Trung Quốc làm gì với "núi" nợ gần 29.000 tỷ USD?

(Kinhdoanhnet) - Tính đến 6/2017, tổng nợ của Chính phủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới hơn 28.800 tỷ USD, tương đương 258% GDP.

Theo Bloomberg, trong núi nợ gần 29.000 tỷ USD, khoản lớn nhất là nợ của các doanh nghiệp (vào khoảng 17.000 tỷ USD), đặc biệt là những tập đoàn nhà nước hoạt động trong nhiều ngành từ thép, xây dựng đến bất động sản.

Khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước càng lớn, rủi ro khủng hoàng kinh tế càng cao. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ không còn có khả năng thanh toán nợ hiện tại, và tài trợ cho các dự án mới nữa.

Trung Quốc làm gì với "núi" nợ gần 29.000 tỷ USD? - Ảnh 1
Tổng nợ của Trung Quốc đã lên tới hơn 28.800 tỷ USD, tương đương 258% GDP. Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới đây của IMF, vì núi nợ này mà tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm từ mức 6,9% của 6 tháng đầu năm 2017 xuống chỉ còn 5% vào năm 2021. Trong kịch bản tệ hơn, con số giảm xuống mức 3% nếu Trung Quốc phải trải qua 1 cuộc khủng hoảng tài chính. Nomura cũng nhận định rủi ro từ nợ của Trung Quốc có thể lan ra toàn thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã và đang cùng các quan chức ngành tài chính giải quyết tình trạng vay mượn quá mức tại các doanh nghiệp nhà nước. Phát biểu tại 1 hội nghị tài chính diễn ra ngày 14/7 vừa qua, ông tuyên bố khắc phục tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước là “ưu tiên hàng đầu”.

Hiện nay Trung Quốc vẫn có nguồn lực lớn để giải quyết nợ. Nước này có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ ở mức 3.000 tỷ USD, cộng với lượng tiền tiết kiệm trong dân chúng lên tới 24.000 tỷ USD giúp hệ thống ngân hàng dồi dào tiền mặt.

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng nợ ngày một tăng mạnh của Trung Quốc triệt để sẽ đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong cách huy động vốn, và chấm dứt việc định hướng cho các mục tiêu tăng trưởng hàng năm. 

Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, nói: "Chính sách dừng cho vay nợ không chỉ hàm ý dỡ bỏ mục tiêu tăng trưởng hàng năm, điều đó còn có nghĩa là khuyến khích tái đầu tư toàn bộ nền kinh tế".

Trong mấy năm trở lại đây, phần lớn tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bị phụ thuộc quá nhiều vào tiền đi vay. Khi vốn được bơm vào những doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, đội quân “doanh nghiệp xác sống” được tạo ra. Dù dư thừa sắt thép, than đá và xi măng, chính phủ Trung Quốc chọn cách cứu vớt các doanh nghiệp trong những ngành này thay vì xóa sổ chúng.

Tuy nhiên, từ năm 2015 trở về trước, gần như không có vụ vỡ nợ nào trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Năm ngoái cũng chỉ có 31 vụ. Tỷ lệ phá sản ở Trung Quốc là 0,1%, so với mức 2% ở Mỹ.

Với nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới và xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, Trung Quốc có thể đủ khả năng để thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn trong năm nay, nhưng kết quả thì vẫn đang cần thời gian để trả lời.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục