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) với giá 1,8 tỷ USD; tập đoàn đầu tư đa ngành HNA của Trung Quốc đang chào mua Công ty kho vận CWT (Singapore) với giá 1 tỷ USD.

Khi mua lại công ty tại một quốc gia thuộc con đường tơ lụa, doanh nghiệp Trung Quốc luôn được Bắc Kinh tạo điều kiện về thủ tục - theo tiết lộ của giới luật sư và người trong cuộc - vì những thương vụ như thế được xếp vào một nhóm riêng trong các khoản đầu tư ra nước ngoài.

Bởi thế, mới đây, Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc tuyên bố vẫn khuyến khích các công ty trong nước tham gia vào các hoạt động trên “con đường tơ lụa”.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục